(HBĐT) - Ngày 13/6/2014, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết (NQ) số 10-NQ/TU về phát triển sản xuất một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020. Trên cơ sở của NQ, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn cụ thể hóa nội dung NQ, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển một số sản phẩm trồng trọt chủ lực. Các địa phương xây dựng chương trình, NQ, đề án, kế hoạch cụ thể phù hợp với đặc điểm, lợi thế của từng vùng để thực hiện. Nhờ đó, NQ đã đi vào cuộc sống, thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực trồng trọt, nhất là sản xuất cây ăn quả có múi (CĂQCM), cây rau ở địa phương.



Những năm qua, người dân xã Phú Thành (Lạc Thủy) đầu tư trồng cam đảm bảo ATTP cho thu nhập cao.

Khuyến khích sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm
Những năm qua, việc xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp (DN) liên kết hỗ trợ sản xuất được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các huyện đều rà soát, bổ sung nội dung hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương như: khuyến khích DN chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đầu tư giống, phân bón hỗ trợ nông dân tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và liên kết sản xuất với các mặt hàng mướp đắng, bí xanh, bí đỏ lấy hạt, hành, sản phẩm húng quế chiết xuất tinh dầu, tiêu thụ dưa chuột Nhật, măng tây… Ở nhiều địa phương, các hộ đã liên kết hình thành tổ hợp tác hoặc nhóm sở thích để tham gia vào khâu sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm có lợi thế.

Cùng với đó, hoạt động chỉ đạo, hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành quan tâm thực hiện, đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp ở từng địa phương. Tính đến tháng 5/2019, toàn tỉnh có 210 HTX nông nghiệp được thành lập và chuyển đổi theo Luật HTX, 2.005 tổ hợp tác - nhóm liên kết sản xuất, 14 trang trại tham gia sản xuất - kinh doanh CĂQCM, rau an toàn (RAT). Việc hình thành các HTX, tổ hợp tác, nhóm liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã góp phần giải quyết sản phẩm tồn đọng, giảm nhiều hiện tượng thương lái ép giá, giúp khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển thương hiệu sản phẩm mỗi vùng.

Theo Sở NN&PTNT, nhằm hình thành vùng sản xuất tập trung, UBND tỉnh đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung thành Quy hoạch phát triển cây có múi đến năm 2020 là 12.145 ha, định hướng đến năm 2025 là 17.531 ha, trong đó, 70% diện tích sản xuất cây có múi của vùng quy hoạch đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, phần lớn diện tích được sản xuất, chứng nhận đáp ứng theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy hoạch vùng đủ điều kiện sản xuất RAT tập trung, theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh có 9.128,5 ha đất canh tác sản xuất rau tập trung, trong đó có 5.299,5 ha đủ điều kiện để sản xuất RAT đã được nghiên cứu về đất và nước. Việc quy hoạch vùng sản xuất những sản phẩm chủ lực đã xác định rõ vị trí sản xuất đến từng thôn, bản, xứ đồng. Những diện tích đưa vào quy hoạch đều đảm bảo tiêu chí an toàn về đất, nước. Điều này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thu hút các nhà đầu tư cũng như giảm thiểu chi phí cho người sản xuất khi cần chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP).

Tính đến tháng 5/2019, trên toàn tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất trồng trọt hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, VietGAP, hữu cơ cho 41 cơ sở. Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện ATTP, VietGAP, hữu cơ đạt 1.312,6 ha, trong đó, CĂQCM 1.194,9 ha, cây rau 72 ha, cây trồng khác 54,7 ha. Trong tỉnh có 4 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm RAT (1 cửa hàng được Bộ NN&PTNT xác nhận kiểm soát ATTP theo chuỗi của HTX nông sản hữu cơ Lương Sơn).

Hướng tới sản xuất các sản phẩm đặc thù, có lợi thế

Những năm qua, song song với nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất trồng trọt, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng các sản phẩm, các cấp, ngành chức năng đã đẩy mạnh tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm trồng trọt, đặc biệt là phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực, giữ vững giá trị sản phẩm cây có múi, cây rau…

Điểm nhấn thực hiện NQ số 10-NQ/TU gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là các ngành, địa phương đã xác định giải pháp cụ thể để phát triển sản phẩm chủ lực của từng vùng định hướng thị trường; từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chuyển đổi diện tích trồng lúa và cây trồng kém hiệu quả sang trồng CĂQCM, cây rau ở những vùng thích hợp.

Đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Từ việc xác định sản phẩm đặc thù, có lợi thế của các địa phương để đầu tư nguồn lực phát triển, trong tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất tập trung như trồng cam tại các huyện: Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi; vùng trồng bưởi tại huyện Tân Lạc, Yên Thủy, Lương Sơn; rau su su ở Tân Lạc, Mai Châu; tỏi tía Mai Châu; rau hữu cơ Lương Sơn…, thực hiện sản xuất theo chuỗi đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Do nguồn vốn ngân sách hạn chế, việc hỗ trợ sản xuất cây có múi, cây rau còn thấp so với nhu cầu của các địa phương, so với mức đầu tư sản xuất mới đáp ứng khoảng 10% đối với cây có múi trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và 30% đối với cây rau. Tuy nhiên, một số địa phương đã tích cực lồng ghép, huy động các nguồn lực hỗ trợ nông dân sản xuất. Sau 5 năm thực hiện NQ số 10-NQ/TU, tổng kính phí phát triển sản xuất trồng trọt đạt trên 1.260 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 34,86 tỷ đồng sau đầu tư cho CĂQCM và RAT; ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ trên 17,9 tỷ đồng; lồng ghép các nguồn vốn khác hỗ trợ sản xuất trên 60 tỷ đồng; nguồn vốn do người dân và DN đóng góp khoảng 1.150 tỷ đồng.

Tính đến tháng 5/2019, diện tích CĂQCM trên toàn tỉnh đạt 10.200 ha, vượt 5.200 ha so với chỉ tiêu NQ đề ra đến năm 2020, so với năm 2014 tăng 7.300 ha (diện tích kinh doanh tăng 3.900 ha, diện tích cam tăng trên 3.800 ha). Tỉnh duy trì ổn định trung bình 11-12.000 ha gieo trồng rau hàng năm. Năm 2018, diện tích rau toàn tỉnh đạt 12.440 ha (nhóm rau ăn lá 5.287 ha, rau lấy quả 5.602 ha, nhóm rau lấy thân, củ 1.126 ha), có 220 ha rau được chứng nhận ATTP, VietGAP. Nhiều sản phẩm đã phát huy được ưu thế địa lý, có nhãn hiệu riêng, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường như rau su su, RAT, rau hữu cơ, quả lặc lày…

Diện tích CĂQCM và RAT được mở rộng đã góp phần không nhỏ vào cơ cấu giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Năm 2018, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt đạt 5,4%, chiếm trên 67% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Giá trị thu nhập/ha đất canh tác trồng trọt đạt trên 120 triệu đồng/ha. Tính đến năm 2018, đối với nhóm cây trồng chủ lực như CĂQCM giá trị thu nhập đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm, cây rau đạt 270 triệu đồng/ha.


HTX Đồng Sương, xã Thành Lập (Lương Sơn) sản xuất rau an toàn, tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Mở hướng thúc đẩy sản xuất bền vững

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể về diện tích, sản lượng nói chung, tuy nhiên, theo đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT, đến nay, diện tích CĂQCM, cây rau được chứng nhận ATTP, hữu cơ, VietGAP còn rất thấp, chưa đạt mục tiêu NQ số 10-NQ/TU đề ra. Tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị còn ít; hợp đồng, liên kết giữa người sản xuất và DN chưa chặt chẽ, ảnh hưởng đến xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất rau tập trung, quy mô lớn.

Bên cạnh đó, qua tìm hiểu được biết, hiện nay, việc phát triển CĂQCM ở một số nơi mang tính tự phát, diện tích phát triển tràn lan gây lo ngại cho đầu ra sản phẩm sau này. Một số nơi gặp khó khăn về nhân lực lao động nông nghiệp trong việc phát triển một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt, bởi chủ yếu lao động trong độ tuổi từ 18-40 đi làm ở các DN, khu công nghiệp.

Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai thực hiện NQ số 10-NQ/TU ở một số nơi chưa thực sự sâu sát, dẫn đến tình trạng người dân thuộc diện đủ điều kiện được hỗ trợ nhưng chưa tiếp cận được chính sách. Công tác giải ngân nguồn vốn hỗ trợ sản xuất ở một số địa phương còn chậm so với yêu cầu. Việc lồng ghép, huy động các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất trồng trọt hạn chế nên chưa phát huy được đúng tiềm năng, lợi thế của vùng…

Để thúc đẩy sản xuất trồng trọt, nhất là các sản phẩm chủ lực, thế mạnh phát triển bền vững, đủ điều kiện ATTP, VietGAP, ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thời gian tiếp theo, các cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại. Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ nhân giống, sơ chế, chế biến; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất tập trung, quy mô lớn. Tập trung nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, trong đó thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo được chứng nhận ATTP, ViepGAP, có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc.

Chú trọng mở rộng đối tượng cây trồng có thế mạnh của từng địa phương, trong đó chú trọng phát triển cây trồng đáp ứng tiêu chí cánh đồng lớn được thụ hưởng các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất như áp dụng với cây có múi, cây rau hiện nay, góp phần thúc đẩy và tăng hiệu quả chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện phát triển vùng sản xuất lớn, chuyên canh. Huy động và đa dạng hóa các nguồn lực đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, thu hút, khuyến khích DN đầu tư phát triển trồng, chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm và tiêu thụ.

Bài, ảnh: Bình Giang


                         Cần có sự đổi mới trong thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU

                                     Phạm Văn Long  - Chủ tịch UBND huyện Cao Phong


Sau 5 năm thực hiện NQ của Tỉnh ủy về phát triển sản xuất một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt, những năm đầu có kết quả tốt. Mặt đạt được rõ nét nhất là diện tích CĂQCM phát triển rất nhanh vì các hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng/ha đầu tư cây giống. Nhưng sau đó, người dân không có đủ tiền để đầu tư, chăm sóc cây cam dẫn đến một số diện tích phát triển kém, phải chặt bỏ. Chính vì đầu tư dàn trải nên giá trị sản phẩm của vùng cam đặc sản Cao Phong bị ảnh hưởng lớn do đầu ra rất khó khăn. Những diện tích không có điều kiện để chăm sóc kỹ thuật khiến sản phẩm bán giá rẻ đã ảnh hưởng đến vùng trồng cam của huyện. Do vậy, trong thời gian tới, nếu tiếp tục thực hiện NQ số 10-NQ/TU thì phải có sự đổi mới nếu không sẽ tạo khó khăn cho tổ chức thực hiện.



Quan tâm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm

 Nguyễn Ngọc Điệp - Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn


Những năm qua, thực hiện NQ của Tỉnh ủy về phát triển sản xuất trồng trọt đã đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, đối với việc phát triển một số loại cây trồng chủ lực, chúng ta quan tâm nhiều tới thúc đẩy sản xuất, còn vấn đề đầu ra, thị trường mới hướng đến xây dựng thương hiệu chứ chưa thực sự quan tâm sâu tới thị trường, nhất là thúc đẩy tìm kiếm thị trường xuất khẩu sản phẩm. Do vậy, trong thời gian tới rất mong tỉnh quan tâm tới vấn đề này.

Ngoài ra, một vấn đề rất tốt cho phát triển nông nghiệp nhưng chưa được tập trung nhiều là việc dồn điền, đổi thửa. Hiện nay, chi phí cho 1 ha dồn điền, đổi thửa khoảng 5 triệu đồng. Chi phí không lớn, nhưng thời gian qua, công việc này ở một số địa phương còn hạn chế. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các địa phương nên dành kinh phí để thực hiện dồn điền, đổi thửa giúp người dân được hưởng lợi.


Mong muốn được vay vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh

Hà Văn Quỳnh - Giám đốc HTX dịch vụ và phát triển nông nghiệp Tam Hòa

HTX dịch vụ và phát triển nông nghiệp Tam Hòa, xã Tân Sơn (Mai Châu) luôn được các cấp, ngành ủng hộ, tạo điều kiện về đất đai, kỹ thuật, con người để phát triển và hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất.

HTX thực hiện nhiều chương trình sản xuất như trồng rau su su, bí cô tiên, bí củ lạc, cải ngọt, cải bắp, cải chíp. Đặc biệt, năm 2018, HTX tham gia mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau các loại đảm bảo ATTP áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thực hiện với quy mô 25 ha, sản lượng đạt 800 tấn.

Sản xuất đảm bảo ATTP luôn có thị trường tiêu thụ ổn định, tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Tuy nhiên, cái khó của HTX hiện nay là việc vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất gặp khó khăn do nhiều thủ tục HTX không đáp ứng được.

Hiện tại, HTX tập trung sản xuất các loại rau, củ, quả với diện tích khoảng 30 ha. Chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ HTX xây dựng trụ sở, nhà xưởng, hệ thống tưới, tiêu tự động và tạo điều kiện thuận lợi giúp vay vốn để đầu tư mở rộng SX-KD.

Các tin khác


Tháo gỡ vướng mắc đường liên kết vùng

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Hiệu quả từ tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện

Sử dụng tiết kiệm điện đem lại lợi ích "kép”, giúp giảm áp lực cấp điện trong bối cảnh cung cấp điện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giúp chúng ta giảm chi phí sử dụng điện, nhất là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Giá vàng sáng 19/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1 - 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 74,7 -76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Xã Đồng Ruộng tìm hướng thoát nghèo từ nuôi dê

Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục