(HBĐT) - Đến thăm hộ anh Bùi Văn Tỵ, xóm Ba Lầm, xã Nuông Dăm (Kim Bôi) cũng là lúc gia đình anh đang vui mừng vì mới mua được chiếc xe máy tay ga. Nhờ vụ dổi năm nay được giá, có thời điểm lên đến 2,5 triệu đồng/kg, ngoài mua chiếc xe máy mới, anh cũng có điều kiện sửa sang lại nhà cửa, sắm thêm bộ máy vi tính cho con gái phục vụ việc học tập.



Vườn dổi của hộ anh Bùi Văn Tỵ, xóm Ba Lầm, xã Nuông Dăm (Kim Bôi) cho thu 150 triệu đồng/năm. 

Hiện, vườn nhà anh Tỵ có 100 gốc dổi, gồm cả những gốc từ thời các cụ để lại và trồng mới. Đối với anh, đó là những "cây vàng" giúp gia đình vững về kinh tế. Thêm một mùa dổi được giá, bội thu, anh Tỵ phấn khởi cho biết: "Năm nay, thời tiết thuận lợi, cả vườn thu được 1 tạ hạt dổi, chất lượng ổn định, thơm ngon. Có thời điểm giá dổi lên đến 2,5 triệu đồng/kg, chưa kịp hái, phơi khô để bán khách đã liên tục gọi điện hỏi mua. Cả vụ, gia đình thu được hơn 150 triệu đồng, từ đó có điều kiện mua sắm nhiều tiện nghi".

Khắp xóm Ba Lầm đâu đâu cũng rợp bóng dổi. Dổi được bà con nơi đây ví như "vàng đen", là loại cây thân gỗ cao, ít bị sâu bệnh phá hoại, không mất nhiều công chăm sóc, chỉ phải cải tạo đất, chăm sóc cây một vài năm đầu khi trồng. 

Đồng chí Quách Công Quy, Chủ tịch UBND xã Nuông Dăm cho biết: "Cây dổi được người dân trong xã trồng từ lâu, chủ yếu trồng quanh vườn nhà. Hiện, toàn xã có hơn 100 hộ trồng, tập trung ở xóm Ba Lầm. Hộ trồng ít 5-10 cây, trồng nhiều thì cả trăm cây, mỗi vụ thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ưu điểm của dổi là có thể trồng xen với các loại cây khác, tận dụng diện tích đất xấu, khó canh tác, không tốn công chăm sóc mà giá cả cao, tương đối ổn định. Nhiều hộ đã học cách chiết ghép, ươm giống dổi để mở rộng mô hình".

Thông thường, cây dổi sau gần 10 năm mới có thể thu hoạch, nhưng bằng cách chiết ghép, chỉ sau 3 năm là có thu. Cây mới còn non có thể cho vài kg/cây, càng về sau, sản lượng càng nhiều, thu nhập cũng càng được nâng cao, có những cây cho vài chục kg hạt. Hiện, giá hạt dổi tươi từ 800 nghìn -1 triệu đồng/kg, hạt dổi khô từ 2-2,5 triệu đồng/kg. Cứ đến 9-10 tháng, người dân xóm Ba Lầm lại hồ hởi đến vụ thu hoạch, dùng sào chọc rơi xuống đất hoặc bắc thang hái.

Hạt dổi là một trong những gia vị không thể thiếu trong các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Bắc. Trong ẩm thực, hạt dổi trộn với muối dùng để chấm với các món thịt lợn, gà hoặc để ướp gia vị tạo mùi thơm. Về y học, hạt dổi hỗ trợ tích cực trong điều trị các bệnh về đường tiêu hóa, thoái hóa khớp, viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, giúp xương cốt khỏe mạnh. Nhiều hộ trong xã đã mở rộng vườn ươm giống, dự kiến diện tích dổi toàn xã sẽ ngày càng tăng, trở thành nguồn thu đáng kể cho nhiều gia đình.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế, Đảng ủy, chính quyền xã đã cử nhiều hộ đi thăm quan, học tập các mô hình tại huyện Lạc Sơn, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây giống, chế biến và bảo quản hạt sau thu hoạch; khuyến khích người dân phát triển, nhân rộng diện tích dổi, trồng xen kẽ với các loại cây trồng khác để tạo nguồn thu, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Năm 2019, thu nhập bình quân toàn xã đạt 18 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo 24,4%.

Hoàng Anh

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục