(HBĐT) - Những năm trở lại đây, chăn nuôi lợn bản địa được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện vùng cao Đà Bắc chú trọng. Điều này không chỉ phù hợp với điều kiện của địa phương, mà còn đem lại hiệu quả kinh tế khá.


Hộ dân xóm Khem, xã Đoàn Kết (Đà Bắc) nuôi lợn đen bản địa đem lại thu nhập khá.

Lợn đen bản địa là giống lợn cho chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở địa bàn vùng cao, nơi có diện tích chăn thả và nguồn thức ăn dồi dào. Với huyện vùng cao Đà Bắc, từ xa xưa, giống lợn đen, kích thước nhỏ đã được bà con nuôi để cải thiện. Trước đây, lợn thường được nuôi thả rông khắp vườn, đồi, chủ yếu để cải thiện chứ chưa được coi như vật nuôi đem lại nguồn thu nhập. Mấy năm trở lại đây, giá lợn đen luôn duy trì ở mức cao, thị trường ưa chuộng nên nhiều hộ ở huyện Đà Bắc đã xây dựng chuồng trại để nuôi lợn đen bản địa.

Ở xã Đoàn Kết, chăn nuôi lợn đen bản địa đang là hướng phát triển kinh tế được người dân chú trọng. Hiện nhiều hộ chăn nuôi với quy mô vài chục con. Như gia đình ông Lò Văn Ân, xóm Khem nuôi 5 con lợn nái và hàng chục lợn thịt. Theo ông Ân chia sẻ, trước đây, gia đình chỉ nuôi 1 - 2 con nái, sau khi nái sinh sản được bao nhiêu con thì để nuôi. Gia đình tận dụng khoảng vườn sau nhà để thả lợn. Sau thời gian nuôi từ 7, 8 tháng đến 1 năm tuổi thì xuất bán, giá luôn ổn định trên 100 nghìn đồng/kg. Nhận thấy nhu cầu thị trường cao, giá ổn định nên ông Ân đã xây dựng khu chăn nuôi lợn đen với số lượng từ 5 - 6 nái. Hiện nay, giá bán bình quân 120 nghìn đồng/kg đã đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình.

Nếu như gia đình ông Ân đã duy trì nuôi lợn đen bản địa nhiều năm thì gần đây, nhiều hộ dân ở xã Đoàn Kết mới chú trọng mở rộng quy mô nuôi giống lợn này theo hướng hàng hoá. Như gia đình anh Lò Văn Tuất, xóm Khem, năm vừa rồi đã xây dựng chuồng trại để nuôi lợn đen với số lượng lớn. Anh Tuất chia sẻ: Gia đình có đất vườn, đồi rộng nên đang định sẽ quây một khu rộng tầm 1 ha để nuôi lợn đen. Giống lợn này khá khoẻ mạnh, chống chịu bệnh tốt, ăn tạp nên dễ nuôi. Đặc biệt, hiện nay không chỉ xuất bán cho thương lái ngoài huyện, mà ngay trong huyện đang có nhu cầu lớn, nhất là các khu du lịch.

Không chỉ ở xã Đoàn Kết mà hầu hết ở các xã vùng cao trên địa bàn huyện Đà Bắc cũng chú trọng nuôi lợn đen bản địa. Ở xã Trung Thành, hiện một số hộ xác định sẽ tập trung nuôi lợn bản địa để nâng cao thu nhập. "Ở trên này bà con trồng ngô, sắn, trồng rừng. Đó là những điều kiện thuận lợi nhất để nuôi lợn đen. Ngày trước đầu ra khó khăn nhưng hiện đường giao thông đã thuận lợi nên việc tiêu thụ dễ hơn. Bà con trong xóm có thể chở lợn ra tận thành phố Hoà Bình để tiêu thụ mà chỉ mất 1 giờ đồng hồ”, anh Hà Văn Hướng, xóm Sổ, xã Trung Thành chia sẻ.

Bên cạnh thúc đẩy chăn nuôi lợn bản địa theo hướng hàng hoá, huyện đã chú trọng xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ lợn đen. Tiêu biểu như ở xã Tân Minh, các hộ chăn nuôi lợn bản địa đã liên kết, thành lập hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm thịt lợn bản địa. Hiện nay, sản phẩm thịt lợn Tân Minh đã được đóng gói, có tem truy xuất nguồn gốc và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc, những năm qua, trên địa bàn huyện duy trì trên 23 nghìn con lợn bản địa, được nuôi ở trên 3 nghìn hộ dân. Lợn bản địa nuôi thả rông, thức ăn chủ yếu là tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp hoặc thức ăn có sẵn trong tự nhiên, không sử dụng kháng sinh, các chất kích thích tăng trưởng, thời gian nuôi lâu nên chất lượng thịt được đánh giá cao. Hiện nay, huyện đang thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn bản địa, như hỗ trợ mua lợn giống bản địa từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.


Viết Đào


Các tin khác


60 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm

Chiều 8/12, tại huyện Cao Phong, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh tổ chức hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Hòa Bình. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và 60 doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh.

Các dự án điện gió đóng góp gì cho kinh tế Đắk Nông?

Các dự án điện gió ở Đắk Nông khi hoàn thành sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia trên 1 tỷ kWh và đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Huyện Yên Thủy tăng cường thu ngân sách nhà nước

Năm 2023, UBND tỉnh giao chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước (NSNN) cho huyện Yên Thủy là 65,2 tỷ đồng, trong đó thu từ thuế, phí và các khoản thu khác 55,2 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất (SDĐ) 10 tỷ đồng. HĐND huyện giao chỉ tiêu thu ngân sách 180 tỷ đồng, trong đó thu từ thuế, phí và thu khác (không tính tiền SDĐ) 55,9 tỷ đồng, thu tiền SDĐ 124,1 tỷ đồng.

Việt Nam tăng cường quảng bá sản phẩm dệt may tại Ấn Độ

Trung tâm xúc tiến và Tổ chức hội chợ Worldex dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương và Bộ Dệt may Ấn Độ đã tổ chức Hội chợ dệt may Nam Á 2023 (Intex South Asia) tại Trung tâm triển lãm IICC, thủ đô New Delhi, Ấn Độ từ ngày 7-9/12.

Đối thoại chính sách phát triển hợp tác xã phi nông nghiệp 

Ngày 7/12, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách phát triển hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp năm 2023. Tham dự có đại diện lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh, các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, GTVT, LĐ-TB&XH, Cục Thuế tỉnh, Ban Dân tộc... và các HTX phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư ngoại

Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, song Việt Nam đang thể hiện tốt hơn hầu hết các quốc gia khác nhờ nới lỏng dần chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, cắt giảm thuế và mở rộng đầu tư chi tiêu công. Đây cũng là lý do Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư ngoại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục