Người dân H.Đồng Văn, Hà Giang lấy nước từ các bể treo xây dựng theo Chương trình 135.

Người dân H.Đồng Văn, Hà Giang lấy nước từ các bể treo xây dựng theo Chương trình 135.

Hôm qua, phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc với phần thảo luận về báo cáo giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc của QH về thực tế xóa đói, giảm nghèo qua chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010).

Nhiều hộ không muốn thoát nghèo!

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, ông Ksor Phước, sau gần 5 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, nhiều mục tiêu quan trọng của chương trình cơ bản đã đạt được, cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 47% đầu năm 2006 xuống còn 31,2% năm 2009 (mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 30%). Tuy nhiên, theo ông Ksor Phước, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm nhanh nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá lớn. Nếu thực hiện theo chuẩn nghèo mới hoặc bị ảnh hưởng thiên tai, mất mùa thì tỷ lệ hộ nghèo các vùng này sẽ trở lại rất cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai lo ngại đặt ra 2 vấn đề: Thứ nhất, với mức độ nghèo như VN, ngân sách nhà nước đầu tư bao nhiêu là vừa? Thứ hai, liệu cách thực hiện Chương trình 135 thời gian qua có tạo ra sự trông chờ ỷ lại của các hộ nghèo hay không? "Tôi đi một số tỉnh miền núi thấy có nhiều hộ không muốn thoát nghèo, vì nghèo và cận nghèo rất gần", bà Mai dẫn chứng. Dẫn chứng, số hộ thoát nghèo do hưởng đầu tư từ ngân sách trung ương chỉ đạt có 4,9% trong khi số hộ thoát nghèo từ nguồn đầu tư của ngân sách địa phương lại lên tới 40,5%, bà Mai đề nghị: "Cần nghiêm túc đánh giá để làm rõ có hay không tư tưởng ỷ lại vào trung ương?".

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ông Hà Hùng, thì việc nhiều xã thoát nghèo từ nguồn ngân sách của địa phương nhanh hơn nguồn ngân sách đầu tư của trung ương không phải là có sự ỷ lại mà là do có địa phương nguồn lực mạnh (chẳng hạn Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...), đầu tư nhanh hơn cho các xã nên kết quả thoát nghèo khả quan hơn.

Theo bà Mai, cần xác định rõ mục tiêu lớn nhất trong chương trình giảm nghèo diện 135 là tính bền vững chứ không phải giảm nghèo nhanh. "Nên xây dựng cách quản lý theo hiệu quả, nơi nào tổ chức hiệu quả thì đầu tư nhiều, nơi nào có khả năng thoát nghèo nhanh hơn thì Nhà nước đầu tư tích cực, bài bản hơn, khuyến khích người dân hưởng ứng tham gia, tránh trông chờ ỷ lại”, bà Mai nhấn mạnh.

Nên tập trung nguồn lực

Nhiều thành viên của UBTVQH cho rằng, đầu tư Chương trình 135 hiện nay còn tản mạn, tràn lan và quá nhiều chương trình lồng ghép chưa phát huy được tác dụng, nguồn lực còn bị phân tán.

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, ông Trần Thế Vượng cho rằng, thực tế triển khai Chương trình 135 cho thấy, đang có sự phân tán nguồn lực đầu tư cho Chương trình 135. "Chúng ta cứ nói làm được bao nhiêu đường, xây được bao nhiêu trường học nhưng hiệu quả đến đâu, chưa rõ lắm", ông Vượng nghi ngại. Cho rằng việc đầu tư tràn lan, manh mún trong bối cảnh ngân sách, nguồn tài chính có hạn không thể đem lại kết quả khả quan và giúp đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn thoát nghèo bền vững, ông Vượng đề xuất: "Thay vì đầu tư cùng lúc cho 1.850 xã với 2.500 buôn làng, thôn bản rải đều, nên sử dụng giải pháp đầu tư dứt điểm theo kiểu cuốn chiếu, tức là mỗi năm tập trung vào một số xã". Cũng theo ông Vượng, trong bối cảnh nguồn tiền có hạn, không nên xé lẻ ra thành nhiều mục tiêu của Chương trình 135, ví như việc trợ giúp pháp lý, về lâu về dài là cần thiết song trong ngắn hạn thì chưa phải mục tiêu cần ưu tiên số 1. "Cứ cho vào được vài tỉ lại ném mỗi anh một tí, không hiệu quả", ông Vượng thẳng thắn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Lê Quang Bình cũng đồng quan điểm này, đề nghị: "Cuối năm 2010, Chính phủ tổng kết sâu sắc Chương trình 135, trong tổng kết cần làm rõ cơ chế quản lý như hiện nay có phù hợp, T.Ư quản lý đến đâu, địa phương quản lý đến đâu thì phù hợp? Nếu cùng một xã mà có hơn 11 chương trình liên quan đến xóa đói giảm nghèo cùng triển khai thực hiện, nguồn lực phân tán, hiệu quả chắc chắn không cao".  Ông Bình cho rằng, sau khi xác định chuẩn nghèo, QH phải ra nghị quyết hằng năm phải đưa bao nhiêu xã ra khỏi chuẩn nghèo?

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, UB TVQH sẽ ra Nghị quyết về thực hiện Chương trình 135.

                                                                                  Theo Báo Thanhnien

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục