Sai số trong báo cáo cán cân thanh toán là 12 tỉ USD
Áp lực tăng vốn điều lệ, chạy theo lợi nhuận khiến các ngân hàng (NH) đẩy mạnh tín dụng, bất chấp rủi ro. Nợ xấu của nhiều NH đang ở mức khá cao và tiềm ẩn rủi ro cho cả hệ thống.
Ông Lê Xuân Nghĩa (ảnh), Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết như vậy khi trao đổi với Thanh Niên.
|
Theo ông Nghĩa, có 3 vấn đề cần nói khi các NH buộc phải tăng vốn điều lệ đạt 3.000 tỉ đồng vào năm 2010 và 5.000 tỉ đồng vào năm 2012... Thứ nhất là tiền đâu để các NH tăng? Thứ hai, khi tăng vốn điều lệ, phải tăng tổng tài sản lên tương ứng thì mới có lãi. Khi không lấy đâu ra lợi nhuận, các NH phải mở rộng tín dụng vô tội vạ. Thứ ba, liệu NH có đủ năng lực quản lý số vốn điều lệ lớn tới mức đó không.
“Các NH ngày hôm qua đang còn là NH TMCP nông thôn, ngày hôm nay lên quản lý một NH vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng đã chới với rồi. Trong khi đó, hệ thống quản trị rủi ro là một con số không. Như vậy, nó chỉ làm cho uy tín của NH và giá trị cổ phiếu giảm sút, tạo lòng tham cho các cổ đông, mở rộng tín dụng bằng mọi giá, chấp nhận các dự án không hiệu quả để có lợi nhuận...” - ông Nghĩa nói.
* Như vậy, vấn đề quản trị rủi ro dễ bị các NH bỏ qua?
- Điều đáng lo nhất hiện nay của NH TMCP là họ gần như bỏ đi hoàn toàn chức năng quản lý rủi ro. Tất cả các quyết định hằng ngày của Chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc đều không có tiếng nói của quản trị rủi ro. Tôi đến kiểm tra 3 NH vừa mới thành lập, quy chế về quản trị rủi ro của NH dày nhất cũng chỉ 6 trang giấy. Tôi thực sự choáng váng. Không phải một vài NH, mà hiện tại đang xảy ra ở đại bộ phận các NH TMCP. Hiện nay, bộ phận quản lý rủi ro chỉ là hình thức, và nếu cứ như vậy thì hệ thống NH trong tương lai sẽ ra sao. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ công bố báo cáo giám sát 2009, được Thủ tướng cho phép giải mã tất cả số liệu mật thành các số liệu không mật. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ thấy bức tranh hệ thống tài chính không hề đơn giản như đánh giá của NH Nhà nước VN.
* Thực tế, nợ xấu các NH đáng ngại tới mức nào, thưa ông?
- Báo cáo nợ xấu NH bình quân khoảng 1,28% trên tổng dư nợ, nhưng đến khi chúng tôi kiểm tra có ngân hàng lên tới 12%, thậm chí 14%. Đó là theo chuẩn kế toán Việt Nam, còn chuẩn quốc tế phải nhân lên 3 lần nữa. Với tình trạng này kéo dài, các tổ chức nước ngoài đã cảnh báo sớm muộn VN cũng gặp một cuộc khủng hoảng tài chính. Tôi cũng cảnh báo với Thủ tướng, ban đầu sẽ có thể khủng hoảng về cán cân thanh toán, sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính. Vì sai số trong báo cáo cán cân thanh toán là 12 tỉ USD, sai sót này là có thật, chứ không phải người ta bịa ra. Bởi vì, NH Nhà nước mất 8,8 tỉ USD để bán ngoại tệ ra trong vòng 1 năm, cộng với tổng thu, chi ngoại tệ dư ra 4 tỉ USD.
* NH yếu kém nhưng chúng ta lại không thấy NH nào phá sản?
- NH không thể phá sản vì nhận được sự hỗ trợ lớn từ NH Nhà nước, sự hỗ trợ đó không phải bằng lời mà bằng tiền. Tôi nhớ, số tiền hỗ trợ để cứu các NH lên tới mười mấy nghìn tỉ đồng. Vì khó phá sản cho nên rủi ro rất lớn. NH cứ mở rộng tín dụng thoải mái, mai mốt nợ xấu nhiều thì Chính phủ lại cứu. Người gửi tiền cũng vậy, cứ chỗ nào lợi nhuận, lãi suất cao là gửi. Không cần quan trọng NH tốt, xấu. Đây là nguyên nhân khiến chạy đua lãi suất dễ dàng.
Theo
(HBĐT) - Phiên chợ vùng cao tỉnh Hoà Bình năm 2023 với chủ đề "Chợ phiên - Nét đẹp vùng cao".