Từ đầu tháng 11 đến nay, nhiều Cty dược phẩm đã có văn bản gửi đến các nhà thuốc tư nhân thông báo thuốc nhập khẩu tăng giá. Những mặt hàng chưa tăng, các nhà sản xuất và nhập khẩu cũng báo trước, lô hàng tới đây sẽ không còn ở giá cũ.

Thậm chí, nhiều mặt hàng có mức tăng trên 50%. Trong khi đó Bộ Y tế đang lo lắng, nếu không cho phép tăng, có thể việc thiếu thuốc sẽ lặp lại như năm 2008 đã từng xảy ra.

Nhiều mặt hàng thuốc có mức tăng trên 50%.  Ảnh: Kỳ Anh
Nhiều mặt hàng thuốc có mức tăng trên 50%. Ảnh: Kỳ Anh

Nhiều mặt hàng tăng trên 50%

Tại TP.Hồ Chí Minh, Hãng dược Novartis đã đề nghị các nhà phân phối sỉ cũng như lẻ điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thuốc, trong đó có loại thuốc dung dịch nhỏ mắt Genteal Collyre được “đẩy giá” từ 59.900 đồng lên tới 64.000 đồng/lọ. Cty cổ phần dược phẩm Quảng Bình (chi nhánh TPHCM) cũng đã có bảng giá mới cho một số loại thuốc kháng sinh như Cipro Floxacin 500mg từ 45.000 đồng lên 50.000 đồng/hộp, Terpin Codein (đặc trị ho) tăng từ 40.000 đồng lên 42.000 đồng/hộp. Tăng giá mạnh và nhiều nhất là các mặt hàng của Cty TNHH dược phẩm Minh Phúc (trụ sở quận Tân Bình, TPHCM). Bắt đầu từ ngày 1.11, Cty đã thông báo với các nhà thuốc tư nhân sẽ tăng giá 27 mặt hàng với mức tăng từ 11 – 54%…

Trong khi đó tại Hà Nội, ngày 9.11, theo khảo sát của báo Lao Động, giá bán lẻ các loại thuốc thông thường đã tăng từ 10 – 25%. Thuốc ho Bảo Thanh giá 24.000 đồng/lọ, hôm nay đã lên 28.000 đồng/lọ. Thuốc kháng sinh Zinat 500 tăng từ 25.000 đồng lên 35.000 đồng/lọ, Nospa tăng từ 21.000 đồng lên 24.000 đồng, Marvelon tăng từ 53.000 đồng/vỉ lên 63.000 đồng/vỉ, Atussin viên tăng từ 65.000 đồng lên 68.000 đồng/hộp, Bobina tăng từ 33.500 lên 36.000 đồng/hộp… Panadol Extra tăng từ 72.000đ lên 74.000đ/hộp, Cephalexin 500mg 72.000đ lên 74.000đ/hộp, Amoxicilin 500mg tăng từ 54.000đ lên 56.000đ/hộp…

Theo các cửa hàng thuốc, từ nay đến cuối năm, giá thuốc còn tiếp tục biến động, không chỉ do quy luật thị trường cuối năm, mà còn do ảnh hưởng của giá vàng, giá ngoại tệ đang biến đổi.

Người dân luôn phải chấp nhận mua thuốc giá cao dù điều đó là vô lý (ảnh minh họa). Ảnh: Giang Huy
Người dân luôn phải chấp nhận mua thuốc giá cao dù điều đó là vô lý (ảnh minh họa). Ảnh: Giang Huy

Do tăng tỉ giá hay “té nước theo mưa”?

Lý giải cho việc tăng giá thuốc này, nhiều hãng dược cho rằng do tăng tỉ giá ngoại tệ trong khi thuốc và các nguyên liệu sản xuất thuốc đều đa số nhập ngoại nên mới tăng giá. Tuy nhiên, liệu có phải việc tỉ giá ngoại tệ tăng mới đây là nguyên nhân chính gây tăng giá thuốc?  Trao đổi với báo giới ngày 9.11, TS Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) - cho rằng: 90% nguyên liệu thuốc và 50% thuốc thành phẩm là nhập ngoại. Một số mặt hàng thuốc thành phẩm nhập khẩu có thể tăng nhẹ do tỉ giá giữa đồng đôla Mỹ, đồng euro và đồng Việt Nam tăng theo thị trường. Theo ông Cường, số lượng này tăng không nhiều. Giá một số loại thuốc generic như kháng sinh Amoxixilin, Ampixilin, Cloroxit, B1, B6, B12 phải nhập nguyên liệu nước ngoài, với tỉ giá USD tăng như hiện nay thì mức tăng 5 – 10%, doanh nghiệp vẫn cứ “hòa”.

Nhiều Cty sản xuất thuốc trong nước cho rằng, tỉ giá tăng chưa hẳn là nguyên nhân quyết định, mà ở đây còn có nhiều yếu tố khác chi phối. Một trình dược viên có thâm niên cho rằng, giá thuốc tăng cũng một phần do những khoản chi tiêu cực phí (hoa hồng, quà cáp cho bác sĩ kê toa, cho khoa dược BV...). Ngoài ra, cộng thêm vào giá thuốc còn có chi phí quảng cáo ồ ạt, tiếp thị sản phẩm, thương hiệu góp phần “đội giá” thuốc lên nhiều lần.

Một nghịch lý khác cần phải đề cập đến đó chính là việc tăng giá ăn theo tỉ giá. Mới nghe thông tin tỉ giá ngoại tệ biến động tăng giá là các DN nhập khẩu thuốc nhanh tay điều chỉnh giá thuốc ngay. Thậm chí, nhiều DN sử dụng chiêu tăng giá trước xin phép sau. Nếu phân tích rõ ràng thì việc tăng giá của các DN trong thời điểm này chính là việc “té nước theo mưa”. Bởi vì, việc DN đặt hàng mua thuốc, nguyên liệu từ các nhà sản xuất đã được thực hiện và thanh toán từ trước đó.

Siết chặt quản lý ra sao?

Cục Quản lý dược ngày 8.11 đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm trên địa bàn đảm bảo cung ứng đủ thuốc, đặc biệt các thuốc thiết yếu, các thuốc chuyên khoa, đặc trị cần thiết cho nhu cầu điều trị. Rà soát, thực hiện các biện pháp nhằm tiết kiệm các chi phí sản xuất, kinh doanh nhằm hạn chế tối đa việc tăng giá thuốc. Bộ cũng yêu cầu các sở y tế tăng cường tổ chức việc thanh tra, kiểm tra việc kê khai, kê khai lại giá thuốc của các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc trên địa bàn…

Tại Hà Nội, Chánh thanh tra Sở Y tế Nguyễn Việt Cường cho biết: “Tuần tới, các phòng y tế quận/huyện trong 7-10 ngày sẽ tiến hành khảo sát khoảng 1.000 mặt hàng thuốc thông dụng để nắm được biên độ tăng giá thuốc, báo cáo UBND TP và Cục Quản lý dược.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho rằng, hiện nay người dân hoàn toàn có thể sử dụng được những sản phẩm thuốc sản xuất trong nước có chất lượng tốt mà giá cả rẻ hơn nhiều so với các loại thuốc ngoại nhập. Nhà nước đã có chủ trương rót kinh phí để bình ổn giá cho nhiều mặt hàng thì cũng phải có quỹ bình ổn đối với nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước. Có như vậy sẽ hạn chế phần nào việc tăng giá thuốc.

                                                                         Theo Báo Laodong

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục