Ngày 11-11, tại Trụ sở Báo Nhân Dân, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Báo Nhân Dân, Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Ưu tiên dùng hàng Việt" (Bộ Công thương), Viện Quản lý kinh tế T.Ư (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp tổ chức hội nghị: Nhìn lại một năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động, nhằm đánh giá những thành quả đạt được, những vướng mắc cần tháo gỡ, từ đó kiến nghị các chính sách để tiếp tục thực hiện cuộc vận động đạt hiệu quả cao hơn. Ðồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư tham dự và chỉ đạo hội nghị. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư, đại diện các bộ, ban, ngành, sở công thương các tỉnh, thành phố cùng nhiều doanh nghiệp trong nước tham dự.

 

Kết quả thực hiện cuộc vận động

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim khẳng định, Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' do Bộ Chính trị phát động nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đã được tiến hành khắp cả nước. Qua một năm thực hiện cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn, kịp thời trong bối cảnh nền kinh tế đất nước gặp khó khăn.

Cuộc vận động không chỉ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN) đối với người tiêu dùng mà còn tạo điều kiện cho các DN mở rộng thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều DN đã tận dụng cơ hội đầu tư chiều sâu, mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, trong đó thị trường nông thôn được chú trọng với nhiều chương trình đưa hàng Việt Nam chất lượng đến tận tay người tiêu dùng. Cuộc vận động có sức lan tỏa nhanh, trong đó có đóng góp tích cực của các cơ quan truyền thông.

Ðánh giá tác động của truyền thông với cuộc vận động, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thuận Hữu cho biết, Báo Nhân Dân đã chính thức mở chuyên mục 'Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam' từ ngày 6-2-2009. Các thông tư, chỉ thị, nhất là các thông tin liên quan hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn, người tiêu dùng hưởng ứng đợt vận động, tổ chức khuyến mại, đẩy nhanh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước... đều được Báo Nhân Dân cập nhật đầy đủ, kịp thời trên tất cả các ấn phẩm. Tháng 9-2009, Báo Nhân Dân phối hợp Tập đoàn dệt may Việt Nam và Hiệp hội dệt may Việt Nam có sáng kiến cùng với Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức phát động chương trình 'Ðồng hành cùng doanh nghiệp dệt may vì đồng bào biển đảo của Tổ quốc'. Thành lập Quỹ góp phần hỗ trợ cải thiện đời sống nhân dân tại các vùng biển đảo của Tổ quốc và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển.

Sau hơn một năm triển khai chuyên mục tuyên truyền 'Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam' trên Báo Nhân Dân, đã góp phần tác động sâu sắc đến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về cuộc vận động.

Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa nhận xét, có thể thấy sau một năm thực hiện, cuộc vận động đã tạo điều kiện thuận lợi cho nền sản xuất trong nước, cho hoạt động và phát triển của các DN Việt Nam. Các DN nhìn chung đã ý thức được ý nghĩa của chương trình 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', đây là 'cơ hội vàng' để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, đem lại cơ hội sản xuất, kinh doanh tại thị trường nội địa.

Qua cuộc vận động, ý thức của người tiêu dùng trong nước đã có những chuyển biến ban đầu, người tiêu dùng trong nước đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của DN Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu đô thị, chương trình khuyến mãi, hội chợ, triển lãm... đã giúp cho người tiêu dùng trên cả nước được tiếp cận trực tiếp thương hiệu, DN Việt Nam, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá chất lượng hàng Việt Nam.

Nhận định về kết quả bước đầu thực hiện Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', Viện trưởng Nghiên cứu kinh tế T.Ư (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) Lê Xuân Bá cho rằng, sau hơn một năm thực hiện, thị trường nông thôn được nhìn nhận chính là nơi tiêu thụ hàng hóa lớn nhất. Hàng Việt Nam sản xuất trong nước ở nhiều ngành dần khẳng định được thương hiệu với lợi thế giá cả, chất lượng ổn định và mẫu mã tốt.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Giám đốc Công ty cổ phần cao-su DRC Ðà Nẵng thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Hà Phước Lộc cho biết, DN đã và đang thực hiện rất tốt cuộc vận động thông qua việc đáp ứng hơn 80% nhu cầu đối với các sản phẩm săm, lốp xe đạp và hơn 60% nhu cầu đối với các sản phẩm săm, lốp ô-tô tải tại thị trường Việt Nam. Theo Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Traphaco Vũ Thị Thuận, một DN sản xuất thuốc đông dược lớn nhất ở Việt Nam, DN đã phát triển theo chiến lược hiện đại hóa nền y học cổ truyền, hưởng ứng cuộc vận động doanh thu thị trường trong nước tăng 15%/năm, dự kiến năm 2010 đạt 900 tỷ đồng. DN đã tham gia rất tích cực chương trình 'Hàng Việt về nông thôn', đây thật sự là chương trình đã tạo được luồng dư luận rộng rãi và tác động trực tiếp đến hành vi của người tiêu dùng. Mặc dù là DN dược phẩm, không được tham gia bán hàng tại các phiên chợ, nhưng Traphaco đã tham gia rất tích cực các hoạt động tư vấn người tiêu dùng tại các phiên chợ nông thôn, phiên chợ công nhân tại các khu công nghiệp cũng như tại các hội chợ 'Hàng Việt Nam chất lượng cao' nhằm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của DN.

Vướng mắc, bức xúc của doanh nghiệp

Ông Hà Phước Lộc cho biết: Sau khi nước ta gia nhập WTO, hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm săm, lốp ô-tô đều có hiện tượng gian lận thương mại thông qua hình thức khai báo giá tính thuế thấp hơn so với giá mua thực tế. Khi xuất khẩu, sản phẩm săm, lốp trong nước bắt buộc phải hợp chuẩn theo quy định của từng nước, trong khi đó nhiều nhãn hiệu săm, lốp ô-tô chất lượng thấp được nhập vào dễ dàng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong nước và sự an toàn cho người tiêu dùng. Một nghịch lý khác, nước ta là một trong năm nước có nguồn cao-su thiên nhiên lớn nhất thế giới, nhưng hiện nay các đơn vị sản xuất sản phẩm cao-su của Vinachem vẫn gặp khó khăn khi mua nguyên liệu trong nước.

Bà Vũ Thị Thuận cũng kiến nghị: Quan điểm của Ðảng ta và chính sách của Nhà nước trong ưu tiên phát triển sản xuất đã rõ ràng, đồng thời cũng chú trọng, ưu tiên bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Trong từng lĩnh vực kinh doanh cụ thể, các quan điểm và chính sách chưa được cụ thể hóa bằng các tiêu chí, do đó vẫn còn vướng mắc cho doanh nghiệp khi muốn nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Một bức xúc khác được đại diện Công ty TNHH sản xuất - thương mại nhựa Chí Thành nêu: Mặt hàng mũ bảo hiểm sản xuất từ nhựa phế liệu kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, nhưng mẫu mã bắt mắt đang được bày bán tràn lan trên thị trường, giá 'siêu rẻ' chỉ từ 20 đến 30 nghìn đồng/cái. Ðiều đáng nói là trong số những mũ bảo hiểm loại này, nhiều cái vẫn được dán tem CR tiêu chuẩn hợp quy. Công ty kiến nghị đưa mũ bảo hiểm vào danh mục các mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện để tránh hiện tượng này. Ðại diện Công ty cổ phần giấy Sài Gòn cung cấp con số 'giật mình': 30% sản phẩm giấy mang thương hiệu giấy Sài Gòn bán trên thị trường là hàng giả. Công ty kiến nghị nhiều giải pháp để chặn đứng vấn nạn này như nâng cao công tác tuyên truyền, tăng cường quản lý thị trường, đầu tư chiều sâu cho công nghệ, giáo dục tiêu dùng để học sinh có nhận thức đúng về tính dân tộc,...

Theo bà Nguyễn Hồng Hương, Công ty Kinh doanh hàng thời trang Việt Nam - Vinatexmart (Tập đoàn dệt may Việt Nam), hiện nay, các doanh nghiệp dệt may trong nước đang phải đương đầu trong cuộc cạnh tranh không cân sức với doanh nghiệp dệt may nước ngoài trên thị trường nội địa, bị 'thua ngay trên sân nhà'. Ngành dệt may kiến nghị Nhà nước có giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thâm nhập thị trường nội địa, nhất là khâu thiết kế phát triển sản phẩm, cung cấp thông tin, đào tạo nhân lực (những khâu mà WTO không cấm); phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và xây dựng thương hiệu, mạng lưới phân phối. Bà Trần Thị Thu Hiền, đại diện Công ty may Nhà Bè phát biểu ý kiến, hiện nay, nhu cầu mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp rất lớn, nhưng thủ tục về đăng ký kinh doanh chưa thật sự thông thoáng. Có tháng, doanh nghiệp mở ba, bốn cửa hàng, phải đi làm lại đăng ký kinh doanh, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian. Doanh số bán hàng hằng tháng của công ty lên tới vài tỷ đồng, nhưng chỉ được mua vài quyển hóa đơn, chứng từ,... Chính sách về thủ tục quảng cáo, khuyến mại cũng chưa thống nhất trên các khu vực, cần được điều chỉnh để thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Tháo gỡ khó khăn

Ðể chiếm lĩnh và giữ vững thị trường, đã có nhiều doanh nghiệp tận dụng cơ hội đầu tư chiều sâu và mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, trong đó địa bàn nông thôn đã bắt đầu được chú trọng với nhiều chương trình đưa hàng Việt có chất lượng đến tận tay người tiêu dùng. Ðể cuộc vận động phát huy hiệu quả trong thời gian tới, doanh nghiệp chuyển dần sang giai đoạn đi vào chiều sâu, không dừng lại ở hoạt động phong trào, bề nổi, nhất thiết phải có các giải pháp bền vững, lâu dài.

Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh: Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' đã được Ðảng, Nhà nước xác định là cuộc vận động lâu dài, liên tục. Ðể tiếp tục triển khai hiệu quả cuộc vận động, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Chương trình hành động của Bộ Công thương tập trung cao cho công tác tuyên truyền hưởng ứng cuộc vận động. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 494/CT-TTg  về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước khi đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước. Ðồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước theo đúng chủ trương của cuộc vận động, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường, liên kết, hợp tác đầu tư; đẩy mạnh chương trình phát triển kết cấu hạ tầng thương mại tại các địa phương. Ðẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra việc thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng... Tại hội nghị, Thứ trưởng Công thương

Hồ Thị Kim Thoa cũng đã trả lời một số kiến nghị của doanh nghiệp.

Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thuận Hữu cũng khẳng định: Ðây là cuộc vận động lớn, nhằm mục tiêu động viên khuyến khích sản xuất trong nước phát triển, cần phải vận động nhiều đối tượng tham gia. Trong đó, doanh nghiệp phải vươn lên, bảo đảm và cam kết giữ chất lượng với giá cạnh tranh. Ðịnh kỳ, cuộc vận động cần có sơ kết, đánh giá và điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Ðể cuộc vận động đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần có sự tham gia của các nhà tổ chức và báo chí để tạo ra các kênh thông tin, trao đổi, gặp gỡ giữa người tiêu dùng và các doanh nghiệp thường xuyên và hiệu quả hơn.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, đồng chí Hà Thị Khiết đánh giá cao ý nghĩa hội nghị, thể hiện sự nghiêm túc và trách nhiệm của các đơn vị tổ chức đối với chủ trương lớn của Bộ Chính trị về cuộc vận động này. Những ý kiến phát biểu thẳng thắn của các doanh nghiệp cho thấy, cuộc vận động đã thể hiện 'ý Ðảng hợp lòng dân'. Một năm qua, chúng ta đã thành công trong việc tuyên truyền, quảng bá hàng Việt Nam đến tận nông thôn, hơn 70% dân số khu vực này đã được sử dụng và tin dùng hàng hóa có chất lượng cao sản xuất trong nước. Các cấp có thẩm quyền đã kịp thời ban hành văn bản điều chỉnh, phù hợp tiêu chí cuộc vận động, góp phần định hướng tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, qua một năm, chương trình này vẫn còn những thiếu sót cần rút kinh nghiệm từ phía cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Có lúc, có nơi, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chưa được coi trọng đúng mức.

Trong những năm tới, đất nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt và khốc liệt hơn. Cuộc vận động đã phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng nền văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, sản xuất ra nhiều hàng hóa trong nước có sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá chất lượng hàng Việt Nam; khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Công tác này phải được đổi mới cả về nội dung và hình thức, hướng đến người tiêu dùng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Ðây là thị trường rộng lớn, rất cần đến hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hóa. Các doanh nghiệp cũng cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ và vận động các doanh nghiệp cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức, bộ, ngành, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tuyên truyền vận động, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước để cuộc vận động ngày càng phát huy hiệu quả, đi vào đời sống xã hội sâu rộng hơn. Công bố thường xuyên, kịp thời tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả sản phẩm hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người tiêu dùng lựa chọn và có thái độ ứng xử đúng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của Ban chỉ đạo cuộc vận động ở cả trung ương và địa phương để cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành thói quen hằng ngày của người tiêu dùng. Thành công của cuộc vận động chính là làm cho mỗi người dân hiểu rằng, việc sử dụng hàng Việt Nam là thể hiện lòng tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước của mình.

                                                                        Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Giá vàng sáng 22/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng 22/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng như sau:

500 đoàn viên, người lao động tham dự hội chợ việc làm huyện Đà Bắc

Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hoà Bình, UBND huyện Đà Bắc vừa tổ chức hội chợ việc làm. 500 đoàn viên thanh viên, người lao động đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tham dự.

Giá vàng sáng 21/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 21/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục