Do mùa vụ thu hoạch và sản xuất mía đường thường bắt đầu vào tháng 11, lượng đường cung ứng ra thị trường không nhiều nên giá đường bị đẩy lên cao.

Do mùa vụ thu hoạch và sản xuất mía đường thường bắt đầu vào tháng 11, lượng đường cung ứng ra thị trường không nhiều nên giá đường bị đẩy lên cao.

Từ 10 ngày qua, mặt hàng đường đã trở thành đề tài nóng bỏng trên các phương tiện thông tin. Nào là người dân xếp hàng đi mua đường, siêu thị chỉ ưu tiên bán đường cho các khách VIP hoặc mỗi khách hàng không được mua quá 2kg đường… Cùng với đó, các sở ngành chức năng cũng “chạy bở hơi tai” để “dẹp loạn” đối với mặt hàng đường. Vì sao lại có hiện tượng này?

 

Thông thường, bước vào đầu tháng 11 hàng năm, sức mua đường trên thị trường luôn tăng vọt so với trước đó. Nguyên nhân chính là các nhà máy, các cơ sở sản xuất bánh mứt bước vào mùa sản xuất, phục vụ cho mua sắm cuối năm nên nhu cầu sử dụng đường tăng rất mạnh. Mặt khác, do mùa vụ thu hoạch và sản xuất mía đường thường bắt đầu vào tháng 11, lượng đường cung ứng ra thị trường không nhiều nên giá đường bị đẩy lên cao hơn so với mức bình thường.

Trên thực tế, các bộ ngành chức năng đã lường trước toàn cảnh về thị trường trong thời điểm hiện nay. Để đảm bảo đủ lượng đường phục vụ cho cao điểm sản xuất, trước đó Bộ Công thương đã cấp quota nhập khẩu 300.000 tấn đường nhằm giảm tình trạng khan hàng, làm giá khi mà các nhà máy chưa bước vào mùa vụ.

Thế nhưng, cho đến thời điểm này các doanh nghiệp (DN) mới chỉ nhập 200.000 tấn, số còn lại vẫn chỉ nằm trên giấy! Đến nay, giá đường thế giới bất ngờ tăng vọt (lên tới 950 USD/tấn đường RE) đã quá muộn cho các DN có ý định nhập nốt số đường còn lại.

Nếu tính thuế và các chi phí khác, giá đường nhập khẩu hiện đã đứng ở mức 22.000 đồng/kg, cao hơn giá thành sản xuất đường trong nước khoảng 4.000 đồng/kg (giá thành sản xuất trong nước dao động từ 16.500 - 17.500 đồng/kg). Giá cao, khiến các DN đứng trước ngã ba đường, nếu nhập sẽ bị lỗ (khi vụ mía đường sẽ bước vào cao điểm), bằng không sẽ không có đường bán.

Trước tình hình này, Sở Công thương đã triệu tập cuộc họp khẩn với các DN được giao bình ổn mặt hàng đường và hệ thống các siêu thị lớn trên địa bàn TP. Tại cuộc họp, các bên đều khẳng định, lượng đường dự trữ là rất dồi dào, chỉ có điều do sức mua tập trung quá cao nên các siêu thị không đưa kịp hàng lên quầy.

Hôm qua 16-11, các DN cung ứng cho 3 hệ thống siêu thị Co.opMart, Big C và MaxiMark khoảng 45 - 50 tấn đường với mức giá bình ổn là 18.000 đồng/kg. Trong tuần này, các DN cũng sẽ nhập gần 10 tấn đường để bổ sung cho thị trường.

Cùng với lượng đường được bình ổn giá, các siêu thị cũng đã dự trữ một lượng hàng khá lớn để bán theo giá thị trường. Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện lượng đường dự trữ của các nhà máy ước tính còn khoảng 20.000 tấn. Dự kiến, đến cuối tháng 11, khi các nhà máy đã bước vào sản xuất đại trà, nguồn cung sẽ trở nên dồi dào, khi đó giá đường trên thị trường chắc chắn sẽ giảm.

Qua câu chuyện bình ổn giá và qua so sánh giá đường sản xuất trong nước và giá đường nhập khẩu có thể thấy, nếu các DN có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn hàng và nếu lượng đường được nhập khẩu theo đúng tiến độ, không chờ “nước đến chân mới nhảy”, chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ được giá đường trong bối cảnh giá thế giới tăng rất cao. Để làm được việc này cũng cần loại trừ kiểu giao hàng nhỏ giọt của một số nhà máy và DN ra thị trường.

Để giảm áp lực về giá đường, ngay trong thời điểm này, các bộ ngành cần yêu cầu các nhà máy sản xuất đường tới đâu cung ứng ra thị trường tới đó. Các DN đã được duyệt quota, cần nhanh chóng nhập đường về để cân đối cung cầu. Đã đến lúc Bộ Công thương nên giao quota cho UBND tại các TP lớn quản lý nhằm tránh tình trạng “có lời mới nhập” đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều DN.

Đặc biệt trong bối cảnh nhiều TP đã và đang triển khai công tác bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, việc giao quota cho các TP để từ đó phân bổ cho các DN, sẽ giải quyết tốt hơn bài toán cung cầu cũng như ổn định được giá bán trong những thời điểm nhạy cảm.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là người tiêu dùng phải thật tỉnh táo, bình tĩnh trước những thông tin bất lợi, tránh tình trạng đổ xô đi mua đường về chứa trữ gây rối loạn thị trường như thời gian vừa qua.

 

                                                                                       Theo SGGP

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục