Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng có thể bị phạt tới 100 triệu đồng - Ảnh minh họa

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng có thể bị phạt tới 100 triệu đồng - Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Nghị định quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và hình thức xử lý các hành vi này với mức tiền phạt thấp nhất là 5 triệu đồng và cao nhất là 100 triệu đồng.

Cần thiết có văn bản điều chỉnh và xử lý vi phạm

NHNN cho biết, liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh hiện nay, Điều 39 của Luật cạnh tranh số 27/2004/QH11 ngày 14/12/2004 đã quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

Tuy nhiên, do hoạt động ngân hàng mang tính chất đặc thù, nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng chưa được cụ thể hoá trong Luật Cạnh tranh và Nghị định 120/2005/NĐ-CP.

Trên thực tế, hành vi cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng rất phức tạp, khó phát hiện, nhận biết và quy kết. Vấn đề cạnh tranh đang tồn tại ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh của các ngân hàng.

Ví dụ như tình trạng các tổ chức tín dụng cạnh tranh nhằm mục đích tăng thị phần huy động vốn của mình. Để thực hiện được điều này, các ngân hàng đua nhau nâng mức lãi suất huy động tiền gửi trong dân cư mà không tính đến hiệu quả kinh tế mà sâu xa là gây mất an toàn hệ thống. Vì vậy nếu việc đưa ra lãi suất huy động cao dựa trên cơ sở sự tính toán hiệu quả kinh tế và có lợi nhuận thì đây là cạnh tranh lành mạnh.

Hoặc bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay để thu hút khách hàng, các ngân hàng dưới sức ép của cạnh tranh và vì chạy theo lợi nhuận mà có thể bỏ qua các quy định an toàn của Ngân hàng Nhà nước. Đây là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bởi lẽ nó gây thiệt thòi cho các ngân hàng mà tuân thủ đúng quy định của Ngân hàng nhà nước. Cuộc đua lãi suất này rất dễ gây ra mất ổn định cho hoạt đồn toàn hệ thống ngân hàng.

Từ các vấn đề thực tiễn đã cho thấy việc quy định chi tiết các hành vi cụ thể về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng là rất cần thiết. Và dự thảo Nghị định này quy định cụ thể các hành vi vi phạm, hình thức, mức phạt, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân.

Dự kiến mức xử phạt

Theo đó, mức xử phạt thấp nhất 5 triệu đồng được áp dụng đối với các hành vì chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh, gièm pha doanh nghiệp khác, các hành vi ép buộc trong kinh doanh được quy định trong Luật Cạnh tranh. Hành vi ép buộc trong kinh doanh của hoạt động ngân hàng như: đặt ra chỉ tiêu huy động tiền gửi cho các phòng, ban, nhân viên không có chức năng, nhiệm vụ huy động tiền gửi như tiêu chuẩn để trả lương, thưởng hoặc các hình thức khác; ép buộc khách hàng gửi lại một phần tiền vay khi khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào;...

Mức phạt cao nhất 100 triệu đồng dự kiến áp dụng đối với các hành vi cung cấp thông tin sai sự thật về các chiến lược trong tương lai với các đối tác nước ngoài như: đối tác nước ngoài mua cổ phần, ký kết hợp đồng hợp tác cung cấp dịch vụ… khiến cho khách hàng lầm tưởng vào khả năng tài chính, khả năng kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác; cung ứng dịch vụ ngoại hối không có xác nhận đăng ký hoặc không có xác nhận đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Thẩm quyền xử phạt

Về thẩm quyền xử phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng, NHNN cho biết, hiện nay, hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng đồng thời chịu sự quản lý của Ngân hàng nhà nước và Bộ Công Thương. Do vậy, NHNN dự thảo Nghị định theo hướng quy định rõ thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giám sát NHNN và thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh.

Cụ thể, Thanh tra viên đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng; Chánh Thanh tra giám sát NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quyền phạt đến 30 triệu đồng.

Đặc biệt, Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng NHNN và Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) có thẩm quyền phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm.

Theo đánh giá của NHNN, về cơ bản, tác động của việc ban hành Nghị định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng là tích cực đối với nền kinh tế. Đây là văn bản pháp lý cần thiết đối với cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng nói riêng và ngân hàng nhà nước nói chung.

Nghị định nếu được ban hành sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để Ngân hàng Nhà nước có cơ sở nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hệ thống các tổ chức tín dụng trong tình hình thị trường tài chính - ngân hàng đang có những bước tiến nhanh và đa dạng như hiện nay.

 

                                                                     Theo Báo Chinhphu.vn

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục