Ở Lạc Thủy, bà con tận dụng mọi diện tích bỏ trống để chăn thả dê.

Ở Lạc Thủy, bà con tận dụng mọi diện tích bỏ trống để chăn thả dê.

(HBĐT) - Từ nhiều đời nay, con dê đã gắn với đời sống bà con xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy. Nơi đây núi đá vôi bao quanh, đất canh tác ít nên con dê là lựa chọn số 1 để phát triển kinh tế gia đình và cũng chẳng có cây gì, con gì hơn con dê.

 

Ngồi trên hiên nhà nhâm nhi chén trà nóng, anh Trịnh Ngọc Vùng, xóm Đồng Mới, xã Đồng Tâm tâm sự: “Anh cứ ngồi uống nước một lúc nữa là đàn dê về. Dê của cả xóm đi kín đường, anh tha hồ mà chụp ảnh. Trời cứ xâm xẩm tối là dê tự động về không phải gọi, không phải đuổi - rồi anh bộc bạch: “Tôi chẳng nhớ nuôi dê được bao nhiêu năm nữa. Chắc có khi trên 30 năm. Từ ngày sinh ra, lớn lên ở vùng đất này, tôi đã thấy các cụ nuôi. Nhà ai cũng nuôi dê. Gắn bó lâu như vậy nên tôi hiểu rõ đặc tính của dê. Có con dễ tính, dễ nuôi nhưng quan trọng là mình phải hiểu nó. Cũng là loài động vật hoang dã, ngoài những bệnh dịch như đậu, tụ huyết trùng, viêm ruột, người nuôi rất sợ dê ăn phải lá có sương, có mưa đầu mùa. Dê là giống phàm ăn, nhiều lá cây trâu, bò không ăn, dê ăn được hết. Do vậy, vào mùa đông không nên thả dê vào sáng sớm vì lúc đó sương chưa tan, dê ăn vào chướng hơi, đầy bụng. Khi chăn thả cũng cần để ý thời tiết. Nhiều khi sáng nắng đến trưa, chiều trời đổ mưa, không đuổi về thì dê ăn lá dính nước mưa cũng bị bệnh.

 

Những năm trước, chuyện nuôi dê ở Lạc Thủy không hẳn để kinh doanh. Nhiều nhà nuôi chỉ như con lợn, con gà trong nhà. Vừa để vui cửa vui nhà, có việc đi chăn dê và sử dụng khi gia đình có công việc. Từ khoảng năm 1998, xu hướng thị trường tìm đến những sản phẩm giàu dinh dưỡng, không nuôi công nghiệp, chỉ ăn cỏ, uống nước lã và con dê có chỗ đứng. Lúc này dê trở thành hàng hóa. Anh Vùng chia sẻ: Căn nhà hai tầng này tôi xây năm 2011 hết hơn 800 triệu đồng cũng từ dê mà ra. Cả xóm  khá lên từ dê. Không có con gì, cây gì ở đây có thể thoát nghèo và làm giàu nhanh như con dê. Tính trung bình nuôi 1 con dê cái mỗi năm đẻ từ 1-2 con cho thu nhập từ 2-3 triệu đồng trở lên. Hiện tại, nhà tôi có 34 con, trong đó, 20 con cái mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Với lượng nuôi như thế chỉ cần một người đi chăn và trông nom. Cả xóm Đồng Mới có 50 hộ dân thì có đến 45 hộ nuôi dê. Tuy chưa có quy mô trang trại hàng trăm đến hàng nghìn con nhưng đủ cung cấp ra thị trường giúp đời sống của bà con ổn định. Nhiều hộ gia đình chọn mô hình nuôi nhỏ vài chục con. Với lượng như thế thì họ dễ chăm sóc, quản lý dịch bệnh.

 

   

             Đàn dê nhà anh Trịnh Ngọc Vùng chuẩn bị về chuồng.

 

Ngồi một lúc, văng vẳng từ đằng xa nghe tiếng dê gọi nhau. Cả đàn con trước, con sau về. Đến nhà ai dê tự động tách đàn về nhà mình. Thấy lạ, tôi hỏi, anh Vùng cho biết: Chúng quen rồi chẳng bao giờ về nhầm nhà, nhầm chuồng. Quy định ở đây, ban ngày nếu không thả lên núi thì nhốt dê, không được thả lên đồi. Ngoài chăn thả, khi tối về bổ sung thức ăn tinh như sắn, ngô và nước muối. Vị nước muối để dê nhớ chuồng, nhớ nhà không thể bỏ nhà được. Tuy nhiên cũng có trường hợp dê bỏ nhà là do lạ đàn. Khi nhà chủ bắt thêm dê về thả cùng đàn cũ thì bị những con cũ bắt nạt đánh nên dê “dỗi” bỏ nhà lên núi. Trong mấy chục năm nuôi dê, anh Vùng cũng bị mấy lần như vậy. Có con 2-3 năm mới tìm được. Chúng sống trên núi. Ban ngày đi ăn cùng đàn, ban đêm ngủ luôn trên núi. Khi tìm được chúng đã có con ở trên đó. Nhưng rất khó bắt được những con đó, trừ khi dê con còn nhỏ  bắt về, dê mẹ theo mới thuần phục được.

 

Cạnh nhà anh Vùng là nhà anh Trịnh Ngọc Tuyên cũng nuôi 16 con dê, trong đó 11 con cái. Với số lượng này, chăm tốt, mỗi năm anh Tuyên thu gần 100 triệu đồng từ bán dê con thương phẩm. Nếu ngày nào không mưa, anh thả theo đàn dê của xóm lên núi. Chiều đàn dê tự về. Vợ anh Tuyên cho biết: Nuôi dê nhàn hơn trâu, bò nhiều vì chúng phàm ăn, đầu tư ít hơn. Nếu như nuôi trâu, bò đầu tư từ 15 triệu trở lên, trong khi đó, nuôi dê từ 2-3 triệu đồng là nuôi được, tỷ lệ rủi ro cũng thấp. Với mức đầu tư như vậy phù hợp với những hộ nghèo ít vốn.

 

Ngồi rít điếu thuốc lào, anh Nguyễn Văn Hòa ở xóm Rộc Yểng, xã Đồng Tâm tâm sự: Trông thế này thôi, tôi đi chăn 8 con dê mẹ và 7 con dê con nhưng tính ra trung bình cũng được trên 70 triệu đồng /năm. Ngày mưa cho dê ăn cỏ dự trữ, ngày nắng thả từ chiều đến tối rồi về. Ở nơi khác, người ta có tiềm năng đất đai chọn cây ăn quả, cây công nghiệp để làm giàu nhưng ở Lạc Thủy, nhiều nhà dựa vào tiềm năng núi đá để nuôi dê phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong cơ chế thị trường, hướng đi này ngày càng khẳng định đúng. Bà Hoàng Thị Thu Hằng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện cho biết: Riêng trong năm 2014, đàn dê của huyện đạt 7.500 con, vượt kế hoạch 119,4%. Hướng phấn đấu trong năm 2015, đàn dê đạt 7.600 con. Trong những năm tới, UBND huyện khuyến khích, hỗ trợ những mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, phù hợp với xu hướng thị trường.

 

 

 

                                                                            Việt Lâm

 

 

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục