Nhóm sở thích xóm Yên Tân, xã Lạc Lương (Yên Thủy) thu hoạch mía liên kết.

Nhóm sở thích xóm Yên Tân, xã Lạc Lương (Yên Thủy) thu hoạch mía liên kết.

(HBĐT) - Dự án Giảm nghèo giai đoạn II được triển khai thực hiện ở các xã Lạc Lương, Lạc Hưng, Lạc Sỹ, Bảo Hiệu, Hữu Lợi, Đa Phúc, Lạc Lương của huyện Yên Thủy. Bên cạnh hợp phần đầu tư phát triển kinh tế huyện, nhiều mô hình sinh kế, hoạt động liên kết giữa sản xuất với thị trường thuộc tiểu hợp phần liên kết đối tác sản xuất và hỗ trợ sáng kiến kinh doanh đã được thực hiện, tạo nguồn lực thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững ở các xã vùng dự án.

 

Liên kết đối tác sản xuất trồng và tiêu thụ sản phẩm đầu tiên là liên kết mía đường nguyên liệu được triển khai năm 2012 đã thu hút gần 700 hộ tham gia với 36 nhóm cùng sở thích, đối tác là Công ty TNHH mía đường Việt Nam – Đài Loan. Trong tổng vốn đầu tư trên 9,7 tỷ đồng, nguồn dự án hỗ trợ gần 5,6 tỷ đồng, người dân vùng hưởng lợi góp vốn 2,73 tỷ đồng, đối tác góp 1,39 tỷ đồng. Chứng minh thành công bằng năng suất, sản lượng, giá cả, liên kết mía ngày càng mở rộng qua các chu kỳ, mang lại niềm lạc quan, phấn khởi với bà con nông dân. Năm 2013, liên kết mía tiếp tục được nhân rộng diện tích thêm 72,1 ha tại 4 xã Lạc Lương, Bảo Hiệu, Đa Phúc, Hữu Lợi với 295 hộ tham gia, 19 nhóm cùng sở thích. Vẫn với đối tác là Công ty TNHH mía đường Việt Nam – Đài Loan, liên kết có tổng vốn đầu tư 3,45 tỷ đồng, trong đó, vốn dự án trên 2,5 tỷ đồng, dân góp khoảng 780 triệu đồng. Tiếp đến năm 2014, liên kết đối tác trồng và tiêu thụ sản phẩm lạc giống vụ thu - đông được Dự án thực hiện tại 3 xã Đa Phúc, Bảo Hiệu, Lạc Lương với 9 nhóm sở thích, 187 hộ tham gia, tổng diện tích được phê duyệt 40 ha. Vào những tháng cuối năm, một liên kết mới cũng có mặt trên đồng đất xã Đa Phúc là liên kết đối tác sản xuất trồng và tiêu thụ sản phẩm cà gai leo với 419 hộ, 19 nhóm sở thích tham gia, đối tác là Công ty CP Biopharm Hòa Bình.

 

Cùng với hoạt động liên kết đã mở ra cách thức làm ăn mới hợp tác để cùng phát triển cho bà con nông dân các xã vùng nghèo nơi đây, bình quân thu nhập đối với các diện tích liên kết từ 35 - 40 triệu đồng/ha. Với sự hướng dẫn sát sao về mặt kỹ thuật, thực hiện đúng cam kết giữa nhà sản xuất và đơn vị thu mua sản phẩm, các liên kết đã mang lại kết quả khả quan. Các nhóm sở thích vừa thu hoạch xong mía chu kỳ năm 2014 cho năng suất bình quân 85 tấn/ha, giá thu mua mía nguyên liệu ổn định 900 đồng/kg. Nông dân tham gia liên kết cũng vừa cũng thu xong diện tích lạc với năng suất 35 tạ/ha, giá thu mua củ tươi 11.000 đồng/kg. Hiện, bà con tham gia nhóm sở thích đang tích cực chăm sóc cho diện tích mía chu kỳ tiếp theo và 8 ha cà gai leo đã trồng ở xã Đa Phúc.

 

Đồng chí Bùi Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Dự án Giảm nghèo đã tăng thêm nguồn lực sinh kế, tạo việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đời sống nhân dân các xã vùng khó khăn nhờ vậy được cải thiện nhiều, thu hẹp khoảng cách chênh lệch so với các xã vùng thuận lợi. Bên cạnh tăng thêm thu nhập, người dân còn tiếp cận với thông tin, kỹ thuật để nâng cao sản xuất, biết quản lý và điều hành nhóm. Yên Thủy cũng là một trong những địa phương thực hiện dự án Giảm nghèo hiệu quả. Riêng tiểu hợp phần hỗ trợ các hoạt động sinh kế và dịch vụ sản xuất ước có khoảng trên 120 tiểu dự án trồng trọt bí xanh, bí đỏ, mía tím, lạc lai, 277 tiểu dự án mua sắm con giống vật nuôi trâu, bò, lợn, gà, dê, ngỗng… Sau mỗi chu kỳ, các hộ tham gia có lợi nhuận, đa số dùng để tái sản xuất, góp phần tăng thêm thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã giảm đi. Dự án cũng dành nguồn lực đáng kể thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở đây thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng thôn, bản, tập trung cho các hạng mục đường giao thông liên xóm, đường vào khu sản xuất, kênh, mương nội đồng…

                                                                                

 

                                                                              Bùi Minh

 

 

 

 

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục