Diễn ra từ ngày 1-11 đến ngày 5-11 tại Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ 4 - 2016 đã trở thành sự kiện văn hóa nổi bật, thu hút sự tham dự của đông đảo người làm điện ảnh đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến lần tổ chức thứ 4, HANIFF thật sự trở thành một thương hiệu uy tín và nhận được nhiều tình cảm của bạn bè trên thế giới.

 

Nhiều hoạt động hấp dẫn, ý nghĩa

 

Trong 5 ngày diễn ra liên hoan phim (LHP), khán giả thủ đô và khách của LHP đều có thể dễ dàng xem (miễn phí) tất cả phim dự thi, phim tham gia trong các chương trình của LHP tại 5 cụm rạp: Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Rạp Tháng Tám, Rạp Kim Đồng, Rạp Ngọc Khánh và CGV Vincom Nguyễn Chí Thanh. Tối 1-11, HANIFF lần thứ 4-2016 mới chính thức khai mạc, nhưng trước đó, Trại Sáng tác trẻ HANIFF và Chợ Dự án phim đã bắt đầu đi vào hoạt động và thu hút rất nhiều bạn trẻ yêu điện ảnh tham dự.

 

Quang cảnh bế mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần 4-2015 vào tối 5-11. Ảnh: Lã Anh

 

Cuộc gặp gỡ báo chí với đại diện 10 đoàn làm phim có phim tham dự LHP cũng là một hoạt động rất được giới truyền thông quan tâm. Cuộc gặp mặt được diễn ra trong bầu không khí thân mật, ấm cúng và đầy hào hứng khi đại diện các đoàn phim chia sẻ những câu chuyện làm phim, những kinh nghiệm tham dự các LHP và những đặc trưng trong hoạt động điện ảnh của mỗi quốc gia. Một cuộc gặp gỡ thật ý nghĩa, để giới truyền thông hiểu hơn về những tác phẩm dự thi và những điểm nổi bật trong hoạt động điện ảnh của bạn bè quốc tế. Việc trở lại với khán giả Việt Nam sau 24 năm của bộ phim Đông Dương (Indochine) là một điểm nhấn khá thú vị tại HANIFF lần thứ 4 này. Khán giả Hà Nội đã rất háo hức để được gặp lại vị đạo diễn tài danh Régis Wargnier và nữ diễn viên huyền thoại của điện ảnh Pháp và điện ảnh thế giới - Catherine Deneuve. Đông Dương tái ngộ khán giả trong một diện mạo mới, với định dạng Ultra HD 4K.

Hai cuộc hội thảo rất được giới trong nghề quan tâm là: “Hợp tác sản xuất phim trong các nước ASEAN” và “Điện ảnh Ấn Độ, hợp tác và phát triển”. Theo ông Briccio Santos - Chủ tịch Quỹ Điện ảnh ASEAN: “Cộng đồng ASEAN là một trong những cộng đồng lớn nhất thế giới và đây chính là thời điểm cho ASEAN. Hiện nay, các nước ASEAN đang nỗ lực cùng nhau để các sản phẩm điện ảnh được thế giới công nhận. Chúng ta có nhiều tiềm năng, điều kiện và có những di sản là vốn quý để phát triển trong tương lai. Thông qua cuộc tọa đàm này, chúng ta chia sẻ những ý tưởng, trao đổi kinh nghiệm và các phương cách để điện ảnh, phim các nước ASEAN được trình chiếu nhiều hơn ở châu Âu và các nước trên thế giới; tham gia nhiều hơn các LHP quốc tế lớn. Cuộc hội thảo thứ 2 cho những người làm nghề hiểu hơn về điện ảnh Ấn Độ và mở ra những cơ hội hợp tác làm phim mới cho điện ảnh Việt.

 

Từ phải qua: NSND - đạo diễn Đào Bá Sơn, đạo diễn Régis Wargnier, đạo diễn Ấn Độ Adoor Gopalakrishnan, diễn viên Philippines IzaCalzado. Ảnh: NHƯ HOA

 

Năm nay, để đông đảo người dân thủ đô được tham dự vào hoạt động của LHP, ban tổ chức còn tổ chức chiếu phim ngoài trời kết hợp biểu diễn thời trang tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ. Nhiều khách quốc tế tham dự sự kiện này đều bày tỏ sự thích thú và có chung nhận xét: “Những hoạt động trong khuôn khổ LHP lần này đều đem đến cho người tham dự những ấn tượng tốt đẹp về một LHP quốc tế chuyên nghiệp, ấm cúng và gần gũi”. Một ngày sau khai mạc HANIFF lần thứ 4, cụm rạp hiện đại của Công ty BHD cũng được khai trương tại Hà Nội. Hầu hết khách mời quốc tế đến tham dự  đều trầm trồ trước không gian sang trọng, âm thanh, màn ảnh đẳng cấp.

 

Nữ diễn viên Hồng Ánh đến HANIFF lần thứ 4 để giới thiệu về bộ phim điện ảnh mới nhất do chị lần đầu làm đạo diễn - Đảo của dân ngụ cư. Có mặt trong buổi gặp gỡ và chiếu giới thiệu 7 phút của bộ phim, TS Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Giám đốc HANIFF lần thứ 4 chúc mừng Hồng Ánh và bày tỏ hy vọng Đảo của dân ngụ cư sẽ là một trong những bộ phim nghệ thuật sẽ có mặt trong HANIFF lần thứ 5.

 

Các buổi chiếu phim, nhất là phim Việt Nam đều “cháy vé”. Khán giả đến chật kín phòng chiếu, tràn cả ra lối đi. NSƯT Kim Xuân có mặt trong buổi chiếu giới thiệu phim Cô hầu gái đã không kìm được xúc động: “Tôi thật hạnh phúc, sung sướng khi nhìn thấy khán giả đứng chật kín cả lối đi”.

 

Thành công và ấn tượng trong mắt bạn bè quốc tế

“Có mặt từ những lần tổ chức đầu tiên, tôi thật sự ngạc nhiên, vui mừng khi thấy HANIFF ngày càng lớn mạnh - ông Briccio Santos, Chủ tịch Quỹ Điện ảnh ASEAN nói trong hào hứng. Cá nhân tôi đánh giá, HANIFF là một trong những LHP lớn nhất khu vực châu Á hiện nay”. Cũng là người tham dự tất cả các kỳ HANIFF, ông Phillip Cheah - Nhà phê bình điện ảnh Singapore, thành viên Ban giám khảo phim ngắn HANIFF lần thứ 4 cũng cho rằng: “HANIFF ngày càng tạo được uy tín và thu hút với các nhà làm phim nước ngoài. Khâu tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, các phim tham dự đều có chất lượng tốt”.

 

Với con mắt của người làm nghề, khi tham dự buổi khai trương cụm rạp BHD tại Hà Nội, đạo diễn người Pháp - Fabrice Benchaouche, đi từng phòng chiếu, xem xét ghế ngồi, màn ảnh và nhận xét: “Rạp chiếu có không gian quá đẹp, ghế ngồi rất thích vì thoải mái, màn ảnh và âm thanh không thể chê. Nhiều rạp chiếu tại Pháp hiện nay không được như  vậy. Theo tôi thấy, rạp chiếu phim tại Việt Nam giờ đây hiện đại không thua bất kỳ một rạp chiếu phim nào trên thế giới”. Đạo diễn, nhà sản xuất phim Tony Bùi khẳng định: “Cụm rạp này đẹp, sang trọng và đẳng cấp còn hơn một số rạp chiếu phim tại Mỹ”.

 

Sau 5 ngày diễn ra, dự án phim “One Summer Day” của đạo diễn người Myanmar - We Ra, được chọn trao giải nhất trong chương trình Chợ Dự án phim với giải thưởng trị giá 100 triệu đồng do K+ tài trợ. Đại diện K+ cho biết: “Việc tài trợ giải thưởng cho Chợ Dự án phim trong khuôn khổ HANIFF nằm trong chiến lược đồng hành với điện ảnh Việt Nam của truyền hình K+, nhằm khuyến khích và hỗ trợ các đạo diễn trẻ tài năng có cơ hội thực hiện giấc mơ của mình, cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển và hội nhập của điện ảnh Việt Nam”. 

 

So với 3 lần tổ chức trước đây, HANIFF lần thứ 4 đã lớn mạnh hơn rất nhiều cả về quy mô tổ chức và chất lượng các phim tham dự. Tất cả các hoạt động trong khuôn khổ HANIFF đều thu hút được nhiều người tham gia. Đêm khai mạc, bế mạc dù còn một số trục trặc nhỏ ngoài ý muốn, nhưng đã cho thấy sự chu đáo, hoành tráng và tầm cỡ của một LHP quốc tế uy tín, chất lượng. “HANIFF ngày một hoành tráng và thật sự rất thu hút. Những người làm nghề chúng tôi đều mong 2 năm lại được gặp nhau tại HANIFF, để được thưởng thức những bộ phim chất lượng của Việt Nam và bạn bè quốc tế, lại có cơ hội giao lưu với nhiều nền điện ảnh khác nhau” - diễn viên Minh Trang bày tỏ.

Khép lại ngày hội văn hóa, ngày hội điện ảnh, các nghệ sĩ chia tay trong lưu luyến và cùng hẹn gặp lại nhau trong mùa thứ 5 của HANIFF.

 

                                                                  Theo SGGP

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục