Bỏ lại sau lưng cái xô bồ, ồn ào của Hà Nội, trên một góc phố lơ đãng, ông nhạc sĩ của Hà Nội - Phú Quang nói với tôi rằng: "Hà Nội đẹp lắm, vẻ đẹp của một cô gái không son phấn!”. Để cảm thấy một Hà Nội "không son phấn”, dù chỉ một lần, ai đó hãy thử dạo quanh những con phố tinh mơ, để quên đi tất cả những gì mình từng biết, để "thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”. Buổi sáng Hà Nội là thế, đẹp yên bình. Cái đẹp in hằn trên cả những lặng thầm mưu sinh.


                      Đường Thanh Niên trong sương sớm. Ảnh: NGUYỄN CẢNH TÙNG

Hà Nội sáng mùa thu se lạnh. Cái lạnh đó thẩm thấu vào làn da một cách nhẹ nhàng. Khẽ thở, thấy bình yên đến lạ, trái ngược với sự ồn ào, náo nhiệt của những con đường đầy xe cộ, của dòng người hối hả mưu sinh. Bạn tôi, một nhà thơ, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bảo, buổi sáng Hà Nội như một chất gây nghiện đầy mê hoặc. Đến độ, với anh, sáng sáng phóng xe máy dọc khắp con đường đã trở thành thói quen khó bỏ. Anh khẳng định, những gì tôi chứng kiến sẽ là những cái đẹp đẽ, tinh túy nhất của Hà Nội. Trên những con phố chúng tôi qua, anh nghêu ngao bài hát "Nhớ mùa thu Hà Nội” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rồi bình luận: "Bây giờ chẳng còn cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ. Cũng chẳng dễ tìm ra những mái ngói thâm nâu nữa. Nhưng mùi hoa sữa thì vẫn còn. Bởi nó là đặc sản của Hà Nội, chẳng thể thiếu được khi nhắc đến”.

Xe máy đi trên những con phố, chẳng phương hướng, chẳng lộ trình, một cái thú như trong bài hát "Em ơi Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang, đến độ "chẳng nhớ nổi một con đường”. Tôi cùng bạn cảm nhận rõ sự nguyên sơ, mộc mạc trên từng con phố nhỏ. Xe của chúng tôi chẳng biết đã lướt qua biết bao con phố nồng nàn mùi hoa sữa. Mùi hoa sữa Hà Nội của những buổi sáng ban mai thanh khiết, nhẹ nhàng đến kỳ lạ. Mùi hoa sữa ấy chỉ có khi không khí chưa lẫn khói bụi, chưa có mùi xăng. Màn sương mỏng bao trùm không gian khiến mùi hoa sữa cũng bớt đậm đặc hơn thông thường. Cách đây gần mười năm, tôi xách ba-lô ra Hà Nội để thành chàng sinh viên tỉnh lẻ. Ngày ấy, ngoài ngõ nhà tôi cũng có một cây hoa sữa, tỏa hương ngào ngạt trong những đêm khuya vắng vẻ. Cô gái phòng bên, cứ ngóng chờ những đêm tĩnh mịch để mở toang cửa sổ tận hưởng mùi hương ấy, để làm thơ.

Mỗi con đường vắng ôm một vẻ ưu tư. Ở những con phố cổ, những căn nhà nhỏ khẽ nép mình trong ánh đèn leo lét, vàng mờ khiến cho cái cổ kính, trầm mặc hiện lên rõ mồn một. Những căn nhà đó ban ngày là cửa hàng ăm ắp hàng hóa, tấp nập người qua kẻ lại. Buổi sáng sớm, cửa hàng còn đang ngủ, để lại cho căn nhà sự yên bình, lẩn khuất đâu đấy là những nét kiến trúc cổ với bức tường rêu phong cũ kỹ, mái ngói đỏ, nằm xen kẽ, lộn xộn. Những bức tường, mái ngói rêu phong bỗng chuyển mình hóa thành kiệt tác của buổi sớm mai. Chả trách phố cổ Hà Nội từ lâu đã đi vào thơ ca. Sớm mai ấy, Hà Nội hiện nguyên vẻ đẹp của một cô gái không son phấn.

Dọc theo triền đê, bỗng chiếc xe chạy chậm lại. Bạn tôi bảo: "Đố ở đâu trên thế giới có chợ hoa đẹp như ở chợ hoa Quảng Bá”. Tôi và bạn đi cũng nhiều, nhưng chẳng dám nói là đầy đủ, để có một sự so sánh khách quan nhất. Đứng trước chợ hoa Quảng Bá, có lẽ những lộng ngôn như của bạn cũng chẳng ai dám phân bua. Chẳng biết từ bao giờ, sắc hoa ngập tràn khu vực Quảng Bá. Hoa nhiều vô kể, muôn màu, muôn vẻ. Trời càng về sáng, những chiếc xe đạp cọc cạch của những bà những chị bán hoa dạo lại đến càng nhiều. Họ lọt thỏm giữa rừng hoa, chọn cho mình những bông hoa hồng, hoa cẩm chướng, hoa đồng tiền... vẫn còn đẫm sương rồi buộc thành từng bó sau xe đạp, theo mỗi hướng khác nhau chở đi khắp phố. Trời chưa tỏ, những ánh đèn leo lét không làm cho các bông hoa bớt rực rỡ. Không gian trong veo, khiến những bước chân quên hẳn cuộc sống ở một Hà Nội vẫn được biết nhiều là bụi bặm, ồn ào. Ở đó, ngoài người bán, người mua, còn có những đôi bạn trẻ cặm cụi dậy sớm lên chợ hoa chụp ảnh rồi chọn cho mình những bó hoa ưng ý. Cũng chẳng hiếm du khách nước ngoài đến đây để ngắm một Hà Nội nhiều mầu trong sương mai.

Xe chúng tôi vẫn chạy dài trên từng con phố ấy, lắng nghe tiếng thở nhẹ của một Hà Nội buổi ban mai. Bỗng chốc, Hồ Gươm hiện ra, yên bình và trầm mặc. Thi thoảng, tiếng xe kẽo kẹt mệt mỏi của những gánh hàng đêm phá tan sự tịch mịch. Ừ nhỉ! Buổi sáng Hà Nội, liệu có còn đẹp nếu không nhắc đến những bước chân lặng lẽ mưu sinh. Một xe bánh bao dạo, với những tiếng rao lảnh lót trong đêm. Người đạp xe là một phụ nữ, nghe giọng nói thì chắc chị còn trẻ, nhưng khuôn mặt đã nhuộm nhiều sương gió. Chị bảo, nhà chị ở tận Từ Sơn, Bắc Ninh. Hai vợ chồng từ sáng tinh mơ đã đạp xe bán bánh bao ở khắp Hà Nội. Hai vợ chồng đạp xe khắp các phố nhỏ, rao hàng, chờ những người thức khuya hoặc đi làm sớm chưa kịp ăn sáng. Hết những con phố, họ lại đạp xe lên chợ đầu mối, chợ hoa, để tiếp tục bán hàng. Gánh nặng mưu sinh là vậy, có lẽ làn sương sớm đã làm chị trông già đi trước tuổi.

Tiếng xe đạp cọc cạch trong buổi bình minh sắp hé làm tôi nhớ đến những tiếng xích-lô của một thời xa vãng. Ngày ấy, khi cuộc sống còn khó khăn, chiếc xe máy là một thứ tài sản vô giá thì chiếc xích-lô đã trở thành "cần câu cơm” của biết bao nhiêu người. Tiếng cọc cạch của bàn đạp ngày ấy, tiếng thở hổn hển của những bác tài đã tạo nên một âm thanh rất riêng cho Hà Nội những buổi ban mai. Bây giờ, hình ảnh ấy đã nằm yên trong quá khứ. Thay vào đó là tiếng nhốn nháo, nhộn nhịp ở cửa nhà ga, bến xe, khi các hành khách sau một chuyến đi dài mệt mỏi lại leo nhanh lên những chuyến xe ôm với cuộc ngã giá chóng vánh. Những chuyến xe ấy lại lao vút đi trong ánh đèn đường vàng vọt.

Trời tỏ dần, những chuyến xe máy chở hàng đến các khu chợ ngày một nhiều. Những tiếng vặn ga đều đều, những ánh đèn pha chiếu mờ làm cho không khí Hà Nội bớt phần u tịch. Xe chúng tôi chạy về chợ đầu mối Long Biên. Ở đó, tiếng xe cộ, tiếng người ồn ào đối lập hẳn với sự yên tĩnh ở những con phố cách đó không xa. Càng dần về sáng, người đổ ra đây càng nhiều, khung cảnh một ngày mới náo nhiệt dần hiện rõ. Có ở khu vực chợ đầu mối mới hiểu được cái cảnh mồ hôi đổ xuống trong những buổi sớm mai. Với những con người ở đây, buổi sáng tinh sương là quan trọng nhất. Họ lao động hối hả như chạy đua với thời gian, vì khi nắng lên qua những hàng cây cổ thụ, ngày làm việc của họ cũng sẽ kết thúc, để lại những dấu chân lặng lẽ, hằn trên những con đường nhớp nháp, bùn đất, ướt đẫm sương đêm.

Chẳng có nhiều thời gian để hỏi chuyện những con người ở đây, bởi họ quá vội vã. Có hỏi chuyện thì cũng phải đợi những ca nghỉ chỉ chừng vài phút. Họ vừa nói, vừa thở, rất mệt nhưng mắn chuyện. Chị Nguyễn Thị Anh, đã bước sang tuổi 50, và có 10 năm gánh hàng thuê ở chợ đầu mối Long Biên. Một ngày với chị, chỉ gói gọn từ 1 đến 6 giờ sáng, với những gánh hàng từ xe tải vào trong chợ. Chị và những người phụ nữ khác, vai nặng trĩu, chân thoăn thoắt, mồ hôi đổ ròng trên làn da đen sạm. Mỗi gánh hàng cho họ năm đến 10 nghìn đồng, mỗi sáng, họ gánh được chỉ trên dưới năm gánh hàng. Việc xong, họ ngồi ở góc chợ, xếp lại những đồng tiền lẻ nhăn nheo. Ngoài kia, nắng đã lên...

 

                                                TheoNhandan

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục