(HBĐT) - Những chiếc bánh rán nóng hôi hổi, màu vàng ươm được phết một lớp đường bên ngoài từ lâu đã là thức quà đầy hấp dẫn ở các phiên chợ quê. Ngày nay, chợ quê chẳng thiếu những quà ăn vặt, nhưng bánh rán vẫn còn đó với sức hút đặc biệt không chỉ với trẻ con, mà cả với những người lớn.


Món bánh rán luôn hút khách ở các phiên chợ quê. 
Ảnh chụp tại chợ Phú Lương, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn).

Những năm trước đây, chợ quê đơn sơ, tạm bợ, nhưng phiên nào cũng nhộn nhịp. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, các phiên chợ quê đã từng ngày đổi thay về hạ tầng, tiếp tục trở thành nơi mua bán sầm uất, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Dù đã bê tông hóa, nhưng đến các chợ phiên ở khu vực vùng cao như Vân Sơn (Tân Lạc), Ngọc Sơn (Lạc Sơn), Bao La (Mai Châu) hay các chợ phiên ở huyện Đà Bắc, phiên chợ vẫn còn lưu giữ được những nét quê rất đỗi thân thuộc. Đó là những bó rau rừng, chai mật ong rừng, những loại rau, củ quả, thực phẩm bà con làm ra được bày bán tại chợ. Có nơi, bà con vẫn giữ thói quen cho gà, lợn, chó con vào lồng tre rồi mang đến chợ để trao đổi. Ngoài những hình ảnh đó, chợ quê còn có những hương vị rất riêng được tạo nên từ những thức quà vốn được ví von là "ngon, bổ, rẻ”, điển hình là bánh rán.

Sáu năm trước, chúng tôi có dịp đi chợ phiên xã Phú Lương - nay sáp nhập là xã Quyết Thắng (Lạc Sơn), chợ họp vào sáng chủ nhật mỗi tuần. Khi đó, chợ phiên này khá đơn sơ, với các sạp hàng được dựng bằng tre, mái che bằng bạt. Diễn ra đúng vào hôm trời mưa, nhưng chợ vẫn tấp nập người mua bán, trong đó, các hàng bán bánh rán đều chật kín người. Lần này trở lại, lịch họp chợ vẫn vậy, nhưng chợ đã xây dựng đạt chuẩn NTM và di dời về vị trí rộng rãi, có tỉnh lộ 436 chạy qua thuận lợi. Chợ rộng hơn nên cảm giác hơi thưa người, nhưng điều thú vị là ở góc chợ, cả trong chợ đều có các hàng bán bánh rán. Hàng bánh rán, hàng chè là những nơi tập trung đông đúc khách nhất trong chợ. Ngồi thưởng thức bánh rán ở sạp hàng của chị Linh, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn), chúng tôi gặp gỡ không ít thực khách của món bánh rán. Chị Bùi Thị Bình, xã Gia Mô (Tân Lạc) vừa thưởng thức món bánh rán, vừa chia sẻ: "Hồi bé, không gì vui sướng bằng được đi chợ cùng mẹ và ăn bánh rán. Khi đó, bánh rán chủ yếu là bánh nguội, chứ không rán tại chỗ nóng hổi như thế này. Hiện nay, ở chợ có rất nhiều quà ăn vặt, nhưng tôi vẫn chọn bánh rán vì hương vị thơm ngọt, béo ngậy đặc trưng”.

Quan sát chị Linh nhào bột, nặn bột rồi rán bánh, chúng tôi cảm thấy thật háo hức. Những chiếc bánh nóng hôi hổi quả thực có hương vị thơm ngon hơn so với món bánh rán đã để nguội. Sau khi rán xong, chị Linh lăn bánh vào bát đường, vừng rồi đưa cho khách thưởng thức ngay. Thao tác nhanh nhẹn, từ lúc nặn bánh đến khi ra lò chỉ mất khoảng 3- 4 phút. Những chiếc bánh mới ra lò có mùi thơm hấp dẫn, khi cắn miếng bánh sẽ thấy lớp bánh bên ngoài giòn tan, lớp nhân đậu bên trong bùi bùi, ngọt ngọt. "Tôi đã bán bánh rán khá nhiều năm, chủ yếu ở các chợ phiên tại các xã trong huyện. Mỗi phiên cũng bán được kha khá, chúng tôi không thay đổi về công thức làm bánh, mà chỉ trộn thêm bột quả gốc để tạo màu sắc hấp dẫn hơn”- chị Linh chia sẻ.

Thưởng thức xong, chúng tôi cùng những bà con khác đều mua thêm túi bánh mang về nhà làm quà. Trước đây, 500 đồng được 3 chiếc bánh, còn nay, bánh to giá 2 nghìn đồng, bánh nhỏ 1 nghìn đồng/cái. Như vậy, bánh rán cũng đã "ngon, bổ, rẻ” hơn nhiều thứ quà khác ở chợ. Với sự phát triển của xã hội, ở khu vực thành thị, những chợ phiên đã dần mai một. Nhưng ở các vùng nông thôn, chợ vẫn là nơi giao thương, buôn bán chủ yếu. Có những cụ già đã giữ thói quen đi chợ phiên, họ vẫn háo hức đợi đến ngày chợ họp để xuống chợ mua sắm, thưởng thức những chiếc bánh rán nóng hổi, thơm lừng. Những chiếc bánh rán đã gắn bó với những phiên chợ quê, với hương vị đặc trưng, hấp dẫn.


Viết Đào

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục