Đề cương về văn hóa Việt Nam do Đảng ta đề xướng năm 1943 đã nêu rõ 3 nguyên tắc trong phát triển văn hóa là "Dân tộc, khoa học, đại chúng”. 80 năm đã đi qua, những đòi hỏi trong thời kỳ hội nhập cũng như trong kỷ nguyên công nghệ số càng thấy rõ sự cần thiết của việc áp dụng sáng tạo các nguyên tắc này trong xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, tính đại chúng bao gồm việc nhân dân sáng tạo, hưởng thụ, tiếp thu văn hóa đang đặt ra những vấn đề cấp thiết, là nhân tố quan trọng để tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển văn hóa tầm nhìn đến năm 2030 mà Chính phủ đã đề ra.


Đồng bào dân tộc trình diễn dân vũ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

"Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” là phương châm bao trùm các nguyên tắc của phát triển văn hóa, trong đó nguyên tắc đại chúng là vô cùng rõ nét. Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã thấu rõ, văn hóa không phải là "đặc quyền hưởng thụ” của một lớp người nào, mà là dành cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân. Nhân dân sáng tạo ra văn hóa, và nhân dân có quyền thụ hưởng mọi giá trị văn hóa.

Trong quá trình sinh hoạt, nhân dân cũng chủ động loại trừ các giá trị văn hóa lỗi thời, lạc hậu và bổ sung thêm các giá trị văn hóa mới thông qua lao động, sáng tạo và tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa nhân loại.

Nhìn lại những năm qua có thể thấy, những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa của đất nước ta rất đáng tự hào. Các lĩnh vực, loại hình và sản phẩm văn hóa phát triển đa dạng, các sinh hoạt văn hóa được tổ chức sôi nổi, rộng khắp trên cả nước.

Mọi nguồn lực xã hội được khuyến khích đầu tư cho văn hóa, tạo cơ hội cho mọi người dân tham gia sáng tạo văn hóa. Môi trường văn hóa trong các cộng đồng dân cư, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp được nâng lên một tầng bậc mới.

Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá các giá trị văn hóa Việt ra thế giới, cũng như việc tiếp thu văn hóa thế giới vào trong nước được mở rộng theo hướng chủ động, tích cực, hiệu quả. Có thể nói, chưa khi nào việc sáng tạo, thực hành và hưởng thụ văn hóa trong nhân dân lại trở nên dễ dàng, thuận tiện như hiện nay.

Tuy nhiên những năm qua, trong sự cởi mở, thông thoáng để tiếp nhận các luồng văn hóa mới, chúng ta đôi khi đã lơ là, bỏ mặc, để cho những "cái mới” tràn ngập trong thị trường văn hóa, mà thiếu sự sàng lọc cần thiết. Ngành xuất bản có thời điểm quá nhiều sách nhập khẩu từ nước ngoài, từ sách kỹ năng đến văn học, đặc biệt là thể loại ngôn tình, đam mỹ,...

Sách của tác giả trong nước về nghệ thuật truyền thống, lịch sử dân tộc, hay những công trình nghiên cứu dù có hàm lượng văn hóa cao cũng không dễ được chọn để đầu tư xuất bản. Tương tự, các rạp chiếu phim và các kênh truyền hình từ trung ương đến địa phương dành quá nhiều thời lượng phát sóng cho phim điện ảnh và phim truyền hình nước ngoài.

Đời sống âm nhạc thậm chí còn đáng lo ngại hơn, khi mạng xã hội trở thành phương tiện cung cấp gần như ngay lập tức các sản phẩm đến từ các nền âm nhạc khác nhau, nhưng ngặt nỗi có lúc "hoa thơm thì ít mà cỏ dại lại quá nhiều”.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 xác định nội hàm của văn hóa bao gồm 3 thành tố cơ bản là "Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật”.

Nay nhìn vào đời sống văn hóa nước nhà ở tầm khái quát, chúng ta thấy văn hóa đang có xu hướng bị nghiêng nhiều hơn về mức độ giải trí. Chưa có nhiều các sản phẩm văn hóa có sức nặng chiều sâu học thuật, giàu tính tư tưởng và nghệ thuật với sứ mệnh bồi đắp, "nâng tầm” hiểu biết, trí tuệ, tâm hồn con người.

Thậm chí có lúc, ở đâu đó, chúng ta dường như nhận thức chưa đúng về tính đại chúng trong văn hóa. "Đại chúng” không nên và không thể hiểu là làm cho số lượng sản phẩm văn hóa nhiều hơn, mà quan trọng là các sản phẩm đó đóng góp như thế nào vào việc nuôi dưỡng, làm giàu có đời sống tinh thần của nhân dân.

Những sản phẩm lai căng, nội dung xa lạ không phù hợp thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam, không tương đồng với hệ giá trị Việt Nam, mà thuần túy chạy theo nhu cầu giải trí, sự tò mò nhất thời của công chúng, nếu đưa vào ồ ạt trong đời sống thì sẽ lại là cái "đại chúng” nguy hại, là "phản đại chúng”.

Bởi chúng sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực cho người thưởng thức, đặc biệt là giới trẻ, dễ dẫn đến các hành vi văn hóa ngộ nhận, sai lạc, bỏ quên giá trị cốt lõi, truyền thống của dân tộc mình.

Trong thời đại internet phát triển như vũ bão đang xuất hiện khái niệm "văn hóa mạng”, dù là không gian ảo nhưng quan trọng không kém đời sống thật bên ngoài. Do đó khi bàn đến tính đại chúng trong văn hóa không thể không nhắc đến môi trường văn hóa mạng.

Với khoảng 70 triệu người sử dụng internet và có tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, Việt Nam đang có một cơ hội rất lớn để đưa các giá trị văn hóa vào đời sống, làm cho ai cũng có thể sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, làm cho văn hóa thật sự là của dân, "phục vụ nhân dân”.

Tuy nhiên, thách thức từ môi trường mạng là không nhỏ. Một khi những giá trị lai căng, phản văn hóa, không phù hợp thuần phong mỹ tục, tâm lý tiếp nhận của người Việt xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, lấn át cả những giá trị tốt đẹp thì mất bản sắc văn hóa là nguy cơ lớn.

Ở đây cần nhận thức sâu sắc về tính "đại chúng” đó là làm cho những điều tốt đẹp lan rộng, thấm sâu vào nhân dân, phù hợp nguyện vọng của đa số tầng lớp nhân dân.

Tính đại chúng thể hiện ở chỗ văn hóa góp phần nâng cao dân trí, nghĩa là mang những giá trị tinh túy, cốt lõi phổ cập vào đời sống nhân dân, để ai cũng được tiếp nhận, hưởng thụ và sáng tạo trong ánh sáng nhân văn, tiến bộ, đậm đà bản sắc dân tộc.

Và ở một khía cạnh khác, tính đại chúng giúp cho việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhân rộng những điều tốt đẹp và thu hẹp cái xấu, loại trừ cái không phù hợp.

Một thực tế khác cũng cần thẳng thắn nhìn nhận đó là vẫn còn sự chênh lệch lớn trong hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị, giữa miền xuôi và miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mặc dù internet và mạng xã hội đã "lan rộng” đến tận các ngóc ngách bản làng xa xôi, miền núi hay hải đảo, việc phát hành các sản phẩm văn hóa dễ dàng hơn, nhưng nhìn về "mức độ hưởng thụ” văn hóa thì miền núi vẫn chưa theo kịp miền xuôi do hạn chế và có những khác biệt về trình độ học vấn, thói quen, tâm lý tiếp nhận, ngôn ngữ...

Chưa nói đến các sản phẩm văn hóa "nhập khẩu”, mà ngay cả các sản phẩm văn hóa trong nước, một số người sáng tạo không dựa trên thực tế đời sống của nhân dân cho nên sản phẩm dù phản ánh về đời sống của người dân nhưng lại xa lạ với chính họ, không hấp dẫn và không được họ lựa chọn thưởng thức. Như vậy số lượng văn hóa phẩm cũng không hề liên quan gì đến tính đại chúng.

Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn xác định rõ, nhân dân là chủ thể của sáng tạo văn hóa, trong đó đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng. Sự lan tỏa rộng khắp của văn hóa là biểu hiện sinh động của nguyên tắc đại chúng theo tinh thần Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, nhưng mỗi thời kỳ cần được hiểu và áp dụng sáng tạo, phù hợp.

Đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển như ngày nay, vai trò của mỗi người dân trong phát triển văn hóa là vô cùng quan trọng. Khi cơ hội sáng tạo văn hóa rộng mở, mỗi người dân, đặc biệt là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ phải tự nâng mình lên thông qua việc học hỏi từ truyền thống, tiếp thu các giá trị mới của thời đại để tạo ra những sản phẩm thật sự có tác động mạnh mẽ trong nhân dân, làm thay đổi nhận thức, hành vi văn hóa của nhân dân.

Đó phải là những công trình, tác phẩm hàm chứa tư tưởng, học thuật, nghệ thuật cao, đóng góp vào kho tàng văn hóa dân tộc, góp phần đẩy lùi những sản phẩm ngoại lai, xấu độc gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, tình cảm của người dân.

Người sáng tạo văn hóa nghệ thuật phải "ba cùng” với nhân dân, tạo ra các sản phẩm phù hợp nguyện vọng của nhân dân, phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân và luôn luôn ý thức về vai trò của mình trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Có một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay, chúng ta đang còn thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật tầm cỡ, phản ánh sinh động, hấp dẫn đời sống, đất nước, con người thời kỳ đổi mới và có tác động định hướng tới tâm lý, nhận thức, tình cảm của đông đảo người dân.

Ở góc độ tiêu thụ, hưởng thụ, thưởng thức văn hóa, để tính đại chúng được biểu hiện ở chiều sâu mà không phải chỉ hời hợt trên bề mặt, thì mỗi người dân phải tự rèn luyện khả năng chọn lựa, thẩm thấu các giá trị tốt đẹp, bền vững, và cùng nhau lan tỏa các giá trị có ích cho cộng đồng.

Ở đây cần đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của giới trẻ, chủ nhân của nền văn hóa dân tộc trong tương lai. Việc tự trang bị cho mình một bản lĩnh văn hóa là vô cùng cần thiết với mỗi người trẻ, để họ chủ động tiếp thu, biết lựa chọn những tinh hoa văn hóa thế giới, đóng góp vào công cuộc chấn hưng văn hóa thông qua sáng tạo và tiêu thụ, quảng bá văn hóa, đặc biệt trên môi trường mạng.

Điều có ý nghĩa vô cùng cần thiết là vai trò định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa.Với chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan này cần có những chế tài, hành lang pháp lý phù hợp để bảo đảm sự cân đối, hài hòa trong việc phổ biến các giá trị văn hóa, cũng như khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện tối đa cho phát triển văn hóa, đầu tư, khuyến khích, lan rộng các giá trị văn hóa tốt đẹp vào đời sống.

Muốn cho văn hóa lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, vai trò của những người làm văn hóa là rất quan trọng. Cán bộ văn hóa cần có hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mình công tác, làm tốt vai trò cầu nối, hướng dẫn người dân nhận diện và lựa chọn các giá trị văn hóa phù hợp.

Thực tế đã từng có quốc gia phải trả giá trong vấn đề "đại chúng hóa” văn hóa theo cách "thả nổi”, để mặc cho sự xâm lấn ồ ạt của các giá trị văn hóa ngoại lai.

Từ thực tế đó, chúng ta cần có chiến lược tăng cơ hội tiếp cận, sáng tạo, tiêu thụ văn hóa cho nhân dân, trong khi vẫn phải giữ cho được "căn tính Việt” của văn hóa dân tộc mình.

Việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc sẽ là hành trang quý báu để chúng ta vững tin hội nhập thành công với thế giới đang biến đổi và phát triển không ngừng.

Trong quá trình hội nhập đó, những giá trị chân, thiện, mỹ được bảo tồn, gìn giữ và phát triển trong suốt quá trình hàng nghìn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sẽ giúp chúng ta tôn vinh bản sắc một dân tộc yêu chuộng văn hóa, hòa bình và nhân văn.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục