Dự án “Chúng ta làm phim” của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) với mục tiêu đưa kiến thức điện ảnh vào nhà trường hiện đang là một sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ đam mê điện ảnh.

 

 Một cảnh trong lớp học làm phim
(Ảnh: Hoàng Hoa)

Dự án góp phần vào bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, khiếu thẩm mỹ và năng lực thụ cảm nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng cho học sinh, sinh viên, đồng thời tạo một sân chơi ngoại khóa bổ ích cho thanh thiếu niên và cũng qua đó phát hiện, bồi dưỡng những tài năng điện ảnh trẻ.

Dự án được triển khai qua những khoá học ngắn hạn về phim tài liệu và phim truyện được tổ chức vào những ngày cuối tuần, hoàn toàn miễn phí. Mỗi khoá học chỉ kéo dài trong 2 tháng (8 buổi học) và chỉ với 8 buổi học khá ngắn ngủi này, các bạn trẻ có thể nắm bắt những kiến thức cơ bản về điện ảnh và trải qua những giờ thực hành làm phim đầy thú vị. Tốt nghiệp khoá học, mỗi học viên có thể có được bộ phim của riêng mình. Đối tượng tham gia dự án là các bạn học sinh lớp 6, 7, 8 của cấp II, lớp 10, 11 của cấp III, sinh viên các trường đại học và cao đẳng. Đến nay, dự án đã đi vào thực hiện được 1 năm với những kết quả ban đầu rất khả quan. Chỉ trong 1 năm qua, Dự án đã hình thành 10 lớp học làm phim cho gần 200 học viên tại Hà Nội. Các học viên trẻ tuổi đã thực hiện được 60 bộ phim tài liệu và 10 bộ phim truyện ngắn.

Không chỉ dừng lại ở Hà Nội, hiện nay, Dự án đang tuyển sinh lớp học đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục được triển khai ra 8 thành phố lớn và địa phương trong cả nước. Chị Bùi Kim Quy, Quản lý Dự án cho biết: Dự án gặp khá nhiều khó khăn trong việc tổ chức lớp học do các bạn học viên vẫn phải hoàn thành chương trình học tại trường, nhiều bạn học sinh cấp II đang còn ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, còn được cha mẹ đưa đón tới lớp… nhưng chính việc các bạn học viên trẻ tuổi cũng là lợi thế của Dự án. Với độ tuổi dự án hướng tới từ 12 đến 22 tuổi này, các em còn làm phim bằng bản năng, bằng đam mê trong sáng của mình. Vì thế, nhiều khi các em làm chúng tôi bất ngờ bởi những phát hiện của mình. Do các bạn học viên vẫn đang tiếp tục việc học ở trường, chương trình đào tạo và giáo trình của Dự án rất súc tích, mang tính thực hành cao. Chỉ trong 8 buổi học phim tài liệu hoặc phim truyện, mỗi tuần một buổi vào các ngày Chủ nhật, các bạn học viên sẽ dược tìm hiểu khá toàn diện về quá trình làm một bộ phim. Không chỉ tìm hiểu, dần dần trong các buổi học, các bạn còn trực tiếp làm bộ phim của riêng mình: Từ hình thành ý tưởng, hoàn thiện kịch bản, đến khảo sát địa điểm quay, quay, dựng… Để đến khi kết thúc khoá học, các bạn đều có bộ phim của riêng mình.

Với phương pháp học rất mở, giúp các bạn học viên không những được học, được tiếp cận công nghệ hiện đại mà còn được tham gia các hoạt động ngoại khoá lý thú như xem phim, chơi trò chơi có thưởng… Các bạn được tổ chức làm việc nhóm, được nói lên những hiểu biết, những chính kiến riêng của mình, được nâng cao kỹ năng phân tích hình ảnh, làm quen với cách kể chuyện bằng hình ảnh một cách sáng tạo và độc đáo…

Hiện nay, Dự án đang đang triển khai 2 lớp: H9 dành cho đối tượng tự do, gồm các em học sinh cấp 3, sinh viên đại học, cao đẳng… và H10 dành cho các em học sinh cấp 2. Chị Kim Quy cho biết thêm: Khi tuyển lớp H10, rất nhiều giáo viên “sợ” dạy lớp này. Tuy nhiên, khi vào học thì các cán bộ dự án và thầy cô giảng dạy đều bất ngờ vì tư chất của các em rất tốt. Khi chiếu phim cho cả lớp xem, các thầy cô chưa cần giảng giải, các bạn học viên đã có những ý kiến nhận xét, phân tích phim rất hay từ cảm nhận của bản thân.

Trung bình mỗi khoá học tuyển 25 học viên, nhưng khi tốt nghiệp thì thường chỉ còn lại dưới 20 người. Thậm chí, cá biệt có lớp chỉ còn 7 bạn. Chị Kim Quy cho hay: Đó là con số chúng tôi phải chấp nhận, mỗi bộ phim các em làm được với chúng tôi đều đáng quý. “Trụ lại” đến cùng trong các lớp học làm phim, cho ra đời được bộ phim đầu tay, các bạn học viên không chỉ cần sự đam mê mà còn phải thật kiên trì và nỗ lực bền bỉ.

Bạn Nguyễn Lê Hoàng Việt, sinh viên năm thứ nhất (K51) Đại học Kinh tế quốc dân đã hoàn thành lớp học phim tài liệu của Trung tâm, hiện đang tham gia lớp phim truyện. Hiện bạn đã có trong “gia tài” bộ phim tài liệu “Mẹ tôi” dài 8 phút. Bạn tâm sự: Mình làm bộ phim này để dành tặng mẹ. Nhưng nhờ làm phim này, mình cũng hiểu hơn về mẹ, về những vất vả, khó khăn cũng như tình yêu của mẹ giành cho gia đình và người bệnh (mẹ mình là y tá). Trong các buổi học, bọn mình được hướng dẫn cách tìm đề tài, khảo sát những địa điểm mà nhân vật của mình hay làm việc và sống, sau đó dùng máy quay ghi lại những tư liệu phục vụ cho việc dựng phim về sau. Mình dành ra khoảng 3 tuần để quay, sau đó được các thầy cô, anh chị hướng dẫn dựng phim… Mình vẫn hoàn thành tốt chương trình học ở trường, việc làm phim như một thú giải trí sau những giờ học.

Bạn Hoàng Việt, một học sinh chia sẻ: Mình rất thích xem phim và tìm hiểu về phim, không chỉ để giải trí mà mình còn học hỏi được rất nhiều điều trong phim, về văn hoá, về cách ứng xử, kiến thức và kỹ năng sống… Còn bạn Đỗ Phương Trang, học viên lớp H7 thì tâm sự: “Tham gia lớp học làm phim là tôi đang học cách quan sát mọi điều đơn giản và bình thường nhất xung quanh tôi. Tôi đang học cách hiểu và diễn đạt những tín hiệu rất quen thuộc trong cuộc sống của tôi. Tôi đang cùng chia sẻ những suy nghĩ và cách nhìn nhận cuộc sống với những người bạn đồng trang lứa, những người từng trải sâu sắc qua những thước phim. Tôi đang được dạy cách đối xử với sáng tạo của mình từ những con người ở đây - những anh chị giảng viên, cán bộ dự án và cả chính những người bạn học của tôi. Tôi thấy mình thật may mắn vì đã được cùng mọi người sống trong Không gian điện ảnh!”.

Quả thực, Dự án không chỉ là nơi dạy làm phim mà còn tạo nên được một “không gian điện ảnh” để các bạn đến mỗi lúc có thời gian, xem phim, tìm hiểu về phim, bàn luận và lên kế hoạch cho riêng mình. Qua đó, các bạn có thể phát huy khả năng sáng tạo, tư duy độc lập, quan niệm thẩm mỹ… Đó không chỉ là một nơi giải trí lành mạnh cho các bạn trẻ mà còn là nơi các bạn học hỏi được nhiều điều hết sức bổ ích.

Không chỉ dừng lại ở việc dạy các bạn làm được một bộ phim, qua những lớp học này còn hỗ trợ các bạn trẻ đam mê điện ảnh trong những hoạt động sau khi các bạn đã tốt nghiệp các khoá học. Bạn Hoàng Việt bày tỏ: Đến với Dự án, với tôi là biến giấc mơ thành hiện thực, nơi tôi có thể biến điều tưởng như không thể thành có thể. "Chúng ta làm phim" đã khiến tôi tin tưởng hơn vào khả năng của mình và tin rằng mơ ước trở thành đạo diễn của mình sẽ trở thành hiện thực.

Ban đầu, Dự án dự định sẽ tiến hành trong 2 năm 2009 – 2010 nhưng hiện nay, với những kết quả tích cực đã đạt được, dự án sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2012. Dự kiến trong khuôn khổ dự án sẽ có liên hoan phim mang tên 1 Pixel (1 điểm ảnh) dành cho tất cả các phim ngắn không chuyên trên toàn quốc cùng tranh tài.

Theo Dangcongsan.vn

 

Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục