Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng
hàng năm thu hút hàng triệu du khách
và người hành hương trẩy hội.

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm thu hút hàng triệu du khách và người hành hương trẩy hội.

Trảy hội Ðền Hùng, dự ngày Giỗ Tổ đã trở thành một mỹ tục, một biểu tượng văn hóa, tâm linh và là điểm hội tụ của tình đoàn kết cộng đồng, hướng về cội nguồn trong sâu thẳm tâm thức người Việt.

Năm 2010, Nhà nước tổ chức trang trọng Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Ðền Hùng từ ngày  1 đến ngày 10-3 âm lịch (tức ngày 14 đến 23-4 dương lịch).


Ðây cũng là sự kiện khởi đầu hàng loạt các hoạt động hướng tới Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Là địa phương có Khu di tích lịch sử Ðền Hùng và diễn ra nhiều hoạt động trọng đại trong dịp lễ hội, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực hết mình cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh bạn trong cả nước tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Ðền Hùng linh thiêng, đậm đà bản sắc dân tộc.


Ấn tượng Ðất Tổ Hùng Vương


Hằng năm, ngay từ sau Tết Nguyên đán, Khu di tích lịch sử Ðền Hùng (Phú Thọ) đã đón rất đông khách về thăm viếng, nhất là vào dịp chính hội Giỗ Tổ 10-3 âm lịch, lượng du khách và người hành hương thường lên tới hàng triệu lượt người. Theo dự kiến của Ban tổ chức, năm 2010, lượng khách về Phú Thọ sẽ rất đông, khoảng 5,5 triệu lượt người. Vào những ngày này, trên khắp mọi nẻo đường về TP Việt Trì, nhất là khu vực từ Ngã ba Hàng vào cổng Ðền Hùng tấp nập người trảy hội. Tuy nhộn nhịp người, xe nhưng khung cảnh đường phố, quảng trường, sân hội vẫn phong quang, sạch đẹp, trật tự và an toàn. Ðường phố Việt Trì và khu vực chung quanh Ðền Hùng như được khoác tấm áo mới với các công trình vừa khánh thành cùng những cổng chào, băng-rôn, khẩu hiệu, cờ hoa trang hoàng khá lộng lẫy.


Ðể chuẩn bị cho ngày Quốc lễ Giỗ Tổ năm nay, năm 2009, Nhà nước đã đầu tư 250 tỷ đồng xây dựng, tôn tạo, tu bổ các đền, mở rộng đường và các công trình phụ trợ, cảnh quan trong Khu di tích lịch sử Ðền Hùng. Giám đốc Khu di tích lịch sử Ðền Hùng Nguyễn Tiến Khôi, cho biết: Ðể chuẩn bị cho Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Ðền Hùng năm 2010 và phục vụ du khách trên mọi miền Tổ quốc về với tổ tiên, nhiều công trình trọng điểm ở Ðền Hùng đã được triển khai xây dựng và hoàn thành. Tại Ðền Thượng, đã hoàn thành việc tu bổ và đưa vào sử dụng đền chính; các hạng mục mở rộng sân, vườn chung quanh đền đã cơ bản hoàn thành, tạo diện mạo mới, trang nghiêm cho công trình này. Việc tu bổ, cải tạo Ðền Trung đã gần như hoàn tất khối lượng xây dựng cơ bản và đã sẵn sàng cho ngày khai hội. Khu vực sân trước cổng đền sắp hoàn thành việc lát đá từ dưới sân lên cổng đền. Chân núi Nghĩa Lĩnh cũng đang lát những viên đá ong cuối cùng ốp bên ngoài kè bê-tông nhằm chống sạt lở sườn núi; đường từ Ngã năm Ðền Giếng lên cổng đền đã hoàn thành việc trải nhựa, đang lát vỉa hè, trồng cây, thảm cỏ tạo cảnh quan môi trường của tuyến đường này. Ðây cũng là khu vực được tạo thêm nhiều đường dạo để du khách nghỉ ngơi và tăng thêm tính thẩm mỹ cho không gian nơi đây. Ở khu vực Ngã năm Ðền Giếng sẽ có thêm một hồ nước rộng hơn ba héc-ta. Trên bờ hồ trưng bày 35 tác phẩm điêu khắc của các nghệ sĩ trong và ngoài nước, là thành quả của Trại Sáng tác điêu khắc quốc tế lần hai ở Phú Thọ đặt tại Ðền Hùng với chủ đề "Ấn tượng Ðất Tổ Hùng Vương". Những tác phẩm nghệ thuật độc đáo được trưng bày chung quanh hồ nước trong xanh bên chân núi Nỏn, hòa quyện với mầu cây xanh, tạo nên một không gian thưởng ngoạn nghệ thuật ấn tượng, làm đường dạo, vui chơi cho du khách. Riêng Ðền Lạc Long Quân đã hoàn thành đền thờ chính, hiện đang mở rộng sân vườn, trồng cây xanh. Phía trước đền đang xây dựng hồ nước có diện tích khoảng năm héc-ta. Công trình này sẽ hoàn thành vào dịp chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.     


Ông Nguyễn Tiến Khôi cho biết thêm, để tạo thuận lợi cho du khách và giảm ùn tắc giao thông trong những ngày lễ hội, một bãi gửi xe rộng gần 10 héc-ta được xây dựng phía đường 32C, tiếp tục chỉnh trang bãi gửi xe rộng khoảng bảy héc-ta tại đồi Mui Rùa. Bên cạnh đó, con đường gần 3 km nối tỉnh lộ 325 với quốc lộ 32C cũng đang được mở rộng hai bên đường để làm bãi đỗ xe. Cùng với các điểm trông giữ xe những năm trước, việc tăng  thêm  diện tích bãi gửi xe sẽ hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông như những năm trước. Các công trình trong khu di tích  cũng đã được các đơn vị thi công gấp rút hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày khai mạc lễ hội từ năm đến mười ngày.


Bản sắc độc đáo của văn hóa dân tộc


Theo Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Ðền Hùng năm 2010 nhằm tôn vinh văn hóa dân tộc, khẳng định vị trí và ý nghĩa quan trọng của ngày Quốc lễ này. Nhiều hoạt động văn hóa- nghệ thuật chuyên nghiệp và dân gian sẽ diễn ra trong không gian tổ chức lễ hội trong thời gian mười ngày từ 14 đến 23-4 (tức là từ ngày 1 đến 10-3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Ðền Hùng, TP Việt Trì và các vùng lân cận. Mở đầu là lễ khai mạc Lễ hội Ðền Hùng gắn với khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các tỉnh Ðông Bắc lần thứ VII ngày 14-4. Từ 7 giờ đến 11 giờ sáng, các tỉnh, thành phố tham gia tổ chức Giỗ Tổ và các đoàn rước kiệu của nhân dân các địa phương trong tỉnh Phú Thọ sẽ diễu hành và biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian cùng các đoàn nghệ thuật trên đại lộ Hùng Vương của TP Việt Trì và từ bốn hướng đông-tây-nam-bắc sẽ tập kết tại sân Bảo tàng Hùng Vương. Từ 20 giờ đến 21 giờ 30 phút, tại sân trung tâm lễ hội của Khu di tích lịch sử Ðền Hùng diễn ra lễ khai mạc Lễ hội Ðền Hùng và Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Ðông Bắc lần thứ VII với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Ðảng và Nhà nước. Các nghệ sĩ, diễn viên và các nghệ nhân dân gian sẽ trình diễn một chương trình nghệ thuật có chủ đề "Linh thiêng Ðất Tổ Hùng Vương". Ðây là dịp biểu dương lực lượng văn hóa dân gian hùng hậu nhất của 10 tỉnh Ðông Bắc. Ngoài ra, sẽ có 24 tỉnh, thành phố tham gia diễu hành biểu dương lực lượng. Trong những ngày này có nhiều hoạt động như: biểu diễn của các đoàn nghệ thuật và một số loại hình văn hóa dân gian, triển lãm sản phẩm của các làng nghề truyền thống, giới thiệu các chương trình du lịch về cội nguồn của ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hội chợ thương mại, trình diễn thư pháp Việt Nam, thả hoa đăng trên hồ Khuôn Muồi và ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì). Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Ðông Bắc bế mạc tối 17-4 bằng một chương trình nghệ thuật chọn lọc, đặc sắc có chủ đề "Công đức Vua Hùng", do Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam và Trường cao đẳng Múa Việt Nam phối hợp dàn dựng, biểu diễn. Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ còn tổ chức Chương trình "Nối vòng tay nhân ái vì người nghèo đất Tổ" trong ngày 22-4 (tức ngày 9-3 âm lịch) với sự tham gia của 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh và 100 doanh nghiệp tiêu biểu trên cả nước với mục đích kêu gọi doanh nhân Việt Nam hướng về đất Tổ trợ giúp tỉnh Phú Thọ xóa hơn 7.000 nhà tạm trong năm 2010.


Bên cạnh điểm nhấn của lễ hội là Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng được tổ chức theo nghi thức quốc gia vào 7 giờ sáng ngày 23-4 (tức ngày 10-3 âm lịch), có trình tấu nhạc lễ và đọc chúc văn, với sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các đồng chí lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, các bộ, ngành trung ương, còn có các hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Trong đó có chương trình nghệ thuật "Kinh đô Văn Lang - Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tỏa sáng" vào tối 21-4 do Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ thực hiện. Nhiều triển lãm cũng được tổ chức như: triển lãm ảnh nghệ thuật giới thiệu tiềm năng văn hóa, du lịch ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ; trưng bày các hiện vật thời đại Hùng Vương và thời Lý- Trần; ảnh tư liệu "Giỗ Tổ Hùng Vương xưa và nay", triển lãm trang phục dân tộc tại Bảo tàng Hùng Vương và triển lãm hội họa, tranh thờ các dân tộc vùng Ðông Bắc tại Nhà văn hóa Lao động TP Việt Trì... Ðặc biệt là màn trình diễn sử thi võ thuật dân tộc "Hào khí đất Việt" tối 22-4 tại Khu di tích lịch sử Ðền Hùng. Trước đó, Hội chợ du lịch khai mạc ngày 19-4, giới thiệu những tiềm năng, sản phẩm du lịch đặc trưng và các dự án đầu tư du lịch của các địa phương, trong đó có liên hoan ẩm thực "Hoa thơm trái ngọt tiến dâng các Vua Hùng".


Hiện tại, hơn 1.000 diễn viên đã được huy động tích cực tập luyện chuẩn bị cho lễ khai mạc, bế mạc và các chương trình văn hóa, nghệ thuật khác. Ban tổ chức đã hoàn tất về cơ bản việc bố trí, triển khai các khâu: xây dựng sân khấu, chuẩn bị mặt bằng, thống nhất sơ đồ bố trí các địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; thống nhất tổ chức may đo, trang phục lễ cho các đại biểu dự Lễ dâng hương. Tiểu ban an ninh trật tự cũng đã xây dựng kế hoạch, triển khai các phương án bảo đảm an ninh, phân luồng giao thông tại các địa điểm tổ chức hoạt động trọng điểm. Một trung tâm máy tính 60 máy kết nối in-tơ-nét đã được thành lập tại Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ để phục vụ các nhà báo đưa tin lễ hội.


Với sự hoàn tất về công tác chuẩn bị, tỉnh Phú Thọ và Khu di tích lịch sử Ðền Hùng đã sẵn sàng đón chào du khách và đồng bào cả nước, Việt kiều về dự Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Ðền Hùng.
 
                                                                                   Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục