Hội nghệ sĩ Sân khấu (SK) VN vừa tiến hành trao giải thưởng thường niên của Hội cho các vở diễn và kịch bản SK năm 2009. So với các năm trước, năm nay, với một Ban chấp hành mà cơ cấu có nhiều sự đổi mới, việc tổ chức trao giải có phần hoành tráng hơn.

Nói như vậy bởi lễ trao giải thưởng năm nay đã vượt khỏi khuôn khổ của phòng họp Hội liên hiệp văn học nghệ thuật (51 Trần Hưng Đạo) mà "làng" SK đã đưa nhau ra tôn vinh ở Trung tâm văn hoá nghệ thuật VN (số 2 Hoa Lư). Có các cô văn công yếm thắm má hồng đón chào khách, có hẳn chương trình văn nghệ "cây nhà lá vườn" nhưng là của các nghệ sĩ SK chuyên nghiệp hẳn hoi. Khán phòng rộng rãi và khách được mới tới dự cũng đông vui hơn mọi năm.

 Vở cải lương Trọn đời trung hiếu với Thăng Long (giải A).

Tác giả chưa với tay tới công chúng

12 kịch bản SK trên tổng số gần 100 kịch bản gửi về Hội đã được trao giải. Việc đi tìm giải A cho kịch bản SK năm nào cũng nhọc nhằn và năm nay vị trí ấy vẫn khuyết. Hội đồng nghệ thuật đã trao 2 kịch bản giải B (Giai nhân và anh hùng - tác giả Chu Thơm, Cờ chuẩn Điện Biên - tác giả Lê Qúy Hiền), 3 kịch bản giải C, 6 kịch bản giải khuyến khích. NSND Doãn Hoàng Giang - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật dường như năm nào cũng đều mong mỏi SK có những tác phẩm có sự đột biến về cấu trúc, vấn đề và nhân vật trong bản tổng kết. Thế nhưng năm 2009 thì SK vẫn "quá hiếm hoặc cũng có thể nói không có nhân vật độc đáo. Đại bộ phận các nhân vật của các tác giả là những nhân vật chung chung, mờ mờ nhân ảnh hoặc là sơ lược, công thức, đọc xong chẳng để lại một chút ấn tượng nào".

SK tồn tại bằng những mâu thuẫn, bằng những vấn đề quan thiết và gần gũi với đời sống hôm nay. Thế nhưng nhìn vào tên các kịch bản được giải: Giai nhân và anh hùng, Cờ chuẩn Điện Biên, Kẻ sĩ thời loạn, Vua hai ngôi, Vua điên, Lý Thái Tổ dời đô, người ở lầu son, Giấc mộng Hồ Hoa... dễ dàng đồng ý với nhận xét: SK Việt đang loay hoay tìm lối thoát. Số lượng kịch bản được giải không ít, nhưng những kịch bản trực diện tấn công vào những vấn đề nóng, nhạy cảm của xã hội quá hiếm. Hầu hết các tác giả đều chọn cách nương vào đề tài lịch sử và điều đó chắc chắn khó đưa lại dư vị gì hấp dẫn cho công chúng hôm nay. Bởi khó có thể bắt những công dân @ thế hệ 7X, 8X, 9X đang hội nhập rất nhanh với tri thức thế giới phải cảm động với những hành động của cha ông, dù rằng trong lòng họ không phải không tự hào. Nhưng bảo là phải hoà mình thì không dễ vì điều đó không phải là những vấn đề họ phải đối mặt hôm nay.

Bội thu giải thưởng vở diễn SK nhưng chưa bội thu số lượng khán giả

Trong lần trao giải thưởng của Hội năm 2008, Hội đồng nghệ thuật đọc 200 kịch bản mà chỉ trao được 1 giải B cho kịch bản Tình sử Thăng Long của tác giả Nguyễn Quang Lập thì nhiều người lo lắng cho tình hình hoạt động biểu diễn của các đoàn năm 2009. Vậy nhưng, kết quả giải thưởng vở diễn năm 2009 của Hội khiến mọi người bất ngờ. 10 vở diễn đoạt giải A, 22 vở đoạt giải B là một con số đáng mừng cho những người làm SK. Lý giải về điều này, Chủ tịch Hội - NSND Lê Tiến Thọ cho rằng "Năm 2009 là năm có nhiều hội diễn, các đoàn nghệ thuật đã đem đến hội diễn những tinh hoa của mình. Đó là những vở diễn được chau chuốt, sáng tạo bằng tài năng, bằng tâm huyết. Có những vở diễn đề tài lịch sử tạo nên hiệu ứng nghệ thuật khó quên. Có những vở diễn đề tài chiến tranh và hậu chiến được dàn dựng công phu, vừa hoành tráng, vừa cảm động...". Điều nhận định đó đúng khi nhìn vào "bảng vàng" 2009, SK đến giờ vẫn chỉ “tung hô và ve vuốt” những đề tài lịch sử và hậu chiến. Vì thế trên SK, các nhân vật cứ bàn những chuyện lý tưởng cao đạo hoặc những hoài niệm về một thời nào đó, còn khán giả thì lại dường như dửng dưng. Bởi ngày hôm nay, những vấn đề nhức nhối của thời cha ông không còn là vấn đề họ phải đối mặt nữa. Những khó khăn, trăn trở của công chúng hôm nay đã hoàn toàn khác và họ mong chờ các vở diễn tháo gỡ được hoặc chỉ cho họ cần phải ứng xử như thế nào. Vì thế không lạ gì thực trạng SK vẫn đang khủng hoảng khán giả.

Một năm có tới 32 vở diễn xếp thứ hạng A - B, ai bảo SK không khởi sắc? Nhưng chúng ta hãy cứ tự hỏi nhau tình hình SK hiện nay thế nào, tối nay, ngay tại Hà Nội xem gì, xem ở đâu thì chắc không nhiều người trả lời được. Và thử xem, bạn có giấy mời đi xem SK, việc rủ người thân đi cùng đã là việc khó.

Người ta có muôn vàn lý do để đổ lỗi cho SK chưa lôi kéo được khán giả, nào là do yêu cầu về chính trị, nào là cơ sở vật chất nghèo nàn hạn chế những điều chúng ta mong muốn, nào là giao thông tắc nghẽn nên người ta ngại ra đường thay vì ngồi nhà xem tivi... Tất cả những lý do này chỉ là sự ngụy tạo khi mà trong cùng bối cảnh xã hội và chính trị, các chương trình ca nhạc vẫn thu hút hàng nghìn khán giả, người ta có thể phát cuồng vì thần tượng, hay có những phim truyện VN khán giả phải xếp hàng mua vé. Nói gì thì nói, điều quan trọng vẫn cần có tác phẩm hay, gần với đời sống công chúng.

                                                                                     Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục