Mùa hoa Chămpa năm nay, đoàn nhà văn VN gồm 12 người do Chủ tịch Hội Nhà văn VN - nhà thơ Hữu Thỉnh dẫn đầu sang dự Giải thưởng văn học Mêkông lần thứ 3 tổ chức tại Viêng Chăn - Lào từ ngày 24 đến 29/3/2010. Chuyến đi đã để lại khá nhiều ấn tượng đẹp đẽ và lý thú...

Một nền văn học phát triển

Nước Lào với 10 triệu dân thật ít ỏi nhưng văn hóa Lào thật không thể trộn lẫn. Các nhà văn Lào cũng có nhiều thành tựu đáng nể. Bằng chứng là Hội nghị giải thưởng văn học hàng năm của 3 nước vùng Mêkông (Việt Nam, Campuchia, Lào) mỗi năm mỗi nước đều có 3 nhà văn nhận giải thưởng này dù Hội Nhà văn Lào cỡ chỉ hơn trăm hội viên.

Văn học VN năm nay có 3 nhà văn được nhận giải là nhà văn Phạm Quang Đẩu (tiểu thuyết Một ngày là mười năm), nhà văn Nguyễn Chiến Thắng - bút danh là Thăng Sắc (Chú Tư con là ai) và nhà văn Ngọc Tự (có tên Lào là Thoong B.C với tập truyện ký Bão rừng nhưng do tuổi cao nên không sang được).

Một điều lạ là, Hội Nhà văn Lào tuy có Ban chấp hành, có Chủ tịch, Phó chủ tịch và các ủy viên BCH, có Trưởng ban đối ngoại nhưng lại chưa có trụ sở để hoạt động. Thật tiếc khi Hội nghị trao giải thưởng văn học Mêkông năm nay diễn ra tại Lào nhưng chủ tịch Hội - nhà văn Chăn-thy lại ốm phải nằm viện tại Thái Lan không tham gia được. Mọi việc nặng nhọc của công tác tổ chức, nội dung của hội nghị đều dồn lên đôi vai mảnh mai của nữ Phó chủ tịch - nhà phê bình lý luận văn học  Phiulavanh Luangvana. Chị vốn là Phó Chủ tịch TW Hội phụ nữ Lào.

Các nhà văn 3 nước được Thủ tướng Lào tiếp đón. Thủ tướng Lào không chỉ lắng nghe những mục đích, ý nghĩa và thành tựu của Giải thưởng Mêkông nhằm thắt chặt mối tình đoàn kết - hữu nghị vốn lâu đời giữa 3 nước mà còn lắng nghe những đề xuất hữu ích của Chủ tịch Hội nhà văn 3 nước để với cương vị của mình, ông có thể giúp cho Hội Nhà văn Lào có điều kiện hoạt động tốt hơn. Hôm khai mạc Hội nghị có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Lào và Đại sứ VN tại Lào - nhà thơ Tạ Minh Châu, Đại sứ CPC tại Lào cũng tới dự.

Điều đặc biệt là các nhà sư quan tâm đến văn học của Lào cũng tới dự Hội nghị rất đông. Xen giữa những bộ quần áo lịch sự, trang trọng của quan khách là những bộ càsa màu vàng của các nhà sư.

Điệu múa Lămvông.

Một xứ sở thanh bình, thuần khiết

Ở Viêng Chăn có nhiều ngôi chùa nổi tiếng nhưng thích nhất là chùa Sỉ Mương nổi tiếng cổ kính, linh thiêng. Trong chùa lúc nào cũng có nhà sư ngồi buộc chỉ cổ tay ban phước cho người đến lễ Phật, có xóc thẻ cầu may. Trên mái chùa còn có một con chim đại bàng rất to và đẹp, nghe nói nó đã đậu ở đấy rất nhiều năm rồi mà chưa bao giờ chịu bay đi đâu.

Người dân Lào ai cũng nhỏ nhẹ, hiền từ. Mấy ngày ở Lào hiểu thêm về cụm từ "sống chậm" là như thế nào. Có vẻ cái phương châm "cứ từ từ rồi khoai sẽ nhừ" đang ngự trị nơi đây. Xe ôtô đi ở ngoài phố rất nhiều nhưng ít thấy tiếng còi inh ỏi.

Một thông lệ phải tuân thủ là đi bất kỳ hội nghị nào phụ nữ cũng như nam giới đều phải mặc áo dài tay. Phụ nữ thì đều mặc váy, không thấy ai mặc quần. Người Lào chào nhau bằng việc chắp tay để trước ngực và cúi đầu thi lễ như ta vào chùa. Với phụ nữ thì càng phải trân trọng và gián cách như vậy chứ không ai dám suồng sã bắt tay - dù có thân thiết hay mừng rỡ đến mấy.

Người Lào nổi tiếng với điệu Lămvông hữu nghị và vui vẻ. Điệu múa tập thể này thật đơn giản dễ múa, ai cũng múa được. Khách phương xa đến đều có thể hòa trong điệu Lămvông với nền nhạc bài Hoa Chămpa nổi tiếng. Dù có đi khắp thế giới thì Chămpa và Lămvông vẫn luôn là những biểu tượng của đất nước Triệu Voi với những mái nhà cong, những mái chùa cong không lẫn vào đâu được!

Những ấn tượng cố đô

Sau khi Hội nghị trao giải kết thúc, các nhà văn 3 nước được đi thăm cố đô Luang prabăng. Vượt hơn 400km đường đèo, mọi người đều trầm trồ trước vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt của những ngôi nhà cổ ngăn nắp sạch sẽ, những ngôi chùa cổ kính tại cố đô này. Từ khu di tích Bảo tàng Quốc gia Lào, nơi lưu giữ không gian sống và trị vì cùng những kỷ vật của các nhà vua Lào đến việc cúng lễ thả chim phóng sinh của khách thập phương, rồi thăm chùa Siêngthoong nổi tiếng.

Trong chùa có một pho tượng Phật ngồi bằng đồng đen rất nặng, người ta bảo ai có điều gì cần cầu xin thì khấn thầm, nếu Đức Phật bằng lòng thì người đó có thể nhấc được ngài lên, nếu không thì dù có cố sức đến mấy cũng không tài nào nhấc ngài lên nổi. 12 người trong đoàn nhà văn VN (ngoài 3 nhà văn sang nhận giải thưởng văn học Mêkông còn có các nhà văn Kiều Vượng, Hà Đình Cẩn, Nguyễn Bảo, Nguyễn Trọng Tân, Tô Đức Chiêu, Trần Thị Thắng, Phạm Hồ Thu và người viết bài này) hình như ai cũng có điều gì đó để cầu nguyện ngài, song không phải ai cũng nhấc được ngài lên! Riêng nhà thơ Hữu Thỉnh - Trưởng đoàn nhà văn VN, không biết ông cầu khấn điều gì nhưng mọi người đều nhìn thấy ông nhấc bổng được Đức Phật nâng lên quá đầu những 3 lần. Ngoài chuyện tâm linh ra, nhà thơ cho biết ông rất chịu khó tập yoga, tập thiền, đi bộ nên sức khỏe khá tốt.

Mấy ngày dự hội nghị thật ngắn ngủi nhưng để lại ấn tượng khó phai mờ. Điều mong mỏi của các nhà văn 3 nước là những tác phẩm được giải Mêkông cần được dịch ra những thứ tiếng của nhau để nhà văn cả 3 nước đều đọc được. Khi ấy mới thấy hết được những cái hay, cái đẹp trong những tác phẩm được cho là xuất sắc khi nhận giải thưởng này. Từ đó sẽ hiểu nhau hơn qua những buổi trao đổi, tọa đàm của hội nghị. Nếu không thì sự trao đổi văn học nhiều ý nghĩa này mới chỉ dừng lại ở điểm hữu nghị.

                                                                                   Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục