Trải qua 50 năm trưởng thành và phát triển, gắn liền từng giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành du lịch luôn nhận được sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước. Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từng bước đi lên, du lịch ngày càng khẳng định vai trò, vị thế một ngành kinh tế, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.

 
Cách đây tròn nửa thế kỷ, ngày 9-7-1960, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 26/CP thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương. Ðây là sự kiện ghi dấu sự ra đời của một ngành kinh tế non trẻ lúc bấy giờ và thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Ðảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước sau này. Ngày 9-7 hằng năm đã trở thành Ngày hội truyền thống của ngành du lịch.


Sau ngày thành lập cho đến năm 1975, trong bối cảnh đất nước có chiến tranh, ngành du lịch đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu phục vụ các đoàn khách của Ðảng và Nhà nước. Miền nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, hoạt động du lịch dần trải rộng ra các vùng miền Tổ quốc. Ngành du lịch bước vào xây dựng bộ máy tổ chức và đội ngũ lao động, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, tiếp quản, bảo toàn và phát triển các cơ sở du lịch ở các tỉnh, thành phố vừa giải phóng; lần lượt mở rộng, xây dựng thêm nhiều cơ sở mới; từng bước thành lập các doanh nghiệp du lịch nhà nước, chuẩn bị điều kiện chuyển dần sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tháng 6-1978, Tổng cục Du lịch Việt Nam được thành lập trực thuộc Hội đồng Chính phủ, đánh dấu một bước phát triển mới của ngành. Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, du lịch Việt Nam phát triển theo một hướng đi mới: Mở rộng hợp tác, hội nhập với khu vực và quốc tế. Trong giai đoạn này, cùng những thành công trong sự nghiệp đổi mới đất nước, ngành du lịch đã từng bước khởi sắc, vươn lên phát triển, đạt được những thành quả ban đầu quan trọng, ngày càng tăng cả quy mô và chất lượng, dần khẳng định vai trò, vị trí của mình. Chỉ thị 46/CT-T.Ư của Ban Bí thư T.Ư Ðảng khóa VII tháng 10-1994 đã xác định "Phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nuớc". Sau quá trình ghép bộ, được thành lập lại vào tháng 11-1992, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã nhanh chóng củng cố, ổn định tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục khó khăn, vươn lên về mọi mặt để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố. Cơ chế chính sách phát triển du lịch từng bước được hình thành, thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật, tạo môi trường cho du lịch phát triển, nâng cao hiệu lực quản lý chuyên ngành. Hệ thống bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã được thiết lập; hàng trăm doanh nghiệp du lịch quốc tế và nội địa ra đời, với nhiều thành phần kinh tế đã tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để đẩy nhanh du lịch phát triển; hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật chuyên ngành du lịch phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng; hệ thống các cơ sở đào tạo du lịch được mở rộng và rải đều trong cả nước thực hiện chức năng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành. 


Thành tựu nổi bật của ngành du lịch kể từ năm 1990 đến nay là đạt và duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng lớn và toàn diện. Lượng khách du lịch luôn duy trì được mức tăng trưởng với hai con số. Nếu năm 1990, du lịch Việt Nam đón được 250.000 lượt khách quốc tế thì đến năm 2008 con số này đã lên  gần 4,3 triệu lượt. Khách du lịch nội địa tăng từ một triệu lượt năm 1990 lên 25 triệu lượt năm 2009. Số lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng, đạt trên một triệu lượt người hàng năm cho đến nay. Hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động du lịch ngày càng rõ nét; phát triển du lịch đã góp phần tạo nhiều việc làm cho xã hội, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo; giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc; bảo vệ cảnh quan, vệ sinh, môi trường, trật tự an toàn xã hội. Hoạt động du lịch thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế và mọi tầng lớp nhân dân, mang lại thu nhập không chỉ cho những đối tượng trực tiếp kinh doanh du lịch mà gián tiếp đối với các ngành liên quan và cho cộng đồng dân cư địa phương. Ở đâu du lịch phát triển, ở đó diện mạo đô thị, nông thôn được chỉnh trang, sạch đẹp hơn, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Phát triển du lịch đã tạo ra khả năng tiêu thụ, xuất khẩu tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy các ngành khác phát triển; khôi phục nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống; tạo thêm nguồn thu để tôn tạo, trùng tu các di tích, di sản và nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, phát triển di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; truyền tải giá trị văn hóa đến các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế... tạo thêm sức hấp dẫn thu hút khách du lịch; góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước và từng địa phương, tăng thu nhập, mở rộng giao lưu giữa các vùng, miền trong nước và nước ngoài.  Ðến nay hoạt động du lịch đã tạo ra việc làm cho gần 400 nghìn lao động trực tiếp và khoảng 800 nghìn lao động gián tiếp cho nhiều tầng lớp dân cư, nhất là thanh niên mới lập nghiệp và phụ nữ.


Ðể đạt được những thành tựu nổi bật như vậy, ngành du lịch đã liên tục phấn đấu, tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển trên một số mặt chủ yếu. Nhận thức và quan điểm về phát triển du lịch liên tục được đổi mới và nâng cao; hệ thống quản lý nhà nước về du lịch ngày càng được củng cố, tăng cường,  năng lực quản lý dần được cải thiện. Hệ thống cơ chế chính sách, văn bản pháp quy được từng bước hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Cơ sở vật chất kỹ thuật  và lực lượng kinh doanh du lịch phát triển mạnh, thích nghi dần cơ chế mới, từng bước làm ăn có hiệu quả. Ngành du lịch đã huy động được ngày một nhiều nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch đi đôi với phát triển, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường ngày càng thể hiện tính chuyên nghiệp. Nguồn nhân lực du lịch được đặc biệt quan tâm đang phát triển nhanh cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Quan hệ hợp tác quốc tế không ngừng được mở rộng, khai thác tốt tiềm lực bên ngoài.  Sự phối hợp liên ngành, liên vùng được đề cao, đang phát huy hiệu quả rõ rệt.


Hiện tại, ngành du lịch đang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược và rà soát bổ sung Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Ðể có thể thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược phát triển du lịch trong giai đoạn mới, hơn lúc nào hết, ngành du lịch cần tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sự phối kết hợp có hiệu quả của các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; của các cấp, ngành, địa phương và sự ủng hộ giúp đỡ của bè bạn các nước và các tổ chức quốc tế, cũng như sự nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, đảng viên, nhân viên trong ngành, góp phần đưa du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò, vị thế của một ngành kinh tế quan trọng
 
 
                                                                                               Theo ND

Các tin khác


Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục