Chính Xuân Huyền đã tạo nên niềm khát vọng cho người diễn viên, và thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình, đam mê đó của họ. Bởi vì, chính ngọn lửa đam mê ấy là yếu tố đầu tiên tạo nên sự thành công bất tử của nghệ thuật sân khấu…

 

Chào đời và lớn lên tại Thanh Chương - mảnh đất vào loại nghèo nhất của vùng quê địa linh nhân kiệt Nghệ An- tròn 17 tuổi, Xuân Huyền đã khăn gói ra kinh thành Thăng Long- Hà Nội, theo học khoá đầu tiên, Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (1959 - 1963).

Tốt nghiệp, rồi sau một thời gian gắn bó với nghệ thuật tuồng truyền thống, năm 1971, Xuân Huyền được cử đi học đạo diễn tại Liên Xô và trở về nước năm 1977. Từ đó đến nay, trên 30 năm qua, gắn bó với hai cánh màn sân khấu trong cả nước; đạo diễn Xuân Huyền đã dàn dựng hàng trăm vở diễn cho các đoàn nghệ thuật, với đủ các loại hình sân khấu - tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, dân ca.

Ngoài ra, là một giảng viên của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, cũng trong khoảng thời gian đó, Xuân Huyền đã đào tạo nên nhiều thế hệ học trò xuất sắc, mà trong số họ, không ít người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT - hiện đang là các gương mặt sáng giá trong nghệ thuật biểu diễn, cũng như trong công tác quản lý các đơn vị sân khấu cả nước…

Nhất là khi tôi lần giở xem nhiều cuốn sổ tay, trong đó ghi chép những suy nghĩ, tìm tòi, trăn trở, băn khoăn, ý tưởng trong công việc, học hành, dàn dựng và giảng dậy của anh trong gần nửa thế kỷ qua; tôi càng thấy một Xuân Huyền đã lao động hết mình trên con đường sáng tạo nghệ thuật của nền sân khấu đương đại Việt Nam.

NSND Xuân Huyền dựng vở cho Đoàn cải lương Thái Bình năm 1982 (thứ 2 từ trái sang) và NSND Lê Huy Quang (thứ 3 từ trái sang).

Nhớ lại năm 1980, Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp được tổ chức. Đây là lần đầu tiên, sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), một hội diễn lớn với quy mô toàn quốc đã được triển khai, đúng vào thời điểm sân khấu đang trong thời kỳ hoàng kim, với sự góp mặt của nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng nhất của cả hai miền Nam-Bắc.

Vừa tốt nghiệp về nước, đang ở độ tuổi sung sức, mang trong mình nhiều khát khao sáng tạo; Xuân Huyền đã trình làng giới sân khấu cả nước bằng vở diễn đầu tay Gió và bụi (tác giả Hoàng Yến) của Đoàn Cải lương Sông Hàn - Đà Nẵng, một trong những đơn vị nghệ thuật rất nổi tiếng từ trước ngày giải phóng; tại Hội diễn đợt II ở Hải Phòng (tháng 5/1980). Đó là một vở diễn hoành tráng với sân khấu ước lệ, tượng trưng, rực rỡ và cuốn hút bằng một thủ pháp đạo diễn sáng tạo, mới mẻ, độc đáo và nồng nhiệt, đã để lại một ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả cả trong và ngoài giới sân khấu.

Từ một câu chuyện  nói về tuổi trẻ Đà Nẵng đi xây dựng đập nước Phú Ninh - một đề tài thuỷ lợi có vẻ như khô khan, nhàm chán- nhưng dưới bàn tay dàn dựng của Xuân Huyền; tiết tấu vở diễn lại đầy sôi động và hết sức gợi cảm. Chạy ngang suốt sân khấu là một bục dài, cao tới 2 mét, tượng trưng cho một đập nước; với màu ghi đá khô lạnh nhưng lại không đơn điệu. Đặc biệt, cảnh tình yêu của đôi nam nữ thanh niên được diễn tả thật đẹp - bằng thủ pháp cách điệu, tượng trưng của sân khấu tuồng truyền thống - dưới ánh sáng của quả cầu gương rọi sáng lung linh cả phòng khán giả; cũng như cảnh xử lý nghệ thuật biểu diễn với trang trí, âm nhạc khi cơn bão ập đến - tất cả đều chuyển động cùng các khối đá ngăn dòng thác lũ - vừa bạo liệt, nhưng cũng lại rất lãng mạn, trữ tình.

Gió và bụi đã đoạt Huy chương Bạc của Hội diễn, và cũng là tấm giấy thông hành khẳng định tài năng của đạo diễn Xuân Huyền, để anh bắt đầu một sự nghiệp sáng tạo sân khấu của mình. Sau vở diễn này, năm 1981, Xuân Huyền dàn dựng tiếp hai vở cải lương Trương Chi và Lê Chân (cùng cho Đoàn Cải lương Hải Phòng). Hai vở diễn đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng  khán giả mến mộ sân khấu của thành phố hoa phượng đỏ, đặc biệt là với dàn diễn viên trẻ và các nghệ sĩ tài năng của đoàn. Càng lao động nghệ thuật, Xuân Huyền càng khẳng định bản lĩnh nghề nghiệp và một cá tính độc đáo của anh - đó là sự kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa các thủ pháp nghệ thuật tuồng truyền thống của ông cha, với nghệ thuật kịch tâm lý hiện đại mà anh tiếp thu được của thế giới sau khi du học trở về.

Thế rồi, chỉ sau đó một thời gian, năm 1982, tỉnh Nghệ Tĩnh (lúc đó Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập vào làm một) đã mời Xuân Huyền vào dàn dựng cả ba vở cho ba đoàn: Đoàn Kịch nói (Ô-ten-lô của Sếch-xpia), Đoàn Chèo (Vòng phấn Káp-ka của Bectôn - Bơrét), Đoàn Cải lương (Tiếng hát tình yêu - một vở diễn hiện đại của Vũ Dũng Minh - Ngọc Thụ); thì tên tuổi của đạo diễn Xuân Huyền đã nổi tiếng trong giới sân khấu cả nước… Từ Ô-ten-lô, vẫn bằng thủ pháp ước lệ, tượng trưng, với một không gian sân khấu giản dị, gợi mở, thoáng đãng nhưng lại lộng lẫy, bề thế- những vòm cổng, những sợi xích hai màu đen, trắng đối lập giữa phi nghĩa và chính nghĩa; một vòng bục cong lúc dựng lên thành con thuyền hết sức gợi cảm và cũng rất ước lệ - Xuân Huyền đã làm say mê, cuốn hút khán giả Nghệ Tĩnh khi nô nức đi xem các nghệ sĩ tuy còn rất non trẻ của mình, lại "dám" sáng tạo những vai diễn trong một kiệt tác vĩ đại của sân khấu nhân loại đã tồn tại hàng trăm nay. Nhưng một điều thú vị hơn, đáng nói hơn là Ô-ten-lô của thiên tài Sếch- xpia, lần đầu tiên được dàn dựng thành công tại Việt Nam, lại do một đoàn kịch địa phương trình diễn… (vở diễn này, đúng 20 năm sau, đã được Xuân Huyền dàn dựng lại cho Nhà hát Tuồng T.Ư, tham dự Liên hoan Sân khấu thử nghiệm Quốc tế năm 2002 tại Hà Nội).

Rồi một sân khấu sôi động, trẻ trung, tiết tấu hiện đại trong Tiếng hát tình yêu của Đoàn Cải lương, với nội dung ca ngợi tình yêu của một chiến sĩ giải phóng và một cô ca sĩ cũ của Sài Gòn sau năm 1975. Cho đến một sân khấu chèo dân gian, tự sự, trữ tình đằm thắm của dân tộc Việt Nam; kết hợp với nghệ thuật gián cách nổi tiếng của Nhà viết kịch người Đức Béctôn - Bơrét trong Vòng phấn Káp-ka

Có thể nói, với ba vở diễn của ba loại hình sân khấu cùng làm cho cả ba đoàn nghệ thuật của Nghệ Tĩnh; đạo diễn Xuân Huyền đã bắt đầu hình thành cho mình một phong cách dàn dựng mới mẻ, táo bạo, kết hợp nhuần nhuyễn tính cách điệu, ước lệ, tượng trưng của sân khấu truyền thống dân tộc với một sân khấu mang hơi thở, tiết tấu hiện đại của cuộc sống hôm nay. Với ba vở diễn này, Xuân Huyền tâm sự: Sân khấu của tôi, không bao giờ chỉ là trò chơi, trò giải trí, hoặc chỉ là mua vui đơn thuần; mà qua mấy chục mét vuông sàn diễn, tôi muốn mang đến cho cuộc đời những niềm vui, nỗi buồn, cũng như những khát vọng chân chính của con người.

Đến đây, cũng cần mở một cái ngoặc nhỏ là đối với tôi - thời gian này chính là một kỷ niệm rất đẹp trong cuộc đời làm sân khấu của mình - bởi lần đầu tiên tôi cộng tác với đạo diễn Xuân Huyền với tư cách là họa sĩ, và cùng một lúc thiết kế mỹ thuật cả ba vở nói trên. Từ đó đến nay, chúng tôi đã cùng cộng tác sáng tạo thành công trên mấy chục vở diễn; cùng được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT (năm1993) và NSND (năm 2006)… 

Bước vào năm 1986, trong không khí đất nước bắt đầu thời kỳ đổi mới và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc, Xuân Huyền đã dàn dựng thành công hai vở mới tham gia biểu diễn phục vụ Đại hội tại Thủ đô Hà Nội. Đó là Người mất tích (tác giả Xuân Đức - Đoàn Kịch Quân đội) và Bay trước mùa xuân (tác giả Xuân Trình- Đoàn Kịch Hải Phòng) - Được khán giả theo dõi một cách say mê từ đầu đến cuối. Sân khấu cuốn hút đến nỗi không rời mắt. Vở diễn có tiếng nói riêng của đạo diễn, tiếng nói hiệu quả của Xuân Huyền (Xuân Huyền là một đạo diễn năng nổ, sáng tạo - Từ Lương, phụ trương Tạp chí Sân khấu, Xuân Đinh Mão 1987).

Bước sang năm 1987, trong dịp Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Mười Nga và Những ngày văn hóa Liên Xô tại Hà Nội; Xuân Huyền đã có hai vở diễn được ghi nhận là khá thành công (Trên mảnh đất người đời - tác giả Sĩ Hanh, theo tiểu thuyết của I-va-nốp và Thánh của các vị thánh của Đu-sê, đều do Đoàn Kịch Quân đội biểu diễn)…

Cũng cần nói thêm một nét sáng tạo nữa của anh, khi cộng tác làm việc với các nhạc sĩ trong vở diễn của mình. Từ Nguyễn Đình Tấn, Phó Đức Phương, An Thuyên, Ngô Quốc Tính, Vũ Ngọc Quang, rồi Nguyễn Đình Bảng cho đến các nhạc sĩ trẻ… Mỗi người một vẻ và một phong cách khác nhau; nhưng điều đáng nói nhất là Xuân Huyền đã tạo ra những hiệu quả nhất định, khi cách xử lý âm nhạc của anh không chỉ là minh họa cho vở diễn; mà các ca khúc chính là tư tưởng chủ đề, gắn bó mật thiết và hữu cơ với nội dung mà người nghệ sĩ muốn chuyển tải đến người xem.

Ngoài sự gắn bó với hội hoạ, âm nhạc (là hai loại hình nghệ thuật không thể tách rời sân khấu); đạo diễn Xuân Huyền còn rất đam mê thơ ca - và chính từ ba loại hình nghệ thuật, như ba cái chân kiềng này - Xuân Huyền đã tạo ra cho sân khấu của mình những vở diễn vừa bạo liệt, vừa dữ dội, vừa bi và hài, nhưng cũng rất nên thơ, lãng mạn, trữ tình, bay bổng; mà trong đó, nghệ thuật biểu diễn sống động của diễn viên luôn được anh coi trọng, đặt lên hàng đầu trong tư duy sáng tạo của mình.

Chính Xuân Huyền đã tạo nên niềm khát vọng cho người diễn viên, và thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình, đam mê đó của họ. Bởi vì, chính ngọn lửa đam mê ấy là yếu tố đầu tiên tạo nên sự thành công bất tử của nghệ thuật sân khấu…       

Tuổi Nhâm Ngọ (SN 1942), với tính cách một người dân xứ Nghệ thẳng thắn, trung thực, ăn sóng nói gió, không bao giờ chịu hạ mình luồn cúi trong cuộc sống cũng như trong công việc; Xuân Huyền đã bước vào độ tuổi có thể bình thản để nhìn lại một chặng đường lao động nghệ thuật của mình. Có vui và buồn; có cay và đắng; có cả những tìm tòi, thử nghiệm, thất bại và thành công; những nụ cười và cả những giọt nước mắt đã gắn bó với hai cánh màn sân khấu dân tộc ngót 50 năm qua; nhưng như tâm niệm của anh - Sinh nghề, tử nghiệp - trong bất kỳ một hoàn cảnh nào, người nghệ sĩ cũng phải thuỷ chung với nghiệp tổ sân khấu, để tiếp tục lao động, lao động và lao động mãi cho đời

Với tư cách là một họa sĩ đã cộng tác làm việc với anh suốt 30 năm qua, tôi có thêm một nhận xét này - Trong công việc sáng tạo, Xuân Huyền không bao giờ áp đặt ý đồ cho họa sĩ; ngược lại, anh tận dụng và sử dụng triệt để trang trí một cách sáng tạo và hiệu quả nhất. Với Xuân Huyền, trang trí không tĩnh mà phải động; trang trí không chỉ làm đẹp sân khấu mà quan trọng hơn, là phải tham gia vào vở diễn, tác động trực tiếp, hiệu quả vào diễn xuất của diễn viên. Xuân Huyền là một trong số không nhiều đạo diễn, nắm vững các thủ pháp ước lệ, cách điệu, tượng trưng, tự sự trữ tình của nghệ thuật truyền thống; nên không gian sân khấu của anh được mở rộng thoáng đãng, giản dị mà vẫn bề thế, lộng lẫy; không nệ vào tả thực mà vẫn vừa đủ để nói lên một cách rõ ràng, khúc chiết, mạch lạc và gợi cảm chủ đề của vở diễn… Đó cũng chính là phong cách đạo diễn độc đáo của Xuân Huyền, để anh bao giờ cũng tạo ra một dấu ấn rất riêng, một diện mạo riêng, không bao giờ bị trộn lẫn vào vở diễn của người khác.

 

                                                                                        Theo CAND

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục