Sự hiện diện của nhiều di tích ở TPHCM chỉ còn là danh nghĩa trong tài liệu của cơ quan quản lý văn hóa chứ không có đời sống thật

 
Nhiều di tích được xác lập danh hiệu di tích cấp quốc gia, cấp TP nhưng gần như chỉ còn giá trị trên danh nghĩa, có di tích đã bị biến dạng hoàn toàn. Di tích lịch sử cũng  bị lãng quên, không được quảng bá giới thiệu nên công chúng cũng không nhiều người biết đến.
 
Nói theo GS Lê Xuân Diệm - nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa - “chúng ta đang lãng phí giá trị di tích”.
 
Bỏ di tích hoang phế
 
Thảm hại nhất là lò gốm cổ Hưng Lợi (thuộc P.16, Q.8) – di tích khảo cổ hiếm hoi của TPHCM được nhận bằng di tích quốc gia. Trước đây, khu lò gốm này là nơi thu hút đông đảo các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước đến khai quật nhưng bây giờ,  di tích chỉ còn lại một bãi đất hoang tàn, bị đào bới lung tung, ao tù nước đọng, cổng chính hư hỏng, lối vào cũng bị bít, mái che di tích bị sập và đất cũng bị các hộ dân lấn chiếm. Lò gốm cổ Hưng Lợi đang trong tình cảnh hoang tàn như phế tích mà ngay cả người dân địa phương cũng không còn nhớ đến.
 
Khu căn cứ vùng bưng 6 xã (gồm xã Long Trường, Phú Hữu, Phước Long, Tăng Nhơn Phú, Bình Trưng và An Phú thuộc Q.Thủ Đức cũ, nay thuộc Q.9 và Q.2) từng là nơi đào nhiều hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng trong thời kháng chiến chống Mỹ.
 
 
Lòng địa đạo Phú Thọ Hòa đã phục chế. Ảnh: Tấn Thạnh


Di tích này hiện nay cũng chỉ có người dân cư ngụ lâu đời ở đây mới biết nhưng lại rất ít người hiểu được giá trị lịch sử của ngôi miếu Ngũ Hành tại di tích cũng như giá trị lịch sử của vùng bưng trong chiến tranh. 
 
Di tích Giồng Cá Vồ (huyện Cần Giờ) cũng không được bảo quản tốt và phát huy đúng giá trị. Đường vào lầy lội, cảnh quan không được chăm sóc tốt và không có tường rào bảo vệ, thiếu các công trình phụ trợ khiến cho di tích này không có sức thu hút khách tham quan.
 
Lãng phí giá trị di tích
 
Đình, chùa cổ xưa là nơi lưu giữ nhiều giá trị về kiến trúc, lịch sử văn hóa, nếu biết giữ gìn, tôn tạo, khai thác thì luôn là điểm đến hấp dẫn cho du khách thập phương, trở thành những tài sản quý giá để kinh doanh du lịch. Đáng tiếc là những giá trị này không được coi trọng.
 
Còn các di tích lịch sử cách mạng cũng đang mất dần giá trị và bị lãng quên. Địa đạo Phú Thọ Hòa (tại số 139 Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú) với hầm địa đạo dài 1 km theo đường chim bay, từng là nơi đã ghi dấu bao chiến tích của quân, dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Địa đạo Phú Thọ Hòa được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng Di tích cấp quốc gia vào ngày 28-6-1996.
 
Nhưng sau khi nhận bằng di tích, khu địa đạo này gần như bị bỏ quên, chỉ vừa được các cơ quan chức năng chú tâm cải tạo vài năm nay và cũng không cải thiện được hiện trạng hoang phế của di tích. Hiện di tích chỉ còn lại đường hầm khoảng 100 m, xung quanh gạch, đá lỗ chỗ, những ngôi mộ vây quanh um tùm cỏ mọc. Cách đây một năm, Nhà Trưng bày khu di tích đã được xây dựng và bổ sung các hình ảnh, hiện vật về di tích nhưng ngôi nhà này mỗi ngày vẫn... đóng cửa. Địa đạo Phú Thọ Hòa chỉ đông vào giờ cuối ngày khi người dân đến đây... chơi thể thao.
 
Các di tích nằm ở huyện ngoại thành cũng chỉ còn là dấu ấn trong lịch sử. Khu  Láng Le - Bàu Cò (huyện Bình Chánh), nơi ghi dấu những năm tháng chống càn ác liệt của quân, dân ta những năm 1946 và là hậu phương vững chắc của mặt trận Sài Gòn – Gia Định, hiện bị ngập úng mỗi khi có triều cường. Huyện này còn có các di tích khu dân công hỏa tuyến Mậu Thân, di tích Rạch Già nhưng cũng không thu hút được du khách tham quan.
 
Còn di tích địa đạo Tân Phú Trung (hay còn gọi là địa đạo Cây Đa, thuộc ấp Cây Đa, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi); công viên Đài liệt sĩ – nơi hy sinh  của 82 liệt sĩ Tết Mậu Thân 1968 (Q. Tân Phú), cho đến bây giờ mới được đưa vào danh sách đề nghị công nhận di tích cấp TP.
 
Sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian cùng với sự lãng quên của con người đã khiến cho giá trị của các di tích văn hóa, lịch sử ngày càng phai nhạt. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng UBND TPHCM đã từng có phương án trùng tu, tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp nhiều di tích nhưng việc đánh thức tiềm năng và giá trị của các di tích này cũng chưa đi đến đâu. Nếu vẫn tiếp tục không được quan tâm, nguy cơ di tích trở thành phế tích là điều khó tránh khỏi.

Di tích có thể “đẻ ra vàng”

TS Vũ Khắc Chương, Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, nhìn nhận: “TPHCM có nhiều di tích mà giá trị của nó không nhỏ, vấn đề là chúng ta cần bảo tồn và phát huy như thế nào. Phải xem di tích là tài nguyên”. Cần đánh thức giá trị di tích, bởi nói theo GS Lê Xuân Diệm, di tích là tài sản vô giá, có thể “đẻ ra vàng” nếu có tầm nhìn chiến lược đúng đắn.

 
Trong đề án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong giai đoạn 2010-2020, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TPHCM đã đề nghị công nhận thêm 8 di tích cấp quốc gia và 75 di tích cấp TP trên địa bàn TPHCM. Nhưng cũng còn rất nhiều di tích chưa được nghiên cứu, xác lập hồ sơ để đề nghị công nhận di tích. Thời gian với những điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên cũng như sự vô tâm của con người trong việc ứng xử với di tích sẽ không chờ đợi sự chậm trễ của các cơ quan chức năng.

 

                                                                                            Theo NLĐ

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục