Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nhận định: Sự đa dạng về chủ đề tư tưởng, ý nghĩa cốt truyện, từng vở diễn dẫn dắt khán giả đến giá trị thẩm mỹ của bộ môn nghệ thuật này dưới đề tài hấp dẫn "Hình tượng Người chiến sĩ CAND". Còn TS Nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái lại “hy vọng những vở diễn trong liên hoan xét về một góc nhìn khác. Đó là sự an ninh trong tâm hồn mỗi con người”.

 

Ở bất kỳ hội diễn và liên hoan nào, khán giả không chỉ tò mò về kịch bản nổi trội ra sao? Xung đột gay cấn đến cỡ nào? Đạo diễn gạo cội danh tiếng hay đạo diễn trẻ tài năng? Diễn viên nổi tiếng hay gương mặt mới xuất hiện? Không chỉ có thế, điều mà khán giả và ngay cả các Đoàn nghệ thuật tham gia liên hoan cũng không khỏi tò mò, háo hức về thành phần ban giám khảo, những người quyết định "sinh tử" của diễn viên, của vở diễn trong đó có hàng chục nghệ sĩ tham gia biểu diễn..

Lần liên hoan này, Hội đồng giám khảo gồm 7 nghệ sĩ tên tuổi danh tiếng do GS. TS. NSND Đình Quang làm Chủ tịch Hội đồng. Và có 2 phụ nữ, một là Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam) và TS Nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái từng là giám khảo của rất nhiều hội diễn, liên hoan nghệ thuật mang tính toàn quốc. Nhưng đây là lần đầu tiên 2 người phụ nữ gần nhau về tuổi đời, tuổi nghề, có uy tín nghề nghiệp cao và có cá tính riêng biệt, không trộn lẫn này lại cùng trong một hội đồng giám khảo của Liên hoan Sân khấu về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND". Trước giờ Liên hoan, 2 nữ giám khảo đã mở lòng đều có chung tiêu chí sẽ rất chính xác và công bằng khi trao giải.

* Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam): Thời bình các chiến sĩ CAND vẫn hy sinh thầm lặng

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Ai cũng nghĩ Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam) thành phần Ban giám khảo cuộc Liên hoan Sân khấu toàn quốc về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" chẳng "dây mơ rễ má" gì với sân khấu nhưng thật ra từ lâu chị đã là con đẻ của sân khấu, là hội viên Hội nghệ sĩ Sân khấu. Tốt nghiệp Trường đại học Sân khấu & Điện ảnh với tấm bằng chính quy về sân khấu sau 4 năm theo học. Chị có 12 năm công tác trong lĩnh vực sân khấu.

Nhiều vở kịch được các đạo diễn sân khấu dàn dựng, như NSND Phạm Thị Thành dựng cho Nhà hát Tuổi trẻ, rồi đạo diễn NSƯT Lê Chức, đạo diễn NSƯT Bùi Đắc Sừ... Kịch bản "Lên Tiên", của chị đã được đạo diễn Ngọc Thủy dựng ở TP Hải Phòng và diễn liên tục 500 xuất diễn. Về sau vở kịch nói này được chuyển thể sang chèo và cải lương. Bận rộn trong điện ảnh như vậy nhưng cách đây mấy năm vở "Duyên trời" của chị đã đường hoàng bước lên Sân khấu của các nhà hát, vở nói về Chử Đồng Tử và nàng công chúa Tiên Dung...

PV: Vậy là chị không xa lạ gì với sân khấu, nhưng dù sao "danh chính ngôn thuận" của chị vẫn là chuyên ngành điện ảnh. Rất nhiều người hy vọng, tin tưởng một người chuyên nghiệp về điện ảnh, khi đến với sân khấu sẽ có cách nhìn mới, cảm xúc mới...

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Chỉ có điều lần này ở trong Ban giám khảo ai cũng nghĩ mình ở bên chuyên ngành điện ảnh. Nhưng Ban tổ chức Liên hoan đã mạnh dạn tin tưởng chọn mình. Vì dù thể loại sân khấu hay điện ảnh thì khởi thủy cũng từ kịch bản, mà mình rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Và, thật sự phải cảm ơn đến Bộ Công an đã hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện đầu tư, hỗ trợ cho mỗi đoàn 90 triệu đồng dựng vở mới, đấy là điều đáng quý  trong tình trạng sân khấu đang gặp khó khăn như hiện nay, khan hiếm khán giả nhất là khu vực phía Bắc.

Trong tình trạng sân khấu đìu hiu như hiện nay, việc thúc đẩy và tìm ra giải pháp để làm sao dựng được  nhiều vở hay ngắn gọn, tinh xảo là việc làm  cần thiết. Kịch sân khấu có đặc thù ít nhân vật, đi diễn lưu động sẽ dễ đến với đông đảo công chúng. Tôi mong những vở diễn ở kỳ liên hoan này không chỉ dừng lại ở khán phòng Nhà hát Lớn mà sẽ đến được với đông đảo khán giả khắp cả nước. Ở kỳ Liên hoan Sân khấu toàn quốc lần này đề tài thể hiện rất nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm đó là Hình tượng Người chiến sĩ CAND. Trong cuộc sống ngày hôm nay, việc gắn bó quan hệ mật thiết giữa quân và dân, giữa chính quyền luật pháp và con người trong xã hội hiện thời là điều đặc biệt cần được chú trọng. Xây dựng hình tượng về những tấm gương cao cả, những phẩm chất tốt đẹp, những mất mát hy sinh thầm lặng của CBCS CAND đồng thời là tiếng chuông cảnh báo, cảnh tỉnh xã hội trước nguy cơ mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm băng hoại đạo đức và nhân phẩm con người.

PV: Tuy có rất nhiều chiến công và góp công sức lớn vào sự giữ gìn bình yên của Tổ quốc, nhưng trong hiện thực đời sống công an xem ra vẫn là khái niệm mà nhiều người dân còn e dè, ngại ngùng... Để xóa tan cảm giác đấy, chúng ta cần phải hiểu đúng, và mở ra liên hoan này cũng là một cách để "tiếp thị hình ảnh" Người chiến sĩ CAND đến với đông đảo công chúng.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát:  Đúng là những người chiến sĩ Công an thường nghiêm nghị hơn, và nhất là trong khi đang làm nhiệm vụ thì rất cương quyết và cứng rắn. Nhưng đó chỉ là đặc thù nghề nghiệp. Đơn cử nói cảnh sát giao thông, ấn tượng về màu vàng nhiều người không thích, nhưng cứ thử hỏi chỗ nào bị tắc đường, nghẽn xe, thì tất cả ai cũng mong ở đó có Công an giao thông xuất hiện. Lúc đó nhìn thấy màu vàng của người chiến sĩ công an người dân an tâm và không còn lo lắng. Hoặc như trong cuộc sống nơi nào có sự lộn xộn, bất ổn về an ninh trật tự là ngay lập tức người ta nghĩ ngay đến việc gọi công an.

Cho đến giờ công việc của Người chiến sĩ CAND vẫn đòi hỏi sự hy sinh và hết mình cho lý tưởng cao đẹp.  Tôi tin 19 vở diễn của 17 đoàn nghệ thuật trong cả nước sẽ mang đến Liên hoan một bầu không khí đa sắc màu. Sự đa dạng về chủ đề tư tưởng, ý nghĩa cốt truyện, từng vở diễn dẫn dắt khán giả đến giá trị thẩm mỹ của bộ môn nghệ thuật này dưới đề tài hấp dẫn "Hình tượng Người chiến sĩ CAND".

* TS Nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái: Hy vọng những vở diễn trong liên hoan xét về một góc nhìn khác, đó là sự an ninh trong tâm hồn mỗi con người

TS Nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái.

PV: Từng gắn bó với sự thăng trầm của sân khấu nước nhà qua nhiều thập niên, hẳn chị hiểu sân khấu hơn ai hết. Liên hoan Sân khấu về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" có ý nghĩa như thế nào với đời sống sân khấu hiện nay?

TS Nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái: Liên hoan đã tập trung vào nhân vật hiện giờ xã hội rất quan tâm, và trở thành Hình tượng Người chiến sĩ CAND. Đây thật sự là một sáng kiến rất hay, góp phần xã hội hóa hoạt động sân khấu, làm cho nền sân khấu đang rơi vào hiện trạng hàng đêm "chết dần chết mòn" sôi động trở lại. Nền sân khấu khỏe mạnh là phải sống hàng đêm trên các sàn diễn, diễn viên phải sắm vai liên tục, các chương trình kịch mục phải luôn nối tiếp nhau. Sân khấu phía Bắc từ lâu đã bị đứt mạch kịch trường. Cuộc liên hoan này thúc đẩy mạch kịch trường hoạt động trở lại. Các nhà hát sau khi tham gia vở diễn ở Liên hoan đương nhiên sẽ tiếp tục nhiều xuất diễn ở các nơi.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, theo chị việc chọn đề tài xây dựng hình tượng Người chiến sĩ CAND trên sân khấu sẽ có tác động như thế nào đến khán giả?

TS Nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái: Đề tài hẹp trong một khuôn nhất định nhưng góc nhìn xã hội đang đặt ra vấn đề lớn là làm thế nào để có sự hiểu biết lẫn nhau, trao đổi và liên thông giữa CBCS CAND và người dân. Đó là vấn đề an ninh. Điều này giống như làm thơ trữ tình ấy. Thơ trữ tình đóng vai trò cực kỳ lớn trong đời sống tinh thần của người dân. Như chúng ta đang sống đây, cuộc sống với những âu lo, hoang mang bất ổn. Những chiến sĩ CAND là người phụ trách việc an ninh. Nên giữ an ninh cho tâm hồn mỗi con người trong xã hội là vô cùng quan trọng. Việc này nếu mình lý giải theo một cách nào đó thì nó nghiêng về trật tự xã hội được bảo vệ theo pháp luật. Những chiến sĩ Công an được Nhà nước phân công làm việc xã hội. Nhưng đây có phải là vấn đề xét trên góc nhìn luật pháp không?

PV: Chị có kỳ vọng gì vào Liên hoan Sân khấu toàn quốc về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" lần này?

TS Nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái: Chỉ còn ít ngày nữa thôi là tới giờ mở màn, tôi hy vọng những vở diễn trong liên hoan xét về một góc nhìn khác. Đó là sự an ninh trong tâm hồn mỗi con người. Người đóng góp vào an ninh, ổn định trật tự xã hội chỉ có hai cách. Một là, anh thực thi một cách máy móc, nguyên tắc và cứng nhắc. Hai là, thực thi một cách rất nhân đạo,  hành xử tình nghĩa của người Việt Nam truyền thống. Điều nhìn ra rõ nhất là người Việt mình, khi tham gia giao thông sai thì cảnh sát khó có thể phạt nhau ở ngoài đường theo cách của người phương Tây là lạnh lùng và khách quan (mặc dù mình thích điều ấy). Ở Việt Nam chúng ta hay có vụ điều chỉnh hai bên và có vụ... bỏ qua. Vấn đề này được đặt ra trên sân khấu thì rất tốt.

PV: Chị từng là thành viên của nhiều hội đồng giải thưởng sân khấu cấp quốc gia. Vậy so sánh kỳ Liên hoan Sân khấu toàn quốc về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" lần II này có gì đặc biệt so với các kỳ hội diễn và liên hoan khác đã qua?

TS Nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái: Năm 2005, Liên hoan Sân khấu về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" chỉ có loại hình sân khấu kịch nói và cải lương thì ở đợt liên hoan này đã có sự đổi mới. Có nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đặc sắc và đa dạng như: kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, dân ca, thậm chí kịch hình thể đến tham dự. Sự phong phú về hình thức nghệ thuật mang đến Liên hoan một không khí ấm áp và tươi mới. Và có điều rất mới và hay ở giải thưởng đó là Bộ VH, TT&DL đã đồng ý cho xét duyệt các nghệ sĩ đoạt giải lần này được cộng điểm giải thưởng để đến với các danh hiệu NSƯT, NSND.  Đây cũng là một cơ hội tốt cho các nghệ sĩ vì hội diễn đâu có phải được Nhà nước tổ chức nhiều lần trong một năm mà định kỳ nhiều năm trong một lần, vì vậy kỳ liên hoan này được đặt vào trong lợi ích chung của sự phát triển nền sân khấu.

Một cảnh trong vở kịch “Đời có đợi anh không”.

PV: Vốn là người có nhiều ý tưởng độc đáo và đau đáu với nền sân khấu đang ì ạch, chị có đề xuất gì trong việc làm giám khảo của kỳ Liên hoan Sân khấu toàn quốc lần này không?

TS Nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái: Tôi muốn đề xuất những vở diễn sau khi được giải thưởng ở liên hoan này rồi, mà tiếp tục đi lưu diễn ở nhiều nơi thì ở lần liên hoan sân khấu sau sẽ có một buổi trước kỳ liên hoan trao giải vở đi lưu diễn và ăn khách nhất. Mình có thêm giải thưởng như vậy để khích lệ các vở tiếp theo và cũng để chứng tỏ Ban giám khảo không nhầm lẫn khi trao giải. Vở diễn không sống mà chỉ để tham gia hội diễn cũng bằng không thôi. Tôi vẫn lưu tâm đến sự vận hành của nền sân khấu trong đời sống kịch trường hằng đêm. Nó là một mạch đập, như quả tim phải được đập đều đặn, vì nó vấp là nó sẽ chết. Mà sân khấu đang ở hiện trạng buồn hiu hắt.

Còn gì để thăng tiến cho sự nghiệp của NSND, NSƯT khi người nghệ sĩ được diễn thường xuyên. Người diễn viên vai nọ nối vai kia, được tung hoành và hết mình trên sân khấu thường xuyên và dưới kia là khán giả đến rạp chật kín khán phòng hàng đêm. Có khán giả là có sự thúc đẩy để người nghệ sĩ thăng hoa trong sáng tạo, đồng thời khích lệ nhà viết kịch sáng tác. Một kịch bản vừa viết ra lập tức được dựng ngay. Tất cả sự vận hành, luân thông đó thực sự là sự phát triển, là ý nghĩa đích thực của các liên hoan và giải thưởng. Bản thân tôi đã đọc hết 19 kịch bản của tất cả 19 vở tham dự liên hoan này, tôi cũng đang háo hức mong cho đến ngày liên hoan sớm để chờ xem có nhiều lực lượng trẻ không điều đó cho thấy sự phát triển của nền sân khấu Việt Nam

 

                                                                                      Theo CAND

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục