“Tôi cầm bút và chép lại những cảm tưởng của mình, bởi vì, trên thực tế, những chính trị gia, họ cũng là những con người bằng xương bằng thịt, cũng có tình yêu như bao nhiêu người khác chứ”, nhà văn Nguyệt Tú tâm sự.

 

Bà và các con của mình ở quây quần trong một khuôn viên rộng, thoáng đãng. Phòng khách nhà bà treo nhiều tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, người cha kính yêu đã có ít nhiều ảnh hưởng đến tính cách, lối sống của con gái, chính là nhà văn Nguyệt Tú, sau này.

Dù đã ở tuổi 87 nhưng dáng bà nhanh nhẹn, nhẹ nhõm trong bộ quần áo lịch lãm, nói năng nhẹ nhàng nhưng dứt khoát dù âm sắc của người xứ Nghệ vẫn còn trong giọng điệu. Bà từng là Giám đốc NXB Phụ nữ, phu nhân của cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo. Nhà văn Nguyệt Tú vừa cho ra mắt tập bút ký "Chuyện tình chính khách Việt Nam" với mười sáu câu chuyện tình yêu của những nhà lãnh đạo nổi tiếng của đất nước Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tố Hữu, Thủ tướng Võ Văn Kiệt... Một đề tài mà có lẽ, ngoài nhà văn Nguyệt Tú, chưa có ai khai thác.

- Thưa nhà văn Nguyệt Tú, "Chuyện tình chính khách Việt Nam" là cuốn sách vừa được bà xuất bản trong quý một năm 2011 này. Đây có lẽ là cuốn sách hiếm hoi mà tác giả khai thác được những câu chuyện tình yêu của những chính khách Việt Nam. Bà có thể cho biết, để có được cuốn sách này, ý tưởng ban đầu của bà như thế nào?

- Thực ra, cuốn sách này của tôi được xuất bản lần đầu cách đây vài năm nhưng chỉ có 12 người. Cuốn sách ra đời đã được độc giả đón nhận rất nồng nhiệt, có nhiều người còn viết thư cho tôi động viên, khen ngợi khiến tôi cảm động lắm. Năm nay, tôi viết thêm được 4 câu chuyện tình yêu của bốn chính khách nữa, nên tôi đã quyết định tái bản bổ sung để cuốn sách dày dặn hơn.

Thực ra, ban đầu tôi tình cờ biết về một vài mối tình đẹp của vài người trong quá trình làm công tác nghiên cứu, xuất bản, viết văn… Sau đó tôi cầm bút và chép lại những cảm tưởng của mình, bởi vì, trên thực tế, những chính trị gia, họ cũng là những con người bằng xương bằng thịt, cũng có tình yêu như bao nhiêu người khác chứ. Thậm chí, tình yêu của họ bền bỉ và đẹp hơn bao giờ hết vì họ phải trải qua một chặng đường gian khổ, chia cắt của chiến tranh… Trong quá trình tiếp xúc, tìm hiểu, với tôi, mỗi câu chuyện đều mang lại một niềm cảm xúc sâu sắc khác nhau. Tôi tin rằng, khi những trang sách của tôi đến tay độc giả, họ cũng sẽ có những cảm xúc tốt đẹp, dù câu chuyện tình yêu ấy có vẻ như đã đi qua lâu lắm rồi.

- Trong cuốn sách có những câu chuyện của những vị chính khách đã hy sinh như liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai và Phạm Hồng Thái hoặc câu chuyện tình mới nhất là của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và người vợ đầu đã mất trong chiến tranh... Liệu viết về những người đã nằm xuống thì việc thu thập tài liệu của bà có vất vả lắm không?

- Có những câu chuyện làm tôi trăn trở cả tháng trời, thậm chí vài tháng mới viết xong vì phải đọc rất nhiều tư liệu. Hoặc để viết chuyện về mối tình đầu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và chị Kim Anh, thì tôi và con gái Nguyệt Tĩnh đã bay đi bay về giữa Sài Gòn - Hà Nội nhiều lần để tìm tài liệu và gặp nhân chứng còn lại là con của hai người là Hiếu Dân.

Câu chuyện về mối tình đầu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất xúc động nhưng không nhiều người biết. Tôi từng được nghe kể lại về lời di chúc của ông là sau khi ông mất thì hỏa táng và rải tro trên đoạn sông mà bà Kim Anh, người vợ yêu và hai con ông bị máy bay Mỹ bắn chết. Câu chuyện của ông khiến tôi xúc động, rất may là con gái Nguyệt Tĩnh của tôi lại là bạn của Hiếu Dân. Hai mẹ con tôi đã vào Sài Gòn, đến thăm nhà Hiếu Dân, nơi mà những năm cuối đời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã về sống và có đủ tư liệu để viết về mối tình ấy. Tôi tin rằng, những ai biết câu chuyện tình yêu của ông cũng sẽ cảm động rơi lệ.

- Trong số đó còn có chuyện tình yêu mà độc giả khá quan tâm là của nhà thơ Tố Hữu và bà Nguyễn Thị Thanh. Có lẽ câu chuyện này sẽ đầy ắp chi tiết vì người vợ của nhà thơ Tố Hữu chắc có lẽ sẽ rất vui lòng tiết lộ cho bà những câu chuyện cảm động giữa hai người?

- Đúng vậy, chị Thanh đã cung cấp cho tôi nhiều tư liệu. Chuyện xảy ra sau Ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), nhà thơ Tố Hữu được cử làm chủ nhiệm lớp Việt Minh ở Thanh Hóa. Có một nữ sinh xinh xắn, dễ thương, ngày nào cũng ngồi bàn đầu say sưa nghe giảng. Khuôn mặt tròn trĩnh, nước da trắng hồng với cặp mắt nâu ướt làm thầy giáo trẻ nhiều khi lúng túng phải nhìn đi chỗ khác. Đấy chính là cô Thanh, một nữ sinh giỏi của Trường Đồng Khánh ngày nào, sau này về Thanh Hóa tham gia phong trào Việt Minh, được kết nạp Đảng và trở thành Bí thư chi bộ, rồi được cử đi học lớp bồi dưỡng chính trị do anh Tố Hữu phụ trách.

Một buổi sáng, anh Tố Hữu gặp chị Thanh trong một ngôi nhà đã bị phá trong thị xã để tiêu thổ kháng chiến. Anh đỏ mặt, ngập ngừng: "Tôi đã nghe nói nhiều về Thanh trước khi gặp. Về đây, được gặp và làm việc với Thanh nhiều... Tôi ưng Thanh, ý Thanh thế nào?". Thanh bối rối cúi đầu im lặng. Anh Tố Hữu nắm tay chị: "Ai cũng bảo tôi với Thanh đẹp đôi đấy. Em có đồng ý không?". Thanh thấy má mình nóng bừng. Chị lí nhí: "Anh liều thật, lỡ Thanh không đồng ý thì sao?". Rồi Thanh lấy hết can đảm nói một mạch: "Đứng trên lập trường Mácxit, anh phải nói thật anh đã có ai chưa?". Anh Tố Hữu thanh minh: "Anh có ai đâu. Sao em lại không tin?".

Lễ cưới được tổ chức vào đầu tháng 8/1947, đúng tháng mưa ngâu, trời mưa tầm tã. Sắp đến giờ cưới vẫn chưa thấy chú rể. Mãi đến trưa, mọi người ngạc nhiên thấy chú rể và một người đàn ông lấm bùn bê bết đang gột rửa quần áo ngoài bờ ao. Thì ra anh Tố Hữu đã đạp xe gần 60 cây số từ thị xã Thanh Hóa về Hoằng Hóa, đến nhà ông Trường, một cơ sở cách mạng cũ của anh, nhờ ông làm đại diện họ nhà trai. Đêm tân hôn, đôi vợ chồng trẻ bị mẹ chị Thanh bắt ngủ riêng. Sáng hôm sau anh chị đèo nhau về cơ quan ở thị xã Thanh Hóa. Chị cấp dưỡng cơ quan tìm mãi mới bố trí được cho vợ chồng trẻ "phòng hạnh phúc" trong cái nhà kho. Mấy hôm sau, anh chị đi thuyền ngược sông Lô lên Việt Bắc. Tuần trăng mật của họ trôi qua lãng mạn trên chiếc thuyền nan.

- Bà có kể lại câu chuyện của mình với phu quân, chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo. Hẳn hai người có một mối tình đẹp và sâu sắc lắm?

- Mùa thu 1946, tôi là Phó Bí thư Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh ra Hà Nội học Trường Phan Chu Trinh đồng thời nhận công tác. Trong một lần tôi báo cáo công tác với đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội, người có khuôn mặt trái xoan thông minh, đôi mắt chăm chú nhìn tôi qua cặp kính trắng. Tôi lúng túng đỏ mặt và đâu biết rằng vị bí thư trẻ tuổi ấy cũng đang xúc động... Gặp lại nhau năm 1948, chúng tôi đã cùng hẹn ước. Trước khi chia tay, tôi chép tặng anh bài thơ "Đợi anh về" của Ximônôp và tặng anh tấm ảnh chân dung của mình. Một lần qua vùng địch hậu, bơi qua sông Đuống lên Việt Bắc suýt chết đuối, anh vứt lại tất cả đồ, có ba thứ anh buộc vào túi ni lông rồi quấn quanh thắt lưng đó là tấm ảnh Bác Hồ, tấm ảnh của tôi và chứng minh thư.

Một năm sau chúng tôi cưới nhau. Chú rể mặc bộ quần áo nâu thường ngày. Tóc cô dâu quấn theo kiểu "một lô cốt". Anh Đạo cười hóm hỉnh nói rằng: "Từ khi đi làm cách mạng, anh đã nhiều lần lấy vợ giả. Lần này mới được lấy vợ thật đấy!".

Nhà văn Nguyệt Tú và phu quân - cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo.

- Ngoài những cuốn sách viết về gia đình, về phu quân thì trong sự nghiệp văn chương của mình, bà dành nhiều thời gian để viết, sưu tập tranh và những câu chuyện về cha mình, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Một người họa sĩ tài năng như Nguyễn Phan Chánh hẳn cũng sẽ có những câu chuyện tình lãng mạn, bà có ý định viết về chuyện tình yêu của cha mình?

- Tôi được nghe kể nhiều câu chuyện liên quan đến những bức họa của ông. Cha tôi ngoài tranh phong cảnh, làng quê nổi tiếng như: "Chơi ô ăn quan", "Rửa rau cầu ao", "Cô hàng xén", "Trốn tìm"… thì ông cũng vẽ nhiều tranh thiếu nữ như: "Thiếu nữ trước biển", "Trăng tỏ", "Kiều tắm", "Tiên Dung và Chử Đồng Tử"…

Dĩ nhiên là mỗi nghệ sĩ nói chung, họa sĩ nói riêng đều có những cảm xúc trước cái đẹp và họa sĩ Nguyễn Phan Chánh không phải là một ngoại lệ. Có lần ông kể cho tôi nghe câu chuyện về cô làm mẫu cho bức tranh "Kiều tắm". Ông gặp nhiều người mẫu vẽ nhưng lần đầu tiên gặp cô gái, vẻ đẹp nền nã, Á Đông của cô đã khiến ông có một cảm xúc mạnh mẽ, mẫu người ông đi tìm đã lâu giờ mới gặp. Ông nghĩ ngay đến nàng Kiều trong thơ Nguyễn Du và mong sẽ thể hiện vẻ đẹp đó bằng đường nét, màu sắc trên lụa. Ông tìm chiếc khung lớn, cỡ như bức "Chơi ô ăn quan", lấy tấm lụa đẹp nhất vẫn cất để dành, căng lên. Ban đầu, khi ông nói nguyện vọng muốn vẽ nàng Kiều đang tắm, cô gái đã từ chối, vì thời đó việc vẽ nuy cũng không phổ biến như bây giờ. Cô cầm nón ra về. Ông buồn lắm, cho đến hai ngày sau, cô gái trở lại, nét mặt bối rối nói: "Cháu đồng ý nhưng xin bác đừng hỏi tên cháu. Cháu sẽ nói tên nếu cháu làm mẫu thành công".

Ông chấp nhận ngay, ông nghĩ vẽ xong rồi sẽ hỏi tên cũng không muộn. Nhiều ngày sau đó, ông miệt mài với bức phác thảo, rồi lên lụa, trang trí, trong đó ông lấy tựa là một bài thơ bằng chữ nho và câu thơ của Nguyễn Du "Rõ ràng trong ngọc trắng ngà". Ông đã hoàn tất để có thể dựng bức tranh rất đẹp cho người con gái xem. Nhưng người con gái đó đã không trở lại, không để lại địa chỉ, thậm chí, không tên.

Ông cũng đã đi tìm nhưng… mò kim đáy bể! Ông đặt tên cô là Kiều. Mối tình với hình tượng nghệ thuật đó khiến ông viết nên một câu thơ nôm hay nhất của đời mình vào tuổi tám mươi: "Mượn nét phong lưu tắm lại Kiều"…

- Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

 

                                                                                     Theo CAND

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục