Phóng viên Vietnam+ đã đến thăm nhà nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước- người sáng tác ca khúc bất hủ “Chúng con bên giấc ngủ của Người” vào cuối buổi chiều trước ngày sinh nhật lần thứ 121 của Hồ Chủ Tịch. Cũng là chỉ một ngày trước khi diễn ra quang cảnh như trong lời bài hát "sáng tháng Năm trời trong xanh quá, bốn phương về tụ Ba Đình.”

 

“Vinh quang con đứng bên Người"

Tác giả bài hát nổi tiếng về Bác cho biết: “Tôi viết bài hát đó khi mới 22 tuổi rưỡi. Đó là tháng 6/1976, tôi vừa ở chiến trường miền Nam về. Một trung sĩ vào học năm thứ nhất khoa thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội.”

Nhạc sĩ tâm sự: “Cha tôi, lúc đó là thiếu tá Nguyễn Đăng Chè đang làm nhiệm vụ bảo vệ việc xây dựng lăng Bác và bảo tàng Hồ Chí Minh. Đồng cảm và hiểu lòng cha mình trong nhiệm vụ cao cả của ông, cùng với tình cảm dâng trào với Hồ Chủ tịch đã có từ lâu trong lòng, tôi đã viết phần đầu của bài ca.

Cảm hứng về Bác của tôi dâng lên như mặt biển ban đầu mênh mang êm ái, sau trào sóng. Có sự êm dịu ngọt lành khi nghĩ về Bác, có nỗi quặn đau khi Bác đi xa…

Phóng viên đã rất bất ngờ khi nhạc sĩ bỗng cất giọng hát vang và say sưa: “Vinh quang con đứng bên Người, canh cho Bác ngủ ngon giấc. Trên môi như Bác vẫn cười, Bác vui vì khắp non sông cháu con trở về sum vầy. Nghiêm trang trong nắng Ba Đình hoa thơm ngát trời Thủ Đô.”

Theo ông, “Chúng con bên giấc ngủ của Người" là tình cảm chân thành da diết của những người lính cảnh vệ làm nhiệm vụ cao cả là bảo vệ lăng và canh giấc ngủ cho Hồ Chủ Tịch. "Nguyện mãi xứng danh anh hùng" là lời hứa của “những chiến sĩ công an không trận cuối cùng chọn cuộc đời thề hy sinh cho một lẽ sống”, bảo vệ an ninh cho đất nước.

Phần đầu của bài ca được nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước viết tại tập thể Bộ Công an trong ngõ Chiến Thắng, Khâm Thiên (Hà Nội), sau đó hai ngày nhạc sĩ đã viết tiếp phần hai khi về quê thăm mẹ. Thế rồi ông hát tiếp phần sau chia sẻ cảm xúc như còn nóng hổi cho dù đã 35 năm trôi qua.

"...những bước chân bồi hồi sao xuyến, cháu con trở về bên Người. Hãy đừng để lệ rơi Bác đang ngủ kia mà Người vừa mới đặt mình...”

Viết xong phần này, Nguyễn Đăng Nước viết thành bản nhạc mang đến Báo Công an nhân dân, khi đó ở gần nhà ông, để chia sẻ với các chú, các bác. Khi ông hát lên, những người đồng đội của cha ông đã vui mừng khôn tả, nhưng ai cũng thấy như vẫn thiếu chút gì đó, bài hát còn buồn quá.”

Đêm hôm sau, còn nguyên cảm xúc dâng trào, ông đã hoàn thành bản nhạc của mình. Lãnh đạo tờ báo Công an nhân dân quyết định cho đăng bản nhạc cùng lời ca lên mặt báo.

Được động viên, Nguyễn Đăng Nước đã mang đến Đài tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Lê Lôi, nhạc sĩ Văn An, Trần Trung đều rất ngạc nhiên. Ông kể: “Các bác hỏi: Có thật của cháu không? Sau đó nhạc sĩ Lê Lôi ngồi vào đàn và bắt đầu dạo lên bài hát."

Một tuần sau, dàn nhạc giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam đã đệm cho hai giọng ca Trần Thụ và Hữu Nội nổi tiếng lúc bấy giờ đã song ca để thu âm bài hát này. “Quả thực là tôi rất xúc động nhưng chưa thật thích cho lắm. Sau này, có những ca sĩ đã hát hay hơn,” nhạc sĩ tâm sự.

Khi phóng viên hỏi, ai hát hay nhất ông nói: “Tôi chưa thấy ai hát hay nhất.” Một chiến hữu của ông ngồi bên nói nhỏ: “Chỉ anh ấy hát là hay nhất.” Quả là có lý, phóng viên vừa được nghe giọng hát tràn đầy nội lực của ông.

Và trong tâm trí tôi lại vang lên giọng đơn ca khoa thanh nhạc hơn 30 năm trước: “Ơ...những bước chân bồi hồi xao xuyến cháu con trở về bên Người. Cháu con đời đời bên Bác. Bác ơi Bác ngủ ngon lành.”

Éo le trong “miền đào hoa”

Giống cha mình, bản thân nhạc sĩ cũng là người trong ngành công an, nhiều năm công tác ở cương vị là nhạc sĩ Phòng Văn nghệ Cục công tác chính trị-Tổng cục 3– Bộ Công an. Ông có hơn 50 ca khúc viết về lực lượng công an nhân nhân trong tổng số gần 500 ca khúc ông đã viết.

Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước có một số phận như ông nói là nhiều “ngang trái, éo le.” Ông có phần “ngây ngô” trong làm ăn kinh tế, không may mắn trong chuyện hôn nhân. Cuộc đời ông lên bổng xuống trầm như những bản nhạc dồi dào cảm hứng và lắng đọng chiều sâu tâm tư của chính ông.

Tác giả của bài ca bất hủ “Chúng con bên giấc ngủ của Người” có một số phận giống như cái tên Đăng Nước của ông vậy... Từng cầm súng ra chiến trường ác liệt, hòa bình trở về thì được du dương say đắm trong âm nhạc. Sau đó “ngơ ngác” làm kinh doanh, bị lừa đảo nên phải nhận án tù. Ông được đặc xá ra tù năm 2004. Đến nay, Nguyễn Đăng Nước vẫn sống bằng sáng tác và dàn dựng các chương trình cho nhiều tỉnh, thành và các đơn vị trong ngành công an.

Sau 5 năm khi ly hôn người vợ “không còn duyên nợ,” hiện nhạc sĩ vẫn đangsống một mình trong căn nhà thuê ở Phùng Khoang với mong ước  giản dị, "một mái nhà bình yên.”/.

 

                                                                               Theo TTXVN

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục