(HBĐT) - Trời rét ngọt, đợt rét cuối năm sao buốt giá lạnh đến thế. Quán nước ven đường nhỏ bé trống trải như cũng run lên bởi những cơn gió bấc của mùa đông. Hàng cây xà cừ ven đường vút cao, thân cây bong lớp vỏ ngoài lộ ra một màu trắng như cánh tay trần phụ nữ đang chỉ lên giữa trời mùa đông. Tiếng bà chủ quán thì thầm nói một mình:

 

- Đã giáp tết rồi mà sao trời cứ rét thế, cứ như thế này thì làm sao cây đào vườn nhà bà nở hoa cho kịp tết.

Trên con đường về làng, một người đàn ông co ro trong chiếc áo dạ cũ kỹ màu vàng nhạt đã sờn, đang bước đi một cách lơ đãng vào quán nước bà Tỉu. Vẫn con đường quen thuộc chạy qua làng, cái làng nằm ven đồi Thung, xanh trùm lũy tre. Hắn nhìn bà, chắc bà chưa nhận ra hắn:

- Cho cháu chén rượu.

Bà Tỉu nhìn nó ngờ ngợ, trao cho nó chén rượu, hắn nhấp một ngụm vẫn nồng nồng, cái thứ men rượu hơi ngai ngái quen thuộc, uống vào không nhức đầu. Bà Tỉu buộc lại cái khăn trùm trên đầu, nhấp nháy đôi mắt nhận ra hắn, bà hỏi:

- Quẩn đấy à, đi đâu mất hút cả năm, tết mới thấy về.

Nó nói trống không, nhạt nhẽo:

- Đi kiếm ăn, cuối năm lại về đất quê mình tìm cái hơi tết, hơi xóm làng. Nhìn Quẩn, bà Tỉu ái ngại:

- Đi làm gì mà về lại trông tiều tụy vậy?

- Đi đào vàng, đi đến nơi sơn cùng thủy tận tưởng kiếm được đồng, được chỉ để làm lưng vốn nhưng có chút nào “bưởng” nó lột hết.

Bà Tỉu nhìn nó ngao ngán rồi một tiếng thở dài ở người già như là sự chia sẻ, sự thông cảm của mảnh đời rủi ro, không may mắn.

Bà Tỉu lại an ủi:

- Về thôi cháu ạ, ở quê mình nương rẫy đầy ra đấy, ruộng màu mỡ bậc thấp, bậc cao có đủ, làm ăn chăm chỉ, chí thú công việc thì thóc, ngô cũng đầy bồ, phải đi đâu. Đi vào nơi đào vàng, tha hương rồi bệnh tật có khi mất cả mạng sống. Nghĩ lại từ ngày bỏ làng ra đi kiếm ăn cũng bởi cái tính của Quẩn bỏ học đua đòi rồi rượu chè, nhậu nhẹt lại lười làm. Đùng một cái, bọn bạn bên làng Trám đến rủ thế là nó ra đi, bỏ mẹ già và đứa em gái lên 10 ở lại quê, bố nó chết sớm lúc nó đang cắp sách học cấp 2 trường xã. Cuối năm, Quẩn về, vàng đâu chẳng thấy mà chỉ thấy vàng mắt, vàng da, nó âm thầm nghĩ vậy.

Đang ngồi nhấp chén rượu, nghe tiếng xe máy nó ngoảnh ra nhìn. Chiếc xe máy tay ga loại đắt tiền, màu cà phê bóng mang nhãn hiệu Atila.

Hai người ngồi trên xe đều đội mũ bảo hiểm, bịt khẩu trang nên Quẩn chẳng nhận ra là ai. Trên xe buộc lỉnh kỉnh hương hoa, mứt kẹo và một quả phật thủ màu vàng tươi to như cái ấm tích ủ nước chè.

Hai vợ chồng anh Toàn xuống xe cởi mũ, khẩu trang, thấy quả phật thủ, bà Tỉu tặc lưỡi:

- Gớm, anh chị mua quả phật thủ đẹp thật, của hiếm đắt tiền đấy chắc không ngoài ba trăm ngàn.

Vợ Toàn cười:

- Nhà đủ hoa quả trong vườn, chỉ thiếu thứ quả này. Đất quê mình chưa có giống này, sang năm nhà em sẽ lên tận vùng cao Sơn Đồng mua giống về ươm.

Quẩn biết, lánh mặt nhưng Toàn  nhận ra đến vỗ vai Quẩn:

- Gớm đi đâu mà cuối năm mới về, chiều rồi về đi, mẹ và em cậu hàng ngày cứ mong cậu lắm, làm ăn bận bịu gì cũng nhắn tin về cho gia đình chứ.

Làng xóm sau một năm Quẩn ra đi bây giờ đã thay đổi nhiều. Từ con đường làng được đổ bê tông, nhà văn hóa làng và chiếc cổng gạch mới xây, mô hình làng đạt danh hiệu làng văn hóa cấp huyện. Trong làng, nhà nào cũng khang trang, sạch sẽ, nhiều gia đình tiện nghi đầy đủ, đắt tiền. Nhớ mấy năm về trước, giáp tết, nó kiếm được mấy đồng tiền bán lá dong ra quán bà Tỉu uống rượu suông và ngồi ngắm người đi sắm tết để xót xa cho cảnh thiếu ăn, thiếu tiêu của mình.

Rồi Quẩn quay ra nhìn bãi bên bờ sông Bài, ngắm những đám ngô non trồng đầy bãi mới chớm xuân, đã xanh mởn nõn nà để rồi hắn mơ ước vận may của mình khi mùa xuân đến.

Lên xe, vợ chồng Toàn ra về không quên mời Quẩn, ngày mai sang nhà vợ chồng Toàn chơi. Toàn nhớ Quẩn, bạn cùng làng, cùng lớp học từ hồi cấp 2. Nhưng Quẩn bỏ học từ hồi hết cấp 2 lêu lổng, chơi bời, không chí thú làm ăn rồi nghiện rượu, chơi lô đề để kiếm vận may. Còn Toàn, chăm chỉ học hết cấp 3 rồi tham gia nghĩa vụ quân sự, được rèn luyện trong môi trường quân đội lại được đi nhiều nơi, thấy quê hương người ta giàu, anh thăm dò học hỏi để rồi ra quân về quê mình với bàn tay, khối óc mà dựng cơ nghiệp.

Về quê, Toàn nhận mấy ha rừng, đồi chăm chỉ trồng bương, luồng (Thanh Hóa), cải tạo vườn nhà trồng cây ăn quả, vay vốn ngân hàng, làm chuồng trại, anh đi mua lợn giống loại lợn cỏ, lợn thả rông - gặp vận, lợn đẻ cho anh mấy lứa, gà cho anh trứng, thịt, anh từ đó cứ phất lên.

Khi sản xuất, chăn nuôi phát triển, trong tay đã có vốn liếng, theo lời mẹ, anh lấy vợ, cô vợ làng bên biết nhau từ thuở đi học, nay cô Xoan đã là cô giáo mầm non của xã. Lấy vợ xong, hai vợ chồng tâm đầu, ý hợp cùng nhau lao động sản xuất, thu nhập hàng năm các khoản đến trăm triệu. Con gái đầu lòng lên 3 theo mẹ đến lớp miệng nói bi bô, vợ chồng Toàn - Xoan thấy hạnh phúc trên mảnh đất quê hương mình mà lòng càng phấn chấn.

Quẩn bỏ quê đi hàng năm đào vàng, vất vả lầm lũi trở về tay trắng, thân tàn ma dại. Thương bạn, biết bạn lỡ làng, thất cơ nên ngượng ngịu, xấu hổ, không dám sang chơi, vợ chồng Toàn một chiều cuối năm xách hai chiếc bánh chưng mới nấu, chai rượu, chục quả cam vườn. Nghe tiếng xe máy, Quẩn nhìn ra, định đánh nước tránh mặt nhưng Toàn đã nhanh miệng:

- Quẩn ơi, bọn mình sang thăm mế và bạn đây.

Nghe tiếng quen, bà mế nhìn qua voóng cửa, giục Quẩn xuống đón bạn lên nhà. Chiều cuối năm, nhà tuềnh toàng, lặnh ngắt, Toàn biếu quà, mẹ Quẩn hai tay đỡ túi quà tay run run nghẹn ngào trong lời nói:

- Cảm ơn hai cháu, cảm ơn hai vợ chồng. ở nhà lo làm, lo ăn cũng giàu, cũng đầy đủ, đi đâu chẳng bằng trên đồng quê mình cả.

Lời bà nói mà nước mắt lăn dài trên đôi gò má đã nhăn nheo.

Vợ Toàn, chị Xoan ngồi xích lại bên mế đỡ lời:

- Thôi bác ạ, sông có khúc, người có lúc, miễn là biết rút kinh nghiệm, tu chí làm ăn là của nả trong tay thôi, vợ chồng chúng cháu cũng từ hai bàn tay trắng đi lên thôi mà.

Toàn cầm tay Quẩn, bàn tay thô ráp của Quẩn, đen đủi, xương xẩu mà chạnh lòng thương bạn. Toàn nói với Quẩn với một tình bạn thân thương, chia sẻ.

- ăn tết xong, ra giêng ngày rộng tháng dài, nếu cậu không chê, vợ chồng mình sẽ giúp cậu đôi lợn giống và vài triệu đồng làm vốn. Cứ ở nhà, ở quê có anh, có em, có bạn bè hỗ trợ nhau rồi cũng có bát ăn, bát để mà tuổi lớn rồi cũng phải lấy vợ đi chứ, có vợ nó sẽ đỡ đần cho, phải không Xoan?

Xoan đỏ mặt, nở nụ cười làm không khí của buổi chiều cuối năm thấm đậm ân tình.

Mẹ Quẩn đã khêu tro ngọn lửa bếp, ngọn lửa bập bùng, ánh lửa tỏa sáng hơi ấm của lửa, hơi ấm của tình bạn trong một chiều cuối năm.

 

                                                                            Văn Song (T.T.V)

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục