Thiếu nhi Mông ở xã Hang Kia trong ngày Tết. Ảnh: Minh Tuấn

Thiếu nhi Mông ở xã Hang Kia trong ngày Tết. Ảnh: Minh Tuấn

(HBĐT) - Trong năm, người Mông ăn hai cái Tết lớn: Tết năm mới và Tết mùng 5 tháng 5. Tết năm mới vào khoảng 24, 25 tháng 12 trước Tết dương lịch. Một số vùng ở biên giới Việt - Trung lại ăn Tết từ mùng một tháng giêng lịch âm. Đây là hai cái Tết lớn và kéo dài nhất của người Mông.

 

Cả năm làm ăn cần cù, vất vả và say mê để có được mùa ngô, nương lúa, củ sắn, củ khoai, quả dưa, quả bí, đàn gà béo, đàn lợn to, xe sợi lanh để thêu khăn, thêu váy áo và để có cái ăn, cái mặc cho bản thân và cho cả gia đình. Cũng ngay từ tháng 3, tháng 4, cả xóm và cả bản, nhà nào cũng lặng lẽ chuẩn bị thực phẩm, rau, củ, quả càng nhiều càng tốt cho Tết tháng 5 và Tết đầu năm.

 

Cuối mùa đông, đầu mùa xuân, cây cỏ thay lá và nẩy mầm. Đào, mận mơ ra hoa, núi rừng trở nên thắm tươi, rực rỡ.

 

Vào những ngày Tết, thức ăn luôn có trong nhà và phong phú hơn trong những ngày thường gồm các món ăn thịt lợn, ít nhất cũng phải mổ 1, 2 con lợn trên dưới 1 tạ, 2, 3 con gà, dăm, ba yến gạo để làm bánh dày, đồ xôi. Củi nước, rau quả, lá, hương, giấy màu, rượu gạo hoặc rượu bột ngô, tiền âm phủ. Khèn (yenhx), sáo (txax), con quay (tux), cầu lông (đuar), ống để hát vì vào Tết là kiêng kị nhiều thứ nên sự chuẩn bị phải thật chu đáo.

 

Vào Tết từ 24, 25 tháng 12 nhưng phải đến 30 Tết gia đình mới bày cỗ cúng gia tiên. Cỗ cúng có thịt lợn, thịt gà, bánh dày, bánh chưng, rượu, nước, hương nén, tiền âm phủ. Sáng mùng một tết cũng bày cỗ như vậy cúng gia tiên.

 

Ngày 30 Tết, tất cả các dụng cụ canh tác cày, cuốc, xiẻng, dao, cào đều được dán giấy rồi xếp vào cạnh góc bàn thờ. Mười ngày sau mới được lấy ra sử dụng. Bàn thờ rất đơn giản, bàn thờ đặt ở góc gian giữa nhà. Trên vách dán 3 tờ giấy bản mỗi cạnh khoảng 35 cm. Một tờ giấy màu đỏ nhỏ hơn một chút gián chồng lên tờ giấy màu vàng. Một vài chiếc lông gà đính vào các tờ giấy. Ba tờ giấy dán một hàng ngang cách mái nhà khoảng 1 m. Trên một chiếc bàn thấp bày cỗ cúng. ở dưới và xung quanh bàn thờ bày một số cành hoa đào, cành cây, lá cỏ.

 

Trong khi cúng tất niên, người Mông dùng một cành tre có lá làm quạt phất trần, nhà. Vừa quét, vừa khấn cầu cho nhà sang năm mới luôn khỏe mạnh.

 

Khi gà cất tiếng gáy lần thứ nhất báo ngày mới đầu năm đã đến, mọi gia đình có con cái, càng đông, càng tốt đi lấy nước ban mai, ai đi lấy nước càng nhiều, may mắn càng nhiều. Người lấy nước phải cắm hương xung quanh mó nước. Nước mang về trước tiên dùng để rửa cửa chính cho năm mới sạch sẽ.

 

Cùng với việc lấy nước mang về gia đình cũng chọn một người tốt vía, khỏe mạnh, năng động vào xông nhà. Người xông nhà là người trong gia đình hoặc nhờ anh em, hàng xóm. Người xông nhà và chủ nhà chúc tụng nhau rồi mời nhau uống rượu, ăn bánh.

 

Đêm 30 và ngày mùng một Tết, trâu, bò, ngựa phải nhốt, cho ăn ở trong chuồng. Kiêng không được thổi lửa, ăn cơm không được chan canh và không được chải đầu, không được quét nhà. Trẻ nhỏ không được nghịch dao. Nếu không kiêng kỵ được, cả năm làm ăn sẽ không ra sao và không tránh được những rủi ro như ốm đau, hỏa hoạn, dịch bệnh.

 

Người Mông ăn tết luân phiên từ nhà này đến nhà khác vui, hồn nhiên, chân tình và trân trọng. Tuy vậy đối với khách phải mời đi, mời lại nhiều lần, khách mới ngồi vào mâm, nâng chén rượu, cầm đũa thong thả gắp thức ăn. Cách uống rượu của người Mông vào những dịp Tết thật vui. Một dãy mâm xếp liền nhau chạy suốt chiều dài ngôi nhà. Tất cả mọi người ngồi quanh trên từng chiếc ghế nhỏ, bát, đũa đặt sẵn trước mặt, họ rót rượu mời khánh ăn uống tự nhiên. Sau khi đã ăn lót dạ, chủ nhà mới rót rượu vào chén hoặc vào bát uống trước một hơi cạn, sau đó rót tiếp rượu vào bát hoặc chén mời người ngồi bên cạnh; người ngồi bên cạnh uống cạn rồi lại rót tiếp cho người bên cạnh tiếp theo. Cứ thế, chén rượu, bát rượu chuyền tay nhau thành nhiều vòng. Mỗi vòng lại có một cớ một lý do ép mời không ai thoái thác được, chúc sức khỏe, may mắn và truyền cho nhau sự vui sướng trong bụng, sự mạnh mẽ của chân, tay và bền chặt tình anh em xóm, bản dân tộc. Uống rượu như vậy là cuộc vui khó quên.

 

Nước uống của người Mông là nước lã đun sôi, nước rau luộc, nước chè. Khi đi làm ruộng làm nương hay khi đi xa lấy nước từ suối, khe để uống. Người Mông hút thuốc cuộn bằng lá ngô non hay hút thuốc lào bằng điếu như các dân tộc khác. Họ thường sửa soạn điếu, thuốc từ trước Tết, khi hút phải mời khách hút trước, sau đó mới đến lượt mình hút.

 

Đông vui, tưng bừng nhất là hội xuân, ca nhạc, các trò chơi, thi tài đọ sức và nhảy múa, leo núi, phi ngựa, choán hết thời gian không gian hội xuân.

 

Các trò chơi: thi giã bánh dày là phong tục diễn ra như một trò chơi rất vui. Con trai thi nhau đánh quay (tux), thi leo núi, phi ngựa bắn nỏ, bắn súng kíp, kéo co. Trai gái vui ném pao chua (Paozqux), đánh cầu lông. Trò chơi đuổi bắt vợ rất hấp dẫn với thanh niên. Nhờ trò chơi này mà nhiều đôi trai gái nên vợ, nên chồng.

 

Người Mông rất ưa thích thổi kèn lá, gảy đàn môi, thổi khèn, nhảy múa và thổi các loại sáo. Ngày xuân dùng tiếng khèn, tiếng sáo để nói chuyện giãi bày tâm sự với nhau. Ngoài hình thức hát đối thông thường, trực tiếp, trai gái còn có lối hát ống (dùng bong bóng lợn bịt một đầu ống nứa, dùng một sợi chỉ nối giữa hai ống qua mặt da bong bóng lợn). Trai gái ở xa nhau hát vào ống. âm thanh chuyền qua sợi chỉ rung lên ở mặt ống mà nghe được tiếng hát của nhau. Hát những bài hát dân ca nối tiếng như hát mừng nhà mới, tiếng hát làm dâu, khi cảm hứng dồi dào, họ còn sáng tác tại chỗ những câu ca mới:

“Trời này, nàng gái ơi

Thuở xưa, ngày trước kia

Tờ giấy mệnh vàng, mệnh bạc

Để cha mẹ sinh ra nàng

Tờ giấy mệnh vàng, mệnh bạc

Để bây giờ ta cùng chung một gối.

“Trời xuân phát nở ra

Các thứ hoa xòe cánh

Bầy chim cất tiếng hát

Ngân vang vang bên núi

 

Không riêng trai gái mà nhiều người cao tuổi cũng ham mê nhảy múa, đã thổi khèn là múa. Điệu múa gắn với tiếng khèn. Thi múa khèn và thổi khèn là khó nhất, tập hợp đông người tham dự hơn cả.

 

Múa khèn có rất nhiều điệu. Động tác, luật động rất phong phú, đẹp, kỹ xảo khó. Những động tác đi lết hai chân, nhảy đá chân, động tác quay, quay liên tục nhiều vòng, quay ngồi, quay kết hợp với nằm lộn khèn sát mặt đất. Múa và quay trên cọc, trên chảo nước sôi. Múa một người, múa hai người, múa tập thể.

 

Điệu múa tập thể chúng tôi sưu tầm được ở Chiềng Tương, Kiến Thiết, Mộc Châu (Sơn La), Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu). Người múa ở đầu hàng vừa thổi khèn, vừa múa. Những người múa theo đặt tay phải lên vai người múa trước. Cả đội hình múa kéo dài thành một vong cung. Chân nhảy lò cò, cứ tiến 8 bước lại lùi lại 2 bước, nhịp điệu và luật động lúc mạnh lúc yếu, lúc ngập ngừng, lúc dồn dập, lôi cuốn mạnh mẽ.

 

Phần thưởng sẽ thuộc về những người thổi nhiều bài khèn và giữ được dài hơi khi thổi. Múa được nhiều điệu, ít nhất cũng phải múa được các điệu múa: múa khèn đứng, ngồi, đi chân lết, nằm, múa đánh đàn, múa phi ngựa, múa đấu khèn, múa giặt áo, múa gậy tiền.

 

Các điệu quay trên cọc, trên chảo nước sôi và múa được nhiều kỹ xảo khó. Có những sáng tạo mới lôi cuốn và chinh phục được nhiều người xem. Phần thưởng là vinh dự và lòng kiêu hãnh, vật chất chỉ là một bát rượu, một miếng thịt lợn.

 

Nhiều vùng như Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình), một số xã ở biên giới Việt - Trung, phụ nữ Mông cũng tham gia nhảy múa. Chị em thường múa xúng xính, múa khăn, múa ô... phối hợp với các điệu múa khèn của con trai.

 

Hội xuân là ngày hội văn hóa dân gian lớn nhất của người Mông cần được nghiên cứu, kế thừa, phát triển.

 

 

 

                                             NSUT: Bùi Chí Thanh

                                 (117, tổ 1, phường Chăm Mát, TPHB)

 

 

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục