Cổng thành phía Tây thành cổ vẫn còn khá nguyên vẹn

Cổng thành phía Tây thành cổ vẫn còn khá nguyên vẹn

(HBĐT) - Trải qua bao thay đổi của thời gian và mưa nắng, chiếc cổng thành với màu gạch đỏ au vẫn đứng sừng sừng, hiên ngang như bất chấp mưa dập, gió vùi. Những đoạn thành đá ong lẫn trong cỏ dại dù không còn nguyên vẹn cũng đủ nói lên một thành trì vững chãi nằm án ngữ bên quốc lộ 21. Ngôi thành cổ đang rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng để sớm có phương án bảo tồn nhằm giữ gìn một thành cổ vào loại độc nhất của tỉnh.

 

Trong tiết trời mưa bụi của những ngày đầu xuân, chúng tôi tìm về xã Cao Thắng  (Lương Sơn) để tìm hiểu về ngôi thành cổ.  Đồng chí Nguyễn Văn Tồ, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Ngôi thành có chu vi hình vuông rộng tới 40.000 m2. bốn mặt đều có hào nước lớn bao bọc. Chúng tôi ngạc nhiên khi đứng trước cổng thành phía tây tuyệt đẹp và vô cùng kiên cố. Cổng thành hình mái vòm có kích thước khá lớn với chiều ngang hơn 6m, chiều cao khoảng hơn 5 m. Những viên gạch xây cổng thành có màu đỏ, độ nhẵn khá cao do được nung kỹ,  vuông thành sắc cạnh, có kích thước 24x12x4 cm. Điều bí ẩn là trong khối gạch xây cổng ấy thi thoảng xuất hiện những viên gạch bát cùng độ dày nhưng kích thước mỗi chiều 24x24 cm. Ngay phía trong cổng thành vẫn còn những mộng đá khá lớn, dấu tích của cánh cửa gỗ to, nặng. Xung quanh thành vẫn còn hào nước rộng bao bọc. Mặt phía bắc của thành đắp dựa vào sông Huỳnh, còn ba mặt đều là hào nhân tạo. Toàn bộ tường thành xây bằng đá ong nhưng nay đã bị san lấp gần hết để lấy đất canh tác, chỉ còn vài đoạn thành ngắn khá nguyên vẹn ở gần cổng tây và cổng nam.

 

Theo đồng chí Nguyễn Văn Tồ, trước đây, trong thời kỳ chiến tranh, khu vực thành này nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của kho xăng dầu T8. Mãi đến những năm 80 mới được chuyển giao cho chính quyền xã. Vì chưa được xếp hạng hay khoanh vùng bảo vệ nên hiện đang cho thuê đất trong thành... Hiện toàn bộ hào nước quanh thành đã được cắt chia ra để nuôi cá. Dạo một vòng trong thành nội, rộng mỗi chiều chừng 200m, hầu như toàn bộ đất đai đã được khai thác trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ. Đoạn ở giữa được dùng làm vườn rau. Phần vòm của cổng thành nam đã bị phá bỏ thành biển hiệu quán đặc sản nhà vườn.

 

Để tìm hiểu hiện trạng của ngôi thành cổ, chúng tôi đã tìm gặp ông Trần Văn Sản, cán bộ coi kho của kho xăng dầu T8. ông Sản nhớ lại: Đơn vị ông được chuyển về khu vực thành cổ vào khoảng năm 1965. Khi đó, cổng thành phía tây, phía nam và hầu hết tường thành bằng đá ong đều còn khá nguyên vẹn. Cổng thành phía đông đã bị san phẳng từ lâu. Tuy nhiên, sau này khi chuyển giao cho chính quyền do không được quản lý, bảo vệ nên có một thời người dân cạy gạch ở tường thành về xây chuồng lợn, bó sân, bó nhà. Cũng theo ông Sản, trong thành cổ khi đó vẫn còn tồn tại dấu tích của 4 dãy nhà, trong đó có ba dãy nhà chạy song song theo hướng đông - tây, quay mặt phía nam, ngoại trừ phần nền móng vẫn còn những tảng đá xanh lớn kê cột và khá nhiều mảnh vỡ của gạch ngói. Nhưng sau bao nhiêu năm biến thành đất canh tác, toàn bộ dấu tích phía trong thành đã biến mất. Là một người từng công tác trong quân đội, ông Sản cho rằng, ngôi thành cổ được xây dựng ở một địa thế quan trọng, có thể xem như một căn cứ chiến lược quân sự, án ngữ con đường từ phía nam vào Hà Đông và Hà Nội.

 

Chính quyền xã Cao Thắng cho biết hầu hết nhân dân đều gọi đây là thành nhà Mạc nhưng hiện tại không còn lưu giữ được bất cứ tài liệu nào nói về ngôi thành cổ này, chính vì vậy, chúng tôi đã tìm gặp những nhân chứng sống ở xã. ông Nguyễn Đình Sán, ngoài 80 tuổi kể lại:  Đây không phải là thành nhà Mạc mà được xây dựng dưới thời vua Gia Long. Chuyện kể rằng, có một ông tướng thời Tây Sơn tên là Đinh Công Bản làm lãnh binh, người vùng này gọi là ông Lãnh, gốc ở xã Cao Phong, tỉnh Sơn Tây, sử cũ chép thuộc thôn ông Khuộn, xã Cao Đăng, huyện Chương Đức, phủ Hoài An. Sau khi Nguyễn ánh đánh dẹp nhà Tây Sơn, vợ chết, hai cha con lên một ngựa chạy về đây đổi từ họ Đinh ra họ Nguyễn, rồi chiêu tập quân lính, lập thành để bảo toàn lực lượng.

 

Từ những năm 1995, 1996, thành cổ tại Cao Thắng đã được các cán bộ Bảo tàng Tổng hợp Hòa Bình tiến hành điều tra, khảo sát, lập hồ sơ di tích. Bằng những thu thập từ nguồn tư liệu, các cán bộ bảo tàng khi đó đã cho rằng, đây là thành nhà Mạc. Năm 1998, UBND tỉnh đã ra Quyết định bảo vệ di tích số 17/198/QĐ–UB về việc bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Năm 2000, Bảo tàng tỉnh đã lập hồ sơ khoa học để trình Bộ VH-TT & DL xếp hạng di tích cấp quốc gia.

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Quản lý di tích, Bảo tàng tỉnh cho biết: Mặc dù  cán bộ của bảo tàng đã nhiều lần khảo sát, thu thập và đối chiếu tư liệu nhưng vẫn chưa có một tài liệu chính thức nào có đề cập đến ngôi thành cổ ở xã Cao Thắng. Vì vậy, chưa thể kết luận là thành nhà Mạc hay thuộc về một triều đại nào khác. Hiện nay, Bảo tàng đang đề xuất với các cơ quan cấp trên để có thể tiến hành khai quật khu vực này nhằm tìm kiếm những bằng chứng thuyết phục hơn. Trong thời gian chờ đợi,  những kết luật chính thức từ cơ quan chuyên môn, những giá trị về mặt kiến trúc của ngôi thành cổ ở Cao Thắng là không thể phủ nhận, do vậy, chính quyền xã cần có biện pháp bảo vệ nhằm giữ gìn một ngôi thành cổ duy nhất của tỉnh.

    

 

                                                                                Hoàng Toản (T.T.V)

Các tin khác


Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục