Một cây Phay cổ thụ vừa bị lâm tặc cưa đổ.

Một cây Phay cổ thụ vừa bị lâm tặc cưa đổ.

(HBĐT) - Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) nằm ở phía tây bắc của tỉnh, trên địa bàn 6 xã Pà Cò, Hang Kia, Tân Sơn, Cun Pheo, Piềng Vế và Bao La với tổng diện tích 5.258 ha, trên độ cao từ 800 - 1.500 m. Hiện nay, khu BTTN còn lưu giữ nhiều loại gỗ quý hiếm, đặc biệt là rừng nghiến quý hiếm hàng trăm năm tuổi. Tuy nhiên, rừng đang bị “sẻ thịt” từng ngày bởi chính những người dân nơi đây.

 

Đi vào “điểm nóng”

Để tận mắt chứng kiến cảnh rừng bị sẻ thịt, chúng tôi cùng anh Sùng A Ký, cán bộ Ban Quản lý khu BTTN Hang Kia - Pà Cò vào bản Thung Mặn và Thung ẳng, xã Hang Kia. Đây là “điểm  nóng” của nạn khai thác gỗ trái phép trong thời gian qua. Cả 2 bản đều nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn có nhiều cây gỗ nghiến lâu năm.

 

Con đường vào Thung Mặn, Thung ẳng  toàn đất đá, hoang vu và hiểm trở. Từ QL6 phải mất hơn một giờ đồng hồ vật lộn với con đường chỉ hơn chục km mới đến được điểm nóng này.

 

       

               Gỗ đá sẻ nằm ngổn ngang trong cánh rừng.

 

Trên đường đi, thỉnh thoảng anh Ký dừng lại chỉ cho chúng tôi xem những cây gỗ nghiến, trai bị lâm tặc đốn hạ. Rất nhiều khúc gỗ đã được xẻ vuông vắn chưa mang đi, có những thân cây to 2 người ôm không hết cũng bị cắt đổ. Anh Ký cho biết. tình hình khai thác gỗ vẫn diễn ra phức tạp, đặc biệt là tình trạng khai thác gỗ nghiến, gỗ trai, làm suy giảm nghiêm trọng nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm trong khu bảo tồn.

 

Người dân và lâm tặc chỉ khai thác gỗ vào ban đêm, bắt đầu từ 6 giờ tối đến 3 giờ sáng hôm sau. Sau  đó, vận chuyển qua bản Táu Nà của xã Cun Pheo theo đường mòn vắt qua núi. Tới đó, họ chở gỗ về bán cho các xưởng cưa xẻ hay chở về xuôi, bất chấp con đường ra khỏi huyện có nhiều điểm chốt chặn của lực lượng kiểm lâm và công an.

 

Nguyên nhân do đâu?

 

Anh Ký cho biết:  Người dân và lâm tặc đua nhau khai thác gỗ; họ được “bảo hộ” bởi tờ đơn xin khai thác gỗ làm nhà. Cả hai bản Thung Mặn và Thung ẳng có tổng cộng hơn 260 hộ dân, mỗi năm có đến cả chục hộ dân xin khai thác gỗ làm nhà và để được khai thác họ phải làm đơn có xác nhận của trưởng bản, UBND xã. Lợi dụng việc này, lâm tặc đã triệt hạ cây rừng, họ lấy cớ giúp gia chủ nhưng thực chất là xẻ gỗ để mang bán kiếm lợi. Hiện nay, giá trị của gỗ nghiến khá lớn nên bọn lâm tặc trở nên liều lĩnh,  hung hãn. Để có thể khai thác, chúng trang bị từ cưa máy đến cả “hàng nóng” để chống lại những người giữ rừng. Nhiều lần, lực lượng kiểm lâm phát hiện, đến ngăn chặn liền bị chúng tấn công lại, mặc dù chưa có ai bị thương tích nhưng mức độ nguy hiểm luôn tiềm ẩn. Cụ thể vào tháng 4/2010, khi lực lượng kiểm lâm tới tịch thu số gỗ vi phạm đã bị đối tượng khai thác gỗ Khà A Chồng dùng các đoạn sắt ngắn ném và cắm chông khiến xe của các anh bị thủng săm phải quay về. Còn ông Khà A Váo, Trưởng bản Thung Mặn cho biết: Trong bản có một số đối tượng làm liều, khai thác nhưng không khai báo với chính quyền nên không thể kiểm soát được, có những trường hợp khi đã cưa đổ cây rồi mới đến khai báo. ông kể: Nửa đêm đang ngủ, bỗng nghe tiếng cây đổ ở rừng. Khi ông cùng mọi người chạy ra chỉ còn lại cây nằm trơ, người chẳng thấy đâu. Đến 2 ngày hôm sau mới có đối tượng là Hờ A Vàng đến khai báo là đã  cưa cây với lý do  để làm áo quan cho bố mẹ. Cũng theo ông Váo, tình trạng khai thác gỗ đã diễn ra từ tháng 8/2009 và thời điểm lâm tặc khai thác mạnh nhất là vào tháng 7/2010.

 

Một số người dân cho rằng,  khi được xác nhận của UBND xã, họ có thể khai thác bất kỳ cây gỗ nào thay vì phải được kiểm lâm địa bàn chỉ cho họ những cây được khai thác. Anh Ký cho biết thêm, để làm được ngôi nhà sàn gỗ 3 gian phải cần tới 10 m3 gỗ, vì vậy nếu không phát hiện, xử lý kịp thời, chỉ cần trong 5 ngày là người dân có thể khai thác đủ số gỗ họ cần, bởi họ có sự “trợ giúp” đắc lực của cưa xăng.

 

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

 

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu, trong năm 2010, đã phát hiện 67 vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn huyện. Trong đó có 16 vụ khai thác rừng trái phép, 38 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, 11 vụ chế biến, cất giữ trái phép lâm sản; thu hồi hơn 53, 059 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại. Anh Ký cho biết, tại khu BTTN Hang Kia - Pà Cò, trong năm 2010, các anh đã phát hiện, xử lý 12 vụ vận chuyển lâm sản trái phép.  Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2011 đã thu giữ được hơn 2 m3 gỗ các loại. Ngày 7/3/2011, lực lượng kiểm lâm đã thu giữ được 12 thanh gỗ nghiến và xe máy  của lâm tặc. Thời điểm lâm tặc khai thác mạnh nhất vào tháng 7/2010, chỉ trong một đêm, từ 6 giờ tối đến 3 giờ sáng đã có 10 cây gỗ nghiến quý bị cưa đổ.

 

Trao đổi về thực trạng khai thác rừng trái phép, ông Hà Công Khuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu xác nhận: Đúng là có tình trạng người dân khai thác rừng trái phép. Tuy nhiên, khai thác với diện tích bao nhiêu, không thể thống kê được vì người dân chỉ khai thác chọn lọc những cây gỗ quý, có giá trị, không triệt hạ rừng ào ạt, điều này cũng gây không ít khó khăn cho kiểm tra, quản lý. Để tăng cường công tác kiểm tra, quản lý rừng, các bản cũng đã thành lập Đội bảo vệ rừng do trưởng bản làm đội trưởng. Tuy nhiên, trong cuộc chiến không cân sức “lực bất tòng tâm” với 5 người trong đội bảo vệ, không phương tiện và không chức năng, trong khi rừng rộng lớn, lâm tặc hoạt động tinh vi nên họ đành bó tay. Việc duy nhất họ có thể làm là phát hiện và báo lại với cơ quan chức năng. Nhưng đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, khi lực lượng đến nơi, mọi thứ lại yên ắng  như chưa có chuyện gì xảy ra và khi lực lượng kiểm lâm rút đi, rừng lại bị phá.

 

Theo ông Hà Công Khuyên, để ngăn chặn tình trạng phá rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, ngoài lực lượng kiểm lâm là nòng cốt cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành cùng hệ thống chính trị ở cơ sở.

 

 

                                                                               Thanh Tuyền

 

 

Các tin khác


Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục