(HBĐT) - Lương Sơn là huyện cửa ngõ, vùng động lực kinh tế của tỉnh. Những năm gần đây, các dự án đầu tư vào huyện ngày càng tăng. Trên địa bàn có một số tài nguyên khoáng sản. Đó là những thuận lợi để thúc đẩy KT-XH của huyện phát triển nhưng cũng nảy sinh “bài toán” về bảo vệ môi trường. Trước tình hình đó, ngày 26/6/2012, BTV Huyện ủy Lương Sơn đã ban hành Chỉ thị số 11 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác tài nguyên, môi trường.

 

Đồng chí Bùi Văn Dậu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy cho biết: Sau khi Chỉ thị ban hành, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện. MTTQ và các phòng, ban, ngành, đoàn thể đều triển khai kế hoạch và tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân. Thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát và thanh - kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, xử lý các trường hợp vi phạm, giải quyết đơn thư, kiến nghị của công dân. Đảng ủy các xã, thị trấn, các cơ quan, doanh nghiệp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác môi trường. Huyện xây dựng kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030. Ban hành văn bản về việc chấm dứt hoạt động đốt gạch lò thủ công, lò cải tiến trên địa bàn. Tổ chức ký xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường cho 74 dự án. Tích cực thực hiện chương trình nông thôn mới, hỗ trợ các xã về đích xây dựng điểm thu gom rác thải và thùng rác. 

 

 

Nhà máy xử lý nước thải công nghiệp tại KCN Lương Sơn được đầu tư gần 30 tỷ đồng đi vào hoạt động góp phần bảo vệ môi trường bền vững cho huyện Lương Sơn.

 

Hiện nay, huyện quản lý 65 mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác. Trong đó, 63 mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 1 mỏ đá sét, 1 mỏ vàng. Về hiện trạng, 28 mỏ đang hoạt động; 6 doanh nghiệp bị tước quyền khai thác và chấm dứt hoạt động đầu tư; 19 doanh nghiệp bị tước giấy phép khai thác; 4 doanh nghiệp bị chấm dứt hoạt động đầu tư; 3 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép; 5 mỏ chưa triển khai dự án. 90% dự án triển khai thực hiện đúng quy định, khai thác đúng ranh giới, phương án hoạt động được phê duyệt. Huyện đã xây dựng phương án kiểm tra, xử lý các điểm hoạt động khai thác vàng trái phép. Qua kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất phát hiện 25 trường hợp vi phạm, xử phạt 252 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước.

 

Nhìn lại 4 năm thực hiện Chỉ thị, đồng chí Hoàng Đức Minh, Phó Bí thư TT Huyện ủy đánh giá: Chỉ thị ban hành kịp thời, phù hợp với thực tế. Nhận thức của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhân dân về bảo vệ môi trường được nâng lên. Công tác quản lý tài nguyên, môi trường chuyển biến tích cực; giữ gìn và bảo vệ môi trường phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH nhanh và bền vững. Huyện ngăn chặn, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản, đất trái phép. Sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng còn gây ô nhiễm môi trường. Việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc. Công tác bảo vệ môi trường chưa được chú trọng; việc thực hiện giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường chưa được thực hiện đầy đủ. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản gây suy thoái môi trường, ô nhiễm không khí, nguồn nước. Chất thải nguy hại chưa được thu gom, lưu trữ đúng quy định. Vẫn xảy ra việc nổ mìn khai thác đá chấn động nhà ở khu vực xung quanh, bụi. Phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản chưa được phân bổ về các xã, thị trấn nơi có mỏ được khai thác theo quy định.

 

Tình trạng khoan giếng lấy nước ngầm không xin phép diễn ra khá phổ biến. Bảo vệ môi trường chưa trở thành ý thức, hành động, thói quen của một bộ phận người dân, doanh nghiệp. Nhận thức về biến đổi khí hậu và tác động của nó chưa đầy đủ...  

 

Vấn đề môi trường ở huyện Lương Sơn khá “nóng” khi thời gian gần đây xảy ra việc tập trung đông người để phản đối doanh nghiệp hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Đơn cử như việc hàng trăm người dân xã Thành Lập và một số địa phương lân cận của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tập trung trước cổng nhà máy xi măng Vĩnh Sơn phản đối việc xả thải gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất. Người dân xóm Rụt, xã Tân Vinh đổ đá, rào cổng Công ty TNHH THT... Hay người dân bức xúc vì ô nhiễm môi trường tại khu xử lý rác thải ở thị trấn Lương Sơn khi tiếp nhận rác từ TP Hòa Bình. Một số trại lợn quy mô hàng nghìn con/trại tại các xã Hợp Hòa, Cư Yên, Cao Thắng, Thành Lập gây ô nhiễm từng bị UBND huyện tạm đình chỉ hoạt động...

 

ông Nguyễn Đình Mạnh, Chủ tịch UBND xã Thành Lập cho biết: Trên địa bàn xã có gần 30 doanh nghiệp. Hoạt động khai thác đá và vận chuyển vật liệu xây dựng gây ô nhiễm, khói bụi, tiếng ồn. Chính quyền và nhân dân xã muốn doanh nghiệp chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, song, thẩm quyền có hạn. Việc tập trung đông người để phản đối ô nhiễm cũng là hành động bất đắc dĩ sau nhiều lần kiến nghị.

 

Để góp phần giải bài toán bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển, BTV Huyện ủy Lương Sơn chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11. Tăng cường tuyên truyền về bảo vệ môi trường đến doanh nghiệp, người dân. Yêu cầu các doanh nghiệp, hộ SX-KD thực hiện đúng đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Tăng cường thanh - kiểm tra, xử lý vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là các dự án khai thác khoáng sản, chăn nuôi tập trung... Kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác vàng sa khoáng, khai thác đất có sai phạm hoặc có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân.

 

Rõ ràng, huyện đã có những động thái tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường nhưng vẫn còn nhiều thách thức, nhất là trong thời gian tới khi tiếp tục có những dự án đầu tư vào huyện. Vì vậy, để phát triển bền vững, huyện mong muốn sự hỗ trợ, phối hợp từ tỉnh và các ngành chức năng.

 

                                                                                      Cẩm Lệ

Các tin khác


Vụ cháy rừng tại Yên Bái: Đốt cỏ ở bãi chăn thả gia súc làm cháy lan sang diện tích rừng

Đến 15 giờ 30 phút ngày 26/3, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xác định nguyên nhân và diện tích thiệt hại trong vụ cháy rừng xảy ra tại các bản Dào Cu Nha, Hú Trù Lình, xã Lao Chải.

Thời tiết ngày 25/3: Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Bộ, Trung Trung bộ và khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 36 độ C. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 45-50%.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình

Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thời tiết ngày 21/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/3, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; đêm và sáng trời rét.

Thời tiết ngày 20/3: Gió mạnh, sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/3, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 m.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục