(HBĐT) - Sau dịp Tết cổ truyền dân tộc Mông và Tết Nguyên đán, nhiều học sinh ở xã Hang Kia (Mai Châu) bỏ học. Nạn tảo hôn và tập tục bắt vợ dẫn đến tình trạng mù chữ, tái mù chữ khá cao của vùng đất có trên 95% là người dân tộc Mông. Trình độ văn hóa hạn chế là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo ở Hang Kia chiếm tới 51% và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại dai dẳng của các hủ tục lạc hậu, nghiêm trọng hơn là không ít người sa vào tệ nạn và tội phạm ma tuý.


Giao lưu văn nghệ là một trong những hình thức thu hút học viên tham gia lớp phổ cập giáo dục cho người lớn tuổi trên địa bàn xã Hang Kia (Mai Châu).

Trước thực trạng đó, những đảng viên và quần chúng ưu tú ở trường TH&THCS Hang Kia A, Hang Kia B đã đề xuất ý tưởng mở lớp phổ cập giáo dục cho người lớn tuổi trên địa bàn, được cấp uỷ, chính quyền xã, huyện cùng Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT tích cực ủng hộ, giúp đỡ.

Hiệu trưởng trường TH&THCS Hang Kia B Hà Thị Hằng chia sẻ: Nhiệm vụ đầu tiên chúng tôi tập trung triển khai là điều tra tình hình phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn. Qua đó cho thấy, tỷ lệ người dân không biết nói tiếng phổ thông trong xã chiếm tới 60%, đa số là phụ nữ. Sau Tết cổ truyền của dân tộc Mông, năm học 2017-2018 có tới 87/232 học sinh tiểu học bỏ học, chiếm 37,5% và 66/100 học sinh THCS bỏ học, chiếm 66%. Do nạn tảo hôn và phong tục bắt vợ của người Mông, phụ nữ 14 tuổi trở lên hiện sinh sống tại địa phương đa số từ các bản Lũng Xá, Tà Dê, Khem, Loóng Luông (Vân Hồ - Sơn La) về làm dâu nên tình trạng mù chữ, tái mù chữ chiếm tỷ lệ khá cao. Trên cơ sở đó, chúng tôi tham mưu Đảng uỷ, UBND xã thành lập Ban tuyên truyền, vận động học sinh, Ban phòng, chống mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội với sự tham gia của cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã, bí thư chi bộ, trưởng các thôn và Ban giám hiệu các trường. Bước tiếp theo, nhà trường cùng cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể tổ chức họp dân tại các thôn, bản để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kết hợp với tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập đối với sản xuất và đời sống. Quá trình tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, chúng tôi nhận thấy chị em không biết chữ, không biết nói tiếng phổ thông chiếm tỷ lệ cao và xác định đây là đối tượng chính giúp nhà trường thuận lợi trong việc vận động và duy trì sỹ số học viên.

Chị Lê Thị Hoà, giáo viên trường TH&THCS Hang Kia A tâm sự: Có những bản như Pà Khôm cách trung tâm xã trên 10km, đường xá đi lại khó khăn, dân cư phân bố thưa thớt, các hộ dân chủ yếu đi làm nương xa nhà hàng chục km. Với lòng yêu nghề, yêu trường lớp, trăn trở với những khó khăn, thiệt thòi của người dân, nhất là chị em phụ nữ, bởi trong thực tế, nhiều chị em đã học xong chương trình tiểu học nhưng sớm xây dựng gia đình, không có cơ hội tiếp xúc với sách vở nên tái mù. Có học viên chưa bao giờ đi học nên mù chữ hoàn toàn. Nhiều học viên không nói được tiếng Việt nên ngại giao tiếp, thậm chí ban đầu không hợp tác. Vì vậy, chúng tôi đã đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động. Đồng thời tính toán giờ giấc, phương pháp giảng dạy, học tập phù hợp với điều kiện của giáo viên, học sinh. Theo đó, nhà trường thống nhất giáo viên dành thời gian nghỉ hè để bám bản, bám trường mở lớp”.

Vẫn còn e dè khi chuyện trò, chị Khà Y Cá, ở bản Hang Kia 2 ngập ngừng: Được cô giáo vận động đi học, lúc đầu mình ngại lắm vì nghĩ đơn giản chỉ đi làm nương, chăm con, nuôi con lợn, con gà cần gì phải biết chữ, cần gì phải biết tiếng Việt. Theo học rồi mới thấy nhiều cái lợi, mới thấy bớt thiệt thòi. Đơn giản nhất là mọi người đều mạnh dạn hơn trong giao tiếp, biết đi chợ, mua bán, tính toán bằng tiếng Việt, biết đọc các thông tin, thông báo của xã, của bản và nhiều vấn đề khác gắn liền với sản xuất, đời sống của mọi người, mọi nhà.

Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, bằng nguồn vốn xã hội hóa, cấp uỷ, chính quyền xã, Phòng GD&ĐT, Ban giám hiệu nhà trường đã khoan giếng cung cấp nước cho giáo viên, học sinh và các hộ dân khu vực lân cận để đảm bảo điều kiện tối thiểu mở lớp tạo động lực cho giáo viên yên tâm đứng lớp, nhân dân tích cực tham gia học tập. Đồng thời, mua bổ sung tài liệu cho các lớp và photo tài liệu cho học viên, tặng 60 suất quà cho học viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp khai giảng và tổ chức liên hoan gặp mặt giữa lãnh đạo địa phương, các thầy, cô giáo và học viên 2 trường, tạo sự gắn kết và niềm tin để duy trì lớp học. Nghiên cứu xây dựng chương trình học phù hợp với nhiều đối tượng.

Phó Hiệu trưởng trường TH&THCS Hang Kia A Ngần Thị Lâm cho biết: Trên cơ sở chương trình dạy học phổ cập của Bộ GD&ĐT, nhà trường đã nghiên cứu, điều chỉnh, sắp xếp chương trình cho phù hợp với nhiều đối tượng, nhiều trình độ học viên. Chương trình giảng dạy tập trung vào 2 môn tiếng Việt, Toán và các kỹ năng giao tiếp. Tập trung dạy tiếng Việt trước, sau khi khả năng đọc, viết của học viên đạt trình độ cơ bản mới dạy đến tính toán. Hàng tháng, Sở GD&ĐT cử cán bộ Phòng Giáo dục tiểu học, Giáo dục thường xuyên - Giáo dục chuyên nghiệp lên kiểm tra và tư vấn chuyên môn tại trường. Trước đó, giáo viên 2 trường được tập huấn tại Phòng GD&ĐT, dự trực tiếp hoạt động thực hành trên lớp để trao đổi, chia sẻ và điều chỉnh ngay trên bài học cụ thể.

Phổ cập giáo dục cho người lớn tuổi ở Hang Kia quả là những lớp học đặc biệt, vì học sinh có độ tuổi từ 15 đến 40 và được tổ chức vào buổi tối để học viên có điều kiện chăm sóc gia đình và làm nương rẫy. Ngoài giờ học trên lớp, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu thể thao, văn nghệ.

Không chỉ gần gũi, gắn bó với học viên trong giờ học trên lớp, đội ngũ giáo viên ở Hang Kia còn chủ động tiếp cận người dân, giúp họ bằng những việc làm nhỏ nhất để mọi người thấy rõ hiệu quả thiết thực của học chữ. Chị Đỗ Thị Ngọc Ngà, giáo viên trường TH&THCS Hang Kia B cho biết: Nghe tin dưới bản có gia cầm mắc bệnh, chúng tôi đã mua thuốc phòng, chống dịch bệnh đến đúng gia đình đối tượng không biết chữ đề nghị chị em đọc và pha thuốc trị bệnh cho gia cầm theo hướng dẫn trên bao bì. Chị em không biết đọc nên loay hoay, lúng túng. Nhân dịp này, chúng tôi phân tích, tuyên truyền cho mọi người tầm quan trọng của việc học chữ, hiểu được vấn đề chị em rủ nhau đi học rất đều đặn và nghiêm túc.

Chị Giàng Thị Dua, ở bản Thung Mặn phấn khởi cho biết: Lúc chưa đi học mình có điện thoại nhưng không biết lưu danh bạ, không biết nhắn tin. Có phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc phòng, chống dịch bệnh cho trâu, bò, lợn, gà nhưng không biết chữ nên không biết sử dụng... Bây giờ được đi học, đã đọc thông, viết thạo thì việc gì cũng làm được.

Sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền cùng tinh thần tận tâm, tận tuỵ, sáng tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên và giáo viên đã giúp đồng bào Mông ở Hang Kia "sáng mắt, sáng lòng” nhờ cái chữ của Đảng. Năm học 2018-2019, toàn xã huy động và duy trì được 168 học viên ra lớp. Trong đó, trường TH&THCS Hang Kia A có 92 học viên, trường TH&THCS Hàng Kia B có 76 học viên. Bí thư Đảng uỷ xã Hang Kia Khà A Lau đánh giá: Mặc dù độ tuổi không đồng đều và còn bị chi phối bởi công việc gia đình, khi mới mở lớp, nhiều người lần đầu cầm bút tay còn cứng, nét chữ chưa rõ ràng, nhưng các học viên đều tích cực, tự giác, chăm chỉ học tập. Dù mới là bước đầu, nhưng kết quả đó đã góp phần giúp học viên nâng cao khả năng lao động, sản xuất, tự tin hơn trong cuộc sống, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp cho cấp uỷ, chính quyền thuận lợi trong việc thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo ANTT trên địa bàn.

                                                                                             Đức Phượng

Các tin khác


Huyện Mai Châu: Lan tỏa phong trào thi đua quyết thắng

(HBĐT) - Những năm qua, phong trào thi đua quyết thắng được cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Mai Châu tích cực thực hiện, đi vào nền nếp, tạo nhiều chuyển biến tích cực, lan tỏa sâu rộng trong trong toàn LLVT huyện, góp phần củng cố vững chắc khu vực phòng thủ và đảm bảo an sinh xã hội.

Huyện Mai Châu: Lan tỏa khát vọng khởi nghiệp trong thanh niên

(HBĐT) - Phát huy lợi thế về nông nghiệp, du lịch, những năm qua, nhiều đoàn viên, thanh niên huyện Mai Châu nỗ lực vượt khó khởi nghiệp, mạnh dạn xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao. Từ đó, lan tỏa đam mê, khát vọng khởi nghiệp trong thanh niên.

Huyện Mai Châu: Phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi

(HBĐT) - Nhờ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Mai Châu có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế để vượt lên đói nghèo, góp phần đẩy nhanh Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Hoạt động thanh niên tình nguyện hướng về cơ sở

(HBĐT) - Đoàn Thanh niên Công an huyện Mai Châu vừa phối hợp với tuổi trẻ Phòng Cảnh sát QLHC về TTATXH (Công an tỉnh) và Đoàn Thanh niên thị trấn Mai Châu tổ chức hoạt động tình nguyện hướng về cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chiến dịch cấp căn cước công dân (CCCD) tại địa bàn thị trấn Mai Châu.

Xã Vạn Mai: Tích cực đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

(HBĐT) - "Triển khai chương trình hành động, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống để tạo những chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn là điều cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm sau mỗi kỳ đại hội. Tại Đảng bộ xã Vạn Mai (Mai Châu), sau khi tổ chức thành công đại hội Đảng 2 cấp, cấp ủy các chi bộ trực thuộc đã khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều phần việc để cụ thể hóa nghị quyết, hướng đến triển khai các chỉ tiêu đề ra ngay từ đầu nhiệm kỳ” - đồng chí Hà Thị Viễn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết.

Huyện Mai Châu: Đổi thay từ thực hiện chính sách dân tộc

(HBĐT) - Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), huyện Mai Châu đã thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển KT-XH, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, tạo nguồn lực giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục