(HBĐT) - Chợ phiên lòng hồ sông Đà không chỉ là nơi giao thương, buôn bán các mặt hàng giữa miền xuôi và miền ngược mà còn là nơi giao lưu văn hóa tinh thần đậm chất vùng sông nước. Đến chợ để mua một chút thuốc lào, một chút muối, mắm và còn trao gửi thương yêu, nhớ nhung.


Do đặc thù địa hình nên đến các thôn, bản ven hồ sông Đà bằng đường thủy thuận lợi hơn đường bộ, do vậy, dọc hồ sông Đà có nhiều chợ nổi. Hầu như xã nào cũng có một điểm chợ là các bến nước, bến thuyền, nơi các tàu, thuyền chở hàng từ xuôi lên. Đây cũng là nơi bà con bán những sản vật của đồng bào như con gà, bó măng, buồng chuối, quả đủ đủ, củ sắn, củ dong trồng được, ít rau rừng, các loại cá trên lòng hồ. Cách một đoạn sông khoảng 1 - 2 xã thì có một chợ và các chợ thường tổ chức so le các ngày trong tháng. Chợ phiên của xã Tiền Phong, trên đường thôn Oi Nọi, sát bờ sông cứ một tháng họp ba lần, thường thì vào các ngày 10, 20, 30. Chợ phiên Tra Ang, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) họp vào ngày 5, 15, 25. Chợ phiên Hang Miếng ở xã Quang Minh, Vân Hồ (Sơn La) giáp ranh các xã Suối Nánh, Đồng Nghê ( Đà Bắc) mở vào các ngày 1,2 - 11,12 - 21,22…


Chợ phiên là một nét đặc sắc rất riêng của lòng hồ Hòa Bình. Ảnh: Chợ phiên họp tại khu vực xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc.

 

Chợ là những bãi đất rộng sát hồ hoặc có thể là nơi các thuyền tề tựu, cạnh bến sông. Người ta bắc một chiếc cầu nhỏ để mọi người lên thuyền xem, mua hàng. Những ngày có chợ luôn đông vui, nhộn nhịp, người mua, người bán, trên bến, dưới thuyền tấp nập. Các mặt hàng ở chợ phiên trên hồ khá phong phú, đa dạng. Thương lái đến từ khắp các tỉnh, trong đó nhiều nhất là các thương lái Phú Thọ, Sơn La, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Phòng, Nam Định. Thương lái mỗi tỉnh có những mặt hàng, sản phẩm đặc trưng riêng, trong đó các thương lái miền núi như Sơn La, Hòa Bình chủ yếu là hàng thổ cẩm, thịt, cá, hàng nông, lâm sản. Hải Phòng, Bắc Ninh, Phú Thọ, Nam Định chủ yếu là các mặt hàng khô, quần áo, giày dép, đồ điện tử.

Chợ phiên họp ven hồ hội tụ đủ loại sản phẩm của bà con, từ mớ rau, con cá đến các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất… Những ngày có chợ phiên, người dân háo hức, thường dậy từ rất sớm, có khi từ 3-4 giờ để đến chợ vào khoảng 7 giờ sáng. Có người đi bằng xe máy, có người đi bộ, họ chở, gùi ngô, sắn, măng rừng, các loại vật nuôi... để bán và mua lại những mặt hàng cần thiết như gạo, mắm, muối, mì tôm, quần áo, giày dép, dầu gội, thuốc tây từ các tàu, thuyền chợ lên mạn ngược và xuống xuôi.

 

Chợ phiên không chỉ là nơi giao thương mua, bán các mặt hàng, sản phẩm giữa thương lái và người dân mà còn là nơi giao lưu, chia sẻ tâm tư, tình cảm, trao gửi những giá trị văn hóa đặc sắc của bà con vùng hồ sông Đà. Đến với phiên chợ, người dân được hòa mình trong khí sôi động, ồn ào, tìm kiếm những câu chuyện với mọi người.

Tham dự những phiên chợ bên các xóm, bản vùng hồ sông Đà giữa mênh mông sông nước huyền ảo, mộng mơ, tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt văn hóa của người dân vùng hồ sông Đà từ lâu nay đã mang lại cảm nhận thi vị trong hành trình trải nghiệm khám phá hồ Hòa Bình của biết bao du khách muôn nơi.


Lê Chung


Các tin khác


Sức sống trên dòng Đà Giang

Bài 1 - Chuyển giao sứ mệnh

(HBĐT) - Đà Giang - sông Đà vốn hoang sơ, hùng vĩ và nổi tiếng với những dòng thác oai linh. Từ khi có bàn tay, khối óc của con người đắp đập, ngăn sông, trị thủy để tích nguồn điện sáng, dòng sông Đà không còn hung dữ. Nhưng, dòng Đà Giang vẫn chảy, bồi lấp những vạt phù sa màu mỡ với nhiều nguồn sống sinh sôi.     

Đá Bia - một ngày không... wifi

(HBĐT) - Đá Bia (nay là xóm Đức Phong) - điểm du lịch cộng đồng thuộc xã Tiền Phong (Đà Bắc) không chỉ có núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình, con người thân thiện, hiền hòa mà còn có điều đặc biệt, giờ không ở mấy đâu có...

Lưu giữ miền ký ức thác Bờ - phố Bờ xưa

(HBĐT) -Nhà văn Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh, người nặng lòng với quá khứ, có mặt tại chợ Bờ từ những năm 70 của thế kỷ trước, chứng kiến trọn vẹn công cuộc di dân, chuyển huyện khỏi vùng ngập để phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ông luôn đau đáu hoài niệm về sông Đà, phố Bờ xưa. Sau nhiều năm dày công sưu tầm, ông vừa xuất bản tập sách ảnh "Bờ xưa" với 100 trang và hơn 70 bức ảnh thác Bờ, chợ Bờ, phố Bờ thời chưa đắp đập thủy điện Hòa Bình. Cuốn sách giữ lại những bức ảnh, tư liệu quý cho các thế hệ độc giả về những kỷ niệm, ký ức nay đã chìm sâu dưới đáy hồ sông Đà, nối dài quá khứ với hiện tại và tương lai.

Mở rộng những cung đường đến với khu du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Được ví như một vịnh Hạ Long thu nhỏ, có điểm nhấn là quần thể di tích tâm linh Thác Bờ, từ nhiều năm qua, hồ Hòa Bình đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách. Thực hiện Quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 1/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030, tháng 6/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia. Từ đây, công tác đầu tư, tôn tạo di tích, phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm nhiều hơn, góp phần mở rộng những cung đường đến với khu du lịch hồ Hòa Bình.

Đánh thức những "Nàng công chúa ngủ quên" ven hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, cảnh quan nguyên sơ, hồ Hòa Bình được ví như "Vịnh Hạ Long trên núi”. Ven hồ Hòa Bình có những xóm, bản như những "nàng công chúa ngủ quên" nằm ẩn mình nơi sông nước mênh mang, núi rừng huyền bí. Mỗi nàng công chúa mang một vẻ đẹp riêng. Sau giấc ngủ dài, bản Ngòi, xã Ngòi Hoa - nay là xã Suối Hoa (Tân Lạc), xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc) hay xóm Đá Bia - nay là xóm Đức Phong và xóm Mó Hẻm - nay là xóm Đoàn Kết (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc)... được đánh thức trước sự ghé thăm của du khách trong và ngoài nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục