Vinashin tin rằng sẽ lấy lại thăng bằng sau 3 năm

Vinashin tin rằng sẽ lấy lại thăng bằng sau 3 năm

Không những phải chuyển giao hàng loạt các dự án sang Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tổng công ty Hàng hải (Vinalines), Vinashin còn dự định bán tất cả những dự án hết vốn để trả nợ, tái đầu tư, bán tàu thu lãi, tiếp tục trả nợ...

Sau cuộc đại phẫu ấy, con tàu Vinashin sẽ đi tới đâu? TGĐ Vinashin Trần Quang Vũ khẳng định, Vinashin sẽ trở lại thăng bằng sau 3 năm, lấy lại hình ảnh, thương hiệu sau thêm 2 năm nữa (!)

Chưa mất khả năng trả nợ?

Theo ông Vũ, để làm được điều này, Vinashin phải rà soát, cắt giảm tất cả các dự án, doanh nghiệp (DN) trực thuộc không hiệu quả. Ngay cả khu nghỉ dưỡng tại Tam Đảo cũng đang được rao bán với giá 350 tỉ đồng để trả nợ, tập trung vào ngành nghề chính là đóng tàu và công nghiệp tàu thủy.

Ông Vũ cho biết, việc chuyển giao 13 dự án sang Vinalines và PVN sẽ giúp Vinashin giảm bớt khoảng 20.000 tỉ đồng tiền nợ. Số trái phiếu 1 tỉ USD phát hành ra quốc tế, cùng hơn 50% số vốn vay từ các ngân hàng (NH) thương mại (tương đương hơn 20.000 tỉ đồng) có thể được Nhà nước khoanh nợ. Số còn lại khoảng gần 20.000 tỉ đồng nợ vay các NH thương mại cổ phần là khoản tiền mà Vinashin phải trả sớm nếu không muốn bị “siết” bất cứ lúc nào. Trong đó, đặc biệt là hơn chục nghìn tỉ đồng các khoản vay đã đến hạn và quá hạn.

Ông Vũ cho rằng, Vinashin hoàn toàn chưa mất khả năng trả nợ. Số nợ trên của Vinashin không mất đi mà đang “ăn” vào tài sản: những con tàu dang dở trị giá 1 tỉ USD, bất động sản, nhà máy, công xưởng... Ông Vũ kỳ vọng, nếu thị trường thuận lợi, nhu cầu vận tải thế giới phục hồi Vinashin sẽ “sống dậy” (có nghĩa ông cũng đồng thuận là Vinashin đã chết). Khi đó hợp đồng đóng tàu sẽ về với khoản lãi vài triệu USD nếu mỗi con tàu đóng đúng tiến độ. Cho nên dù phải bán nhiều dự án, nhưng Vinashin vẫn còn những dự án chủ lực đóng tàu lớn như Bạch Đằng, Hạ Long, Nam Triệu, Phà Rừng.

Người nhận chuyển giao rất lo

Theo các chuyên gia kinh tế, còn quá sớm để dự báo về “sức khỏe” của Vinashin sau cuộc đại phẫu xẻ làm 3. Nhưng “mất tay trái thì được, còn mất đi tay phải chắc chắn sẽ rất khó khăn. Nếu Vinashin muốn tiếp tục làm công nghiệp tàu thủy, tại sao lại phải chuyển giao các dự án đóng tàu quan trọng như vậy sang PVN, Vinalines”, ông Lê Đăng Doanh đặt dấu hỏi. Còn theo TS Nguyễn Quang A, Chính phủ cử người vào ban kiểm soát, ban quản trị của các DN nhà nước, nên cứ đúng luật mà làm, DN lỗ thì phải thay lãnh đạo, vỡ nợ phải cho phá sản.

Cả hai DN nhận chuyển giao (Vinalines và PVN) các dự án và DN “con” của Vinashin đều tỏ ra lo ngại trước các khoản nợ sẽ được “gán” sang cho mình.

Phó tổng giám đốc Vinalines Trần Hữu Chiểu cho hay: “Thủ tướng quyết định rồi thì phải nhận thôi. Hiện Vinalines vẫn đang nhận chuyển giao, mà chưa biết được số nợ từ các DN con của Vinashin nhiều hay ít. Chúng tôi có nghe thông tin các DN đó nợ, nhưng nợ ai, nợ như thế nào vẫn đang phải đợi báo cáo từ bên kia mới biết được”.

Trả lời câu hỏi nếu khoản nợ quá lớn, Vinalines có kiến nghị Chính phủ để Vinashin gánh nợ hay Vinalines sẽ hợp tác trả nợ, ông Chiểu nói: “Trước mắt vẫn nhận nguyên đai, sau đó mời kiểm toán độc lập đánh giá. Phải rõ ràng khoản nợ, trách nhiệm trả nợ của ai, chứ không thể đổ đồng trách nhiệm được”.

Theo lãnh đạo của Vinalines, khi chuyển giao Chính phủ có đề nghị nghiên cứu thực hiện tiếp các dự án còn dang dở của Vinashin, tuy nhiên mục tiêu của hai bên khi thực hiện dự án là khác nhau, nên phải nghiên cứu xem có phù hợp với mục tiêu phía Vinalines hay không mới làm tiếp.

Tái cơ cấu chỉ là một phần

Nhận định về khả năng trả nợ của Vinashin và “hình hài” của con tàu này sau tái cơ cấu, bà  Phan Thị Hòa, Trưởng ban Kiểm soát PVN cho rằng, Vinashin đi tới đâu, có thể trả nợ hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố, tái cơ cấu chỉ là một phần. Điều quan trọng là tái cơ cấu xong phải kinh doanh với các phương án, chiến lược rõ ràng, khả thi. “Nếu không dự báo đúng thị trường, không có những hợp đồng đóng tàu, Vinashin sẽ rất dễ tiếp tục bị chìm. Vì tiền nhà nước bơm thêm vào là tiền để đầu tư, trong khi muốn trả nợ phải có lãi. Thị trường 3 năm tới thế nào, đã đánh giá đúng và hợp lý chưa mà có thể khẳng định trả nợ và lấy lại được hình ảnh”, bà Hòa nêu vấn đề.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng việc tái cơ cấu chỉ là để cứu Vinashin thoát khỏi sự phá sản, vì một tập đoàn đã phải bán cả ngành nghề chính của mình để gán nợ, trả nợ thì nguy cơ phá sản là rất lớn. Đồng quan điểm này, theo TS Nguyễn Quang A, tái cơ cấu không chỉ là bán tài sản, giảm nợ, nó chỉ thực sự có hiệu quả khi có thay đổi về tổ chức, lãnh đạo, từ đó mới có sự minh bạch về chính sách mới, chiến lược, cung cách làm ăn mới.

                                                                             Theo Báo Thanhnien

Các tin khác


Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Giá vàng sáng 22/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng 22/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục