Tiền xu không chỉ bị "ruồng bỏ" trong trao đổi thương mại hằng ngày. Ngay cả trong các hoạt động quyên góp từ thiện, người nhận tiền cũng chẳng mấy mặn mà. Nguyên nhân tại sao ?

 

Theo khoản 4 Điều 3, Quyết định số 130 do Chính phủ ban hành ngày 30/6/2003, Nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi từ chối nhận, từ chối lưu hành đồng tiền do NHNN Việt Nam phát hành trên lãnh thổ Việt Nam. Có nghĩa, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong giao dịch có quyền trả tiền xu và nhận tiền xu. Cá nhân, tổ chức nào không thực hiện đúng là vi phạm…

Vào một tối đẹp trời cuối tuần, 4 chúng tôi rủ nhau đi xem phim tại rạp chiếu Megastar, Thùy Dương Plaza - một trong những trung tâm chiếu phim hiện đại nằm trên đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.

Háo hức xếp hàng, đến lượt, tôi đưa cho cô nhân viên bán vé 3 tờ polymer loại mệnh giá 100.000đ. Nở nụ cười rất xinh, cô gái trả lại tôi 1 tờ bạc 20.000đ và 8 đồng tiền xu mệnh giá 5.000đ. Rất lịch sự, tôi ngỏ ý được đổi lại số tiền xu ra tiền polymer nhưng chỉ nhận được một câu còn lịch sự hơn thế: "Dạ thưa anh, quầy vé chúng em… hết tiền polymer loại mệnh giá nhỏ rồi ạ".

Thôi thì đành vậy, tôi tự nhủ và quay sang quầy bên cạnh mua nước uống song lại một phen chưng hửng. Nhân viên tại đây xua tay rối rít, đẩy lại tôi đống tiền kim loại kèm một câu ráo hoảnh: "Quầy em không lấy tiền xu"(?!).

Câu chuyện trên chỉ là một trong vô vàn những chuyện bi hài xảy ra ở hầu khắp các điểm giao dịch hiện nay ở Hải Phòng. Tại các chợ truyền thống, quầy tạp hóa, quán ăn sáng… nhiều người bán hàng thẳng thừng từ chối tiền xu. Thi thoảng hoặc lắm, có một vài siêu thị trên địa bàn thành phố như Metro, BigC là còn kiên nhẫn nhận loại tiền này cho dù khi trả tiền thừa thì lại bị khách từ chối. Tiền xu không chỉ bị "ruồng bỏ" trong trao đổi thương mại hằng ngày. Ngay cả trong các hoạt động quyên góp từ thiện, người nhận tiền cũng chẳng mấy mặn mà.

Trước Tết Canh Dần, cháu Nguyễn Thái Sơn, con trai anh Quân ở đường Nguyễn Đức Cảnh đập con lợn đựng tiền tiết kiệm trong nhiều năm để ủng hộ người nghèo ăn Tết qua chương trình "Nối vòng tay lớn". Bố mẹ không có nhà, Sơn mang hơn 500.000 đồng tiền xu các loại ra mấy quán giải khát gần đó đổi nhưng không được. Cuối cùng cháu đành phải mếu máo chờ bố đi công tác về đổi cho… bố lấy tiền giấy. Nhiều giáo viên ở các trường tiểu học, trung học cơ sở cho hay, lượng tiền xu hiện nằm ở những con lợn tiết kiệm của trẻ em khá nhiều.

Tiền xu hiện rất khó lưu thông trên thị trường.

Câu hỏi đặt ra: Vì sao nhiều người thờ ơ với tiền xu? Có thể có mấy nguyên nhân. Nếu không có ví rất dễ bị rơi vì đồng xu khá nhỏ. Về mặt cảm quan, tiền xu hay bị mất màu và có đồng bị hoen gỉ. Ngoài ra còn có không ít trường hợp trẻ em nuốt tiền xu vào cổ họng gây nguy hiểm tới tính mạng, nên những ông bố, bà mẹ rất ngại trong trao đổi mua bán bằng tiền xu...

Chị Nguyễn Thị Thu Trang, đang công tác tại Vietcombank Hải Phòng cho rằng: Tiền xu bất tiện hơn tiền giấy vì nếu ra ngân hàng nộp 10 triệu đồng tiền xu mệnh giá 5.000 đồng, họ phải "cõng" 15,4kg (1 đồng nặng 7,70 gam) trong khi đó nếu 10 triệu tiền giấy thì nhẹ tênh.

Hiện tại, nhiều ngân hàng ở Hải Phòng có lượng tiền xu nằm trong kho khá lớn. Lý do, sau khi được ngân hàng thanh toán, khách hàng lại mang đến cửa nộp của chính ngân hàng để nạp vào tài khoản. Nộp lên thì không được chấp nhận vì Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải lưu thông tiền xu.

Được biết, từ 17/12/2003, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bắt đầu phát hành tiền xu có mệnh giá 5.000 đồng, 1.000 đồng và 200 đồng. Gần 4 tháng sau, 1/4/2004, xuất hiện tiền xu loại 2.000 đồng và 500 đồng. Đến nay, sau gần 7 năm lưu hành, số lượng tiền xu có tại nhiều điểm giao dịch, mua bán ở thành phố Hải Phòng chỉ đếm được trên... đầu ngón tay.

Đáng nói, sau khi phát hành, tiền xu từng được lớp trẻ đón nhận vì lạ, còn với lớp người lớn tuổi thì vui bởi họ lại thấy tiền xu sau nhiều năm vắng bóng. Tính đến tháng 5/2005, lượng tiền xu đưa vào lưu thông đã chiếm 1/4 tổng giá trị tiền lẻ đang lưu hành và để tiền xu được sử dụng rộng rãi hơn, cũng trong năm đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị Chính phủ giảm bớt in tiền giấy mệnh giá nhỏ.

Theo ý kiến của ông Trịnh Văn Phượng, ở phố Đà Nẵng, quận Ngô Quyền, Hải Phòng - một nhà sưu tầm tiền xu lâu năm: Việc phát hành tiền lẻ trong đó có tiền xu để thỏa mãn nhu cầu mua bán hằng ngày của người dân, doanh nghiệp trong nước là giải pháp ưu việt, không gì phải bàn cãi. Mặt khác, phát hành tiền xu là đòi hỏi tự thân của nền kinh tế.

Trước đó, bộ tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành ở miền Bắc (từ năm 1959-1975) trong thời kỳ đất nước bị chia cắt và tiền Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phát hành năm 1976 cũng đã có tiền xu. Đó là các đồng 1 xu, 2 xu và 5 xu được đúc bằng nhôm, có lỗ tròn ở chính tâm. Dù chia nhỏ mệnh giá đồng tiền đáp ứng cho nhu cầu mua bán hằng ngày nhưng thời kỳ này nạn thiếu tiền lẻ khá trầm trọng. Tuy nhiên do nhiều yếu tố, trong đó tỷ lệ lạm phát tăng hằng năm dẫn đến tiền xu vì có mệnh giá thấp đã bị loại bỏ một cách tự nhiên ra khỏi đời sống, chứ không phải vì không thuận tiện.

Ai cũng rõ, tiền xu được đúc bằng kim loại nên "tuổi thọ" dài hơn tiền giấy. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu tiền đúc bằng kim loại bình thường cũng có thể sử dụng được 20 năm, kim loại tốt hoặc hợp kim thì thời gian sử dụng có thể lên đến 40 năm.

Trong khi thời gian sử dụng tiền giấy ngắn hơn, ví dụ tiền giấy loại 1.000 đồng, 2.000 đồng, 500 đồng… nếu luân chuyển liên tục, cộng thêm văn hóa giữ tiền kém thì chỉ 8-12 tháng là nhàu nát. Ngay cả chất liệu polymer chúng ta đang dùng thì thời gian sử dụng tối đa cũng chỉ được 8 năm.

Ngoài ra, còn một ý nghĩa khác hầu như không ai nói đến, đó là giá trị văn hóa và tính giáo dục của tiền xu khi nó được khắc hình ảnh danh nhân, công trình lịch sử, văn hóa nổi tiếng. Ở các nước phát triển, tiền lẻ trong đó có tiền xu được phát hành phổ biến. Lý do là các giao dịch lớn không được phép sử dụng tiền mặt và tiền mặt dùng để thực hiện các giao dịch có giá trị không lớn.

Tất cả những ưu điểm, nhược điểm của tiền xu đã rõ. Trở lại câu chuyện buồn tiền xu bị chối từ trong các quan hệ giao dịch hiện nay ở Hải Phòng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, mới thấy tất cả đều xuất phát từ ý thức con người, đặc biệt là trách nhiệm của người quản lý chức năng


                                                                                     Theo CAND

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục