Không phải lần đầu quy hoạch mạng lưới đường bộ Hà Nội được đưa ra bàn bạc.
Theo sở GTVT Hà Nội, dự kiến nhu cầu vốn cho phát triển GTVT thủ đô giai đoạn 2011 - 2015 là xấp xỉ 260.000 tỷ đồng. 102.000 tỷ đồng từ nguồn vốn này sẽ “rót” cho các tuyến đường vành đai, trong khi các trục chính đô thị dự kiến ngốn 50.000 tỷ đồng.
Báo cáo phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội giai đoạn 2011-2015 do Sở GT - VT xây dựng được đưa ra thảo luận tại UBND thành phố chiều 19/4. Bản báo cáo này gây ấn tượng bởi danh mục và số vốn đầu tư “khủng”, 260.000 tỷ đồng cho giao thông thủ đô 5 năm tới.
Hoá giải tắc nội đô bằng đường vành đai
Trong kế hoạch đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ của Hà Nội 5 năm tới (2011-2015), thành phố đặt mục tiêu ưu tiên hoàn chỉnh các tuyến vành đai 2, vành đai 3 theo hướng một phần đi trên cao. Đặc biệt đoạn tuyến vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Nhật Tân sẽ được tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành nhằm tạo được tuyến vành đai hoàn chỉnh để điều tiết và hạn chế ùn tắc giao thông cho nội đô.
Các “trọng điểm” khác cũng được xem xét như triển khai đầu tư trước đoạn vành đai 4 từ Quốc lộ 32 - Quốc lộ 6, Quốc lộ 6 - Quốc lộ 1. Cải tạo, mở rộng các quốc lộ hướng tâm như Quốc lộ 1A cũ từ Văn Điển - Cầu Giẽ, Quốc lộ 6 từ Ba La - Xuân Mai, Quốc lộ 3 cũ… Một số trục đô thị quan trọng được xác định đầu tư: Ô Chợ Dừa - Voi phục, Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái (vành đai 1), hoàn thành tuyến Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng, tuyến Văn Cao - Hồ Tây, mở mới tuyến Tôn Thất Tùng - vành đai 3 - vành đai 3,5…
Một số nút giao thông quan trọng khác cũng được đầu tư như: nút giao đường vành đai 2 với Trần Duy Hưng, Láng Hạ, nút giao Cầu Chui, nút giao Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ, nút Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch…
Ông Lê Vinh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tỏ ra lo ngại vì triển vọng đặt ra cho 5 năm tới quá lớn. “Đưa ra danh mục đầu tư lớn như thế này mà không thực hiện được sẽ mâu thuẫn với thực tế hiện nay khi ta đang chủ trương đầu tư tập trung, tránh dàn trải” - ông Vinh phân tích.
Vị Phó Viện trưởng kiến nghị kế hoạch 5 năm chỉ nên tập trung làm cho xong hệ thống đường “khung” là 4 đường vành đai. Theo ông Vinh, đến 2015, chưa hi vọng giãn được dân theo định hướng của quy hoạch chung đến 2030. Mà hiện tại Hà Nội đang đặc biệt “tắc” ở khu vực nội thành, cần tập trung “gỡ” khu vực này bằng hệ thống đường “khung”. Ông Vinh nhấn mạnh, trước mắt, chỉ cần hoàn thành đường vành đai 1, sẽ “thông” được khu vực lõi.
5 lần ngân sách vẫn không đủ
Về hệ thống giao thông tĩnh, giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến sẽ phát triển diện tích các bến, bãi đỗ xe, phấn đấu tăng thêm 300 - 426 ha. Khoảng 40 bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe lắp ghép hoặc bãi đỗ xe ngầm trong khu vực nội đô sẽ được xây dựng.
5 năm tới, Hà Nội cũng phấn đấu nâng 65 tuyến xe buýt với sản lượng vận chuyển từ 422 triệu lượt khách năm 2011 lên 77 tuyến với sản lượng 777 triệu lượt năm 2015. Dự kiến lượng taxi tăng từ 14.000 xe, vận chuyển khoảng 42 triệu lượt khách/năm lên 20.000 xe với 70 triệu lượt khách/năm.
GĐ Sở GT-VT (đứng) báo cáo phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội đến 2015.
Đại diện Sở Xây dựng nhận định, bức tranh giao thông Hà Nội 5 năm tới vẫn khó hình dung khi nỗ lực giảm phương tiện cá nhân không hiệu quả. Giao thông công cộng hiện chỉ đáp ứng được 8 - 9% yêu cầu. Đường phố sẽ chưa thể “thông” nếu lúc nào cũng có hàng nghìn hàng vạn ô tô, xe máy cá nhân đang lưu thông.
“Gật đầu” với nhận định này, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cũng cho rằng “công sức làm đường bao nhiêu mà phương tiện không kiểm soát thì cũng bỏ sông bỏ biển”.
Báo cáo của Sở GT-VT cũng khiến nhiều đại biểu tham dự “choáng” vì con số nhu cầu vốn cho phát triển GTVT thủ đô giai đoạn này dự kiến cần xấp xỉ 260.000 tỷ đồng. Trong số này, vốn từ ngân sách TƯ là 12.000 tỷ đồng, ngân sách thành phố gần 54.000 tỷ đồng, vốn ODA gần 14.000 tỷ đồng và lớn nhất là vốn BT, BOT, PPP gần 180.000 tỷ đồng. Khoảng 40% nguồn vốn này “rót” cho các tuyến đường vành đai (102.000 tỷ đồng). Các trục chính đô thị cũng dự kiến ngốn 50.000 tỷ đồng.
Đại diện Sở Xây dựng đặt dấu hỏi về tính khả thi của kế hoạch. Theo đó, số vốn đầu tư lên tới gần 260.000 tỷ đồng là vượt cả mức tổng đầu tư toàn xã hội của Hà Nội trong 5 năm tới. “Kịch bản” phát triển giao thông thủ đô như vậy có thể “tràn” qua 2015, tới tận 2020 cũng chưa chắc xong.
Đại diện Sở xây dựng cũng tính toán, mỗi năm tăng đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có hạ tầng giao thông của Hà Nội hiện mới dao động trong mức 4000-5000 tỷ đồng. “Như vậy, 5 năm tới, có nhân 5 lần ngân sách cũng không đủ. Tốc độ tăng trưởng của thành phố, giỏi lắm cũng chưa được 100.000 tỷ đồng chứ đừng nói gì 260.000 tỷ đồng” - đại biểu cảnh báo.
Theo đại biểu, cần xem lại quan điểm đầu tư, phải xác định đâu là trọng tâm, là khâu đột phá và phải đưa được giải pháp để đảm bảo tính khả thi khi xây dựng kế hoạch.
Theo Dantri
(HBĐT) - Sáng 6/6, đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách (KT-NS) HĐND tỉnh giám sát trực tiếp đối với Sở TN&MT, Sở NN&PTNT việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết (NQ) của HĐND tỉnh từ năm 2019-2022 về: Phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng; về thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất (THĐ); về thông qua danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ). Dự, chỉ đạo buổi giám sát có đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch TT HĐND tỉnh. Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trưởng Ban KT-NS, Trưởng đoàn giám sát chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Để phát triển kinh tế rừng bền vững, huyện Đà Bắc đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, chuyển đổi tập quán sản xuất lâm nghiệp từ quảng canh sang thâm canh, tăng tỷ lệ trồng rừng gỗ lớn, phục vụ chế biến gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Đồng hành với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước qua nhiều thời kỳ, kinh tế tư nhân đã phát triển không ngừng cả về quy mô và chất lượng, được khẳng định là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước cần có thêm nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực, tạo đà cho kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển lâu dài, hoạt động bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh.
(HBĐT) - Chiều 5/6, tại Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Diễn đàn Báo chí - doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững. Diễn đàn có sự tham gia của gần 200 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc TP Hà Nội; các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia, luật sư, cơ quan báo chí các tỉnh phía Bắc.
(HBĐT) - Từ ngày 1- 7/6, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa diễn ra "Hội chợ Thương mại – du lịch quốc tế Nha Trang 2023” nhằm hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và hưởng ứng Chương trình Festival biển Nha Trang – Khánh Hòa 2023.
(HBĐT) - Xã Suối Hoa (Tân Lạc) có địa hình phức tạp, chủ yếu là núi đá xen kẽ đồi nên vấn đề giao thông gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, xã huy động mọi nguồn lực, từ nguồn đầu tư của Nhà nước và nội lực trong Nhân dân từng bước xây dựng mạng lưới giao thông hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.