Chợ Bờ giờ chỉ đông nhất, nhộn nhịp nhất vào phiên cuối năm.

Chợ Bờ giờ chỉ đông nhất, nhộn nhịp nhất vào phiên cuối năm.

(HBĐT) - Thường ngày, Chợ Bờ cũng chẳng có gì cuốn hút. Nhất là khi đó đã là nơi tôi từng đi, từng đến và khám phá đủ đầy mọi sắc thái, ngọn nguồn. Ấy vậy, chẳng hiểu sao Chợ Bờ phiên cuối năm vẫn có sức hút lạ kỳ. Cũng vẫn là những con người xa lạ, những cảnh vật nơi sóng nước sơn thủy quen thuộc trên từng ngách đá, sao lại khó lòng dứt ra. Cứ mãi da diết, thôi thúc tìm về...

 

Ẩn sau dáng vẻ đìu hiu, cô quạnh của phiên chợ nghèo giữa sông nước mênh mang và núi non trùng điệp đó là những giá trị lịch sử đã bị chìm sâu và dần quên lãng theo thời gian. Có lẽ, đó chính là sức hút để chúng tôi tìm về. Thực tình, không nói nhiều người vẫn hiểu Chợ Bờ vốn là một địa danh mang nhiều sức hút. Ở đây, sức hút không đến từ sự náo nhiệt trong chốc lát; từ sắc màu sặc sỡ trên trang phục của những cô gái Dao, Mường; từ những khuôn mặt đẹp đến ngỡ ngàng của những cô gái chợt hiện, chợt tan biến trong sương khói bảng lảng nơi sóng nước dập dờn. Mà địa danh Chợ Bờ luôn mang trong mình sức hút về những giá trị lịch sử huy hoàng đã chìm sâu vào quá khứ, chìm sâu dưới hàng trăm mét nước sông Đà. Những giá trị cốt lõi đó vẫn luôn làm chúng tôi phải khao khát tìm về.

Theo những người cao niên mà chúng tôi từng gặp như cụ Lê Thị Tâm - một trong những lão thành cách mạng của tỉnh - thời xuân trẻ cũng từng xuôi - ngược sông Đà thì Chợ Bờ là nơi xưa kia rất nhiều người muốn đến. Là bởi, trước Cách mạng tháng 8/1945 Chợ Bờ chính là nơi người Pháp đặt làm trung tâm hành chính tỉnh lỵ. Tất nhiên với vị trí đó nó mang dáng dấp một phố thị, là nơi “đóng” các cơ quan công quyền, hành chính trong suốt một thời gian dài. Kể cả sau này, khi cách mạng tháng 8/1945 thành công, Chợ Bờ nằm ở hạ lưu của Thác Bờ, trên một triền đồi vẫn là trung tâm hành chính của huyện Đà Bắc xưa cũ. Đó là một quá khứ huy hoàng mà không phải nơi nào cũng có được. Đặc biệt hơn, Chợ Bờ cũng từng là nơi ghi dấu vị vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) khi Người hoàn thành việc chinh phạt đám giặc cỏ Đèo Cát Hãn miền viễn tây đưa quân trở về năm 1432. Theo sử cũ còn ghi lại: sau khi về đến Thác Bờ, đứng trước thế núi, dáng sông, nhà vua đã rút gươm “phạt đá đề thơ”. Trải bao cuộc bể dâu, trải bao sương gió, đến nay những nét xưa vẫn còn in hằn trên đá núi... Lại nữa, Chợ Bờ cũng là nơi ghi dấu trận chiến đấu tiến công đánh thắng giặc Pháp đầu tiên trên vùng đất Hòa Bình của nghĩa quân Đốc Ngữ trong ngày 29 - 30/1/1891. Trận đánh của nghĩa quân đã tiêu diệt được tên quyền phó công sứ Rougery và 2 tên Pháp chỉ huy đồn Chợ Bờ, thu 118 súng trường, 4 súng lục và hơn 40 nghìn viên đạn. Giải phóng trung tâm tỉnh lỵ Chợ Bờ...

Không nói quá khi nhiều người cho rằng, Chợ Bờ - Thác Bờ là nơi ghi dấu nhiều biến cố, sự kiện lịch sử quan trọng của xứ Mường Hòa Bình. Bởi sau những dấu ấn trên, sau khi hoàn thành cuộc đánh chiếm Tây Bắc lần thứ nhất vào những năm 30 của thế kỷ XX, người Pháp đã lên kế hoạch khai thác sông Đà. Ngay tại vị trí Chợ Bờ, một dự án xây dựng thủy điện có quy mô lớn được người Pháp ráo riết thực hiện. Bởi qua nghiên cứu, tính toán tỉ mỉ, người Pháp nhận thấy địa điểm Thác Bờ - Chợ Bờ chính là nơi lý tưởng để xây dựng một nhà máy thủy điện thuộc vào diện lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Tuy nhiên, tham vọng đó của người Pháp đã bị chặn lại sau cuộc đảo chính của Nhật trên toàn cõi Đông Dương đầu năm 1944. Trong thời kỳ đổi mới, vị trí này cũng đã từng được lựa chọn trở thành nơi xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Và rồi, cái quá khứ huy hoàng ở nơi thủy phận cuối cùng của thác đá cùng với tuyến quốc lộ 6 huyết mạch lên miền viễn tây đã dần bị chìm vào quên lãng khi công trình thủy điện Hòa Bình được hoàn thành.  

Từ ấy, Chợ Bờ xưa trên con đường kinh lý lên miền viễn tây chỉ còn lại là một Chợ Bờ vắng vẻ, đìu hiu, chon von trên đỉnh núi. Chợ Bờ nay, không ai còn nhớ đến quá khứ huy hoàng ấy. Bởi quá khứ ấy tính về thời gian nó đã trôi xa quá lâu rồi. Chợ Bờ nay chỉ còn được biết đến là nơi giao lưu mua bán sản vật địa phương. Mỗi tuần một phiên vào ngày chủ nhật, ngày nắng cũng như ngày mưa. Đã thành nếp, cứ đến phiên chợ lại họp. Không còn cảnh người mua, kẻ bán tấp nập, nhộn nhịp của phiên Chợ Bờ sầm uất là nơi giao thương cho vùng đất cửa ngõ Tây Bắc. Chợ Bờ nay chỉ là vài gian hàng được xây kiên cố nằm chênh chếch ven sông. Ngày thường thì đìu hiu, vắng lạnh. Chợ chỉ có người vào ngày họp nhưng cũng chẳng mấy khi đông. Dẫu vậy, dường như sợi dây vô hình của phiên chợ cũ và mới vẫn níu kéo những con người biết và chưa biết chợ quy tụ về hội họp mỗi phiên.

Ngày nay, Chợ Bờ đông nhất, nhộn nhịp nhất có lẽ chỉ vào phiên cuối năm chuẩn bị đón Tết. Khi ấy, người mua, kẻ bán tấp nập, nhộn nhịp trên một vùng sông nước. Trong phiên chợ cuối năm, người ta đến đây không chỉ là nơi trao đổi, mua sắm hàng hóa mà chủ yếu chỉ để được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè. Người đi chợ, có khi cũng chỉ mang một đôi cây măng rừng, có khi là dăm ba thứ sản vật vườn nhà. Người đến chợ, cũng có khi chỉ mua vài ba thứ lặt vặt. Nhưng sản vật mà họ bán đi và mua lại không quý giá bằng việc họ được sống lại những ký ức huy hoàng, được chia sẻ câu chuyện xưa cũ.  Thế cũng đủ để quên đi cái hoang vắng của núi rừng nơi họ sinh ra và gắn bó. Chợ không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà trở thành nơi giao lưu tình cảm, kết nối nghĩa tình giữa con người với con người, giữa các dân tộc với nhau. Đó là lý do ẩn sâu trong tâm thức để mỗi năm đến phiên chợ Tết nơi sóng nước sơn thủy chúng tôi lại tìm về... 

 

  

 

                                                                               Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục