(HBĐT) - Lỉnh kỉnh đủ các loại máy móc, thiết bị, đồ dùng, chiếc xe máy ì ạch "bò” trên con đường đất đỏ. Những cán bộ chiếu bóng lưu động bắt đầu chuyến hành trình mang phim về với đồng bào.


Nhân dân xóm Khuộc (Cao Răm, Lương Sơn) hào hứng xem buổi chiếu bóng lưu động.

 

Sau mấy ngày mưa rả rích, còn đường dẫn vào xóm Khuộc, xã Cao Răm (Lương Sơn) trở nên trơn trượt hơn ngày thường. Bất chấp khó khăn, đoàn chiếu bóng lưu động thuộc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh (Sở VH -TT&DL) vẫn quyết tâm mang bộ phim mới đến phục vụ bà con. Cứ tưởng suốt quãng đường dài dầm mưa sẽ khiến máy chiếu và tăng âm, loa đài… bị ướt, nhưng với kinh nghiệm hàng chục năm lặn lội lên vùng cao bằng xe máy, các cán bộ trong đoàn vẫn giữ khô ráo, chỉ bản thân các anh là ướt sũng.

Trời vừa tối. ánh đèn pin loang loáng dọc lối mòn, dẫn bước đoàn người vội vã kéo về nơi chiếu phim. Người đến xem mỗi lúc một đông, chật kín cả khoảng sân rộng. Có mặt tại buổi chiếu phim, mới thấy được niềm vui của người dân xóm Khuộc. Họ cười nói, bàn luận rôm rả về nội dung phim. Tưởng như không khí của ngày hội thực sự! "Lâu rồi đoàn chiếu phim mới về với Cao Răm, chúng tôi mừng lắm. Những bộ phim truyện, phim tài liệu về lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc rất hay và ý nghĩa, giúp người dân hiểu hơn về đất nước, quê hương mình. Rất mong có thêm nhiều buổi chiếu bóng lưu động như thế này để tuyên truyền cho thế hệ trẻ về văn hóa, lịch sử, pháp luật. Đây là hình thức giáo dục hiệu quả, góp phần giữ gìn ANTT trên địa bàn…” - đồng chí Đinh Công Hân, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã nhận định.

Buổi chiếu kết thúc. Người đến xem kéo nhau ra về. Các thành viên đội chiếu bóng quây quần bên mâm cơm muộn. Nhấp chén rượu nồng, những "chiến sỹ văn hóa vùng cao” vào chuyện một cách mộc mạc: "ở đâu có dân, ở đó có bước chân người chiếu bóng!” Anh Nguyễn Mạnh Hùng, đội trưởng đội chiếu bóng cơ động, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh, người đã có thâm niên hơn 40 năm gắn bó với nghề tâm sự: Đội có 6 người, người ít thì hơn 20 năm, người nhiều đã hơn 40 năm trong nghề. Nhiệm vụ là chiếu lưu động tại các bản, làng đặc biệt khó khăn, vậy nên tất cả những nơi nghèo nhất, đường đi trắc trở nhất… của tỉnh, cán bộ chiếu bóng đều đã đặt chân qua. Bù đắp cho những mệt mỏi ấy là đến mỗi đêm chiếu, thấy bà con hồ hởi, vui mừng, bao nỗi mệt nhọc dường như tan biến.

Cũng như anh Hùng, nhiều cán bộ chiếu bóng khác không nhớ nổi mình đã thực hiện bao nhiêu buổi chiếu phim. Chỉ biết rằng, ở nhiều nơi các anh đến đã trải qua rất nhiều thế hệ trưởng thôn, bí thư chi bộ. Dưới ánh sáng yếu ớt phả ra từ chiếc bóng đèn đỏ, câu chuyện theo đuổi nghề của những cán bộ chiếu bóng lưu động thoáng nét ưu tư. Anh Hùng chia sẻ: Làm nghề này phải có lòng say mê. Nhiều anh em làm nghề mà còn phải lo chăn nuôi, tranh thủ chạy xe ôm tăng thu nhập.

Vất vả là thế vậy mà mãi đến năm 2013, anh Hùng và các đồng nghiệp mới được hưởng biên chế Nhà nước.

Anh Trương Văn Cường, Giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng lưu động tỉnh cho biết: Hiện trung tâm có 7 đội chiếu bóng lưu động với 19 cán bộ. Năm 2017, các đội đã thực hiện 1.176 buổi chiếu tuyên truyền, phục vụ hơn 80.600 lượt người xem. Mỗi dịp kỷ niệm hay trong các ngày lễ lớn của dân tộc, cán bộ các đội chiếu bóng lưu động lại có mặt ở những bản, làng xa xôi, khó khăn nhất, mang niềm vui đến với bà con.

Chia tay xóm Khuộc, ánh mắt háo hức của các cụ già, em nhỏ, sự tận tụy của các thành viên đội chiếu bóng lưu động cứ đọng mãi trong tôi. Đêm nay, các anh ở lại xóm Khuộc. Và ngày mai, ngày kia… lại đến với miền đất còn nhiều khó khăn khác để phục vụ bà con. Những "chiến sỹ văn hóa” tận tâm với vùng cao ấy gác lại muôn nỗi lo toan riêng mình, tiếp tục hành trình mang ánh sáng văn hóa đến các bản làng xa xôi.

Hải Yến

Các tin khác


Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục