(HBĐT) - (HBĐT) - Ngày nay, giữa trăm nghìn nhạc cụ hiện đại, chiêng vẫn luôn có một chỗ đứng đặc biệt trong đời sống văn hóa của người Mường. Chiêng khai hội xuân, chiêng mời tổ tiên về chứng kiến những nghi lễ quan trọng. Chiêng là vật quý được mỗi gia đình treo trang trọng gần khu vực bàn thờ, chính giữa phòng khách, là món quà tặng quý giá dành cho khách quý. Đặc biệt, để nối tiếp dòng chảy văn hóa chiêng Mường thì "lửa chiêng” đã được các nghệ nhân cao niên truyền lại cho con cháu và hình thành thế hệ những tay chiêng trẻ tuổi trên đất Mường Hòa Bình.


Học sinh trường THPT Lạc Sơn (Lạc Sơn) trình diễn bài chiêng cổ.

Trong "Lễ hội Chiêng Mường lần thứ II” diễn ra vào năm 2016, phần thi trình tấu chiêng của đội huyện Lạc Sơn đã để lại ấn tượng đặc biệt đối với khán giả. Không chỉ bởi các bài chiêng được dàn dựng công phu, luyện tập kỹ lưỡng, tiết tấu nhịp nhàng… mà còn bởi lần đầu tiên trên sân khấu lớn của Cung văn hóa tỉnh, huyện Lạc Sơn đã "trình làng” những tay chiêng chỉ ở lứa tuổi học sinh THCS. Sự xuất hiện của những tay chiêng trẻ đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc truyền lửa, giữ hồn chiêng Mường. Từ Lạc Sơn, phong trào "truyền lửa” chiêng Mường cho thế hệ trẻ đã lan rộng ra các huyện, thành phố của tỉnh. 

Từ thành phố Hòa Bình, vượt qua những đoạn đường dốc quanh co, chúng tôi đến thăm trường PT dân tộc bán trú TH&THCS Độc Lập (Kỳ Sơn) nơi có đội chiêng trẻ khá nổi tiếng. Trò chuyện với chúng tôi, cô Bùi Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường được thành lập năm 2016, cũng từ thời điểm đó, đội chiêng của học sinh nhà trường được thành lập, ban đầu có 9 em, nay có 11 em. Đây là ngôi trường bán trú dành cho học sinh dân tộc, chủ yếu là dân tộc Mường nên nhà trường mong muốn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Với niềm đam mê, yêu thích, hăng say luyện tập, đội chiêng của nhà trường thường xuyên tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ của huyện như: Hội xuân văn hóa thể thao hàng năm, liên hoan tiếng hát ngành Giáo dục Kỳ Sơn, khai mạc Hội khỏe Phù Đổng; riêng năm học 2018 - 2019, đội chiêng của nhà trường giành giải ba tại Liên hoan tiếng hát Tuổi hồng các trường PTDTBT&NT của tỉnh. 

Lớn hơn các em bậc THCS một chút thì phải nhắc đến đội chiêng của học sinh trường THPT Lạc Sơn, THPT Quyết Thắng (Lạc Sơn). Không chỉ trình tấu nhuần nhuyễn các bài chiêng khó, những người con của mảnh đất Mường Vang còn sử dụng thành thạo các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mường như: sáo, nhị… Các tay chiêng trẻ đã tạo nên một sức sống mới, đầy nội lực cho chiêng Mường Hòa Bình. 

Đồng chí Bùi Kim Phúc, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL) cho biết: Đối với người Mường Hòa Bình, chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Chiêng nối dài cùng lịch sử phát triển cũng như hồn cốt, khí chất của dân tộc Mường. Qua thống kê, toàn tỉnh còn lưu giữ được gần 1 vạn chiếc chiêng, chủ yếu ở các huyện: Kim Bôi, Lạc Sơn, Tân Lạc, Đà Bắc và thành phố Hoà Bình. Chiêng được sử dụng trong hầu hết các dịp lễ, hội quan trọng của người Mường như: lễ mừng nhà mới, Khai hạ, cưới hỏi, đánh cá, Xắc bùa, cơm mới… Những chiếc chiêng, bộ chiêng thuộc quyền sở hữu của từng gia đình, nhưng khi sử dụng trình tấu lại ở không gian văn hoá cộng đồng tạo thành các dàn chiêng, đội chiêng minh chứng cho sự gắn kết cộng đồng của người Mường rất cao và bền chặt. Đặc biệt, những năm gần đây, đứng trước mối lo chiêng Mường dần mai một thì các địa phương, nhất là ngành GD&ĐT đã có sự vào cuộc mạnh mẽ, tạo nên phong trào "truyền lửa” chiêng Mường cho thế hệ trẻ. Trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều những đội chiêng lứa tuổi THCS, THPT, những tay chiêng trẻ có thể trình tấu nhuần nhuyễn những bài chiêng cổ với sự say mê, yêu thích. Đó là điều vô cùng đáng quý và xúc động. Câu chuyện "truyền lửa” chiêng Mường đã cho thấy giá trị đặc biệt, khẳng định sức sống của chiêng Mường trong đời sống hiện đại. 

D.L

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục