(HBĐT) - Từ ngày 6- 10/12, tại tỉnh ta sẽ diễn ra sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019. Đây là sự kiện chính trị, văn hóa quy mô lớn của tỉnh. Công tác chuẩn bị đang được triển khai hết sức tích cực. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hòa Bình đã phỏng vấn đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, để rõ hơn mục đích, ý nghĩa và sự kỳ vọng của tỉnh ở sự kiện đặc biệt này.



Động Thác Bờ - một trong những địa điểm hút khách trên tuyến du lịch Hồ Hòa Bình. 

P.V: Thưa đồng chí, được biết hiện tỉnh đang gấp rút chuẩn bị công tác tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình 2019, một sự kiện chính trị, văn hóa lớn của tỉnh. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện này?

Đồng chí Bùi Văn Khánh: Thực hiện Chương trình hành động số 27-CT/TU ngày 3/10/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của BCH Trung ương khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tỉnh đã và đang chuẩn bị tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2019. Đây là sự kiện chính trị, văn hóa quy mô lớn của tỉnh được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa, vùng đất, con người tỉnh Hòa Bình và các di sản văn hóa quốc gia. Đồng thời, tạo không gian để các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao ý thức trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên vùng đất Hòa Bình và một số tỉnh lân cận. Qua đó, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, việc tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh tỉnh Hòa Bình năm 2019 nhằm một mục đích quan trọng khác là quảng bá tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư phát triển KT-XH, đặc biệt là lĩnh vực du lịch trên địa bàn.

P.V: Hòa Bình là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Xin đồng chí cho biết trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã có sự lãnh đạo, điều hành như thế nào để thu hút đầu tư nhằm khai thác thế mạnh này?

Đồng chí Bùi Văn Khánh: Với lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng sẵn có, trong thời gian qua, tỉnh Hòa Bình dành sự quan tâm đúng mức cho công tác thu hút đầu tư phát triển du lịch. Tháng 12/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp đó, Tỉnh ủy cũng đã ban hành Quyết định phân công nhiệm vụ cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, trong đó có dự án đầu tư du lịch.

UBND tỉnh cũng đã ban hành và triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án  Phát triển du lịch du lịch tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó tập trung xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch với các giải pháp hỗ trợ thuế, tiền thuê đất, giải phóng mặt bằng… tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tỉnh đã đầu tư nâng cấp một số tuyến đường giao thông quan trọng đến khu, điểm du lịch, đặc biệt là Khu du lịch hồ Hoà Bình để thu hút các nhà đầu tư. Cuối năm 2018, tỉnh đã tổ chức một số Hội nghị xúc tiến đầu và đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 9 nhà đầu tư, thực hiện 9 dự án; ký Bản ghi nhớ đầu tư với 15 nhà đầu tư, thực hiện 19 dự án trên địa bàn tỉnh với mức đầu tư lên tới 94.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức và tham gia một số hội nghị xúc tiến trong và ngoài nước.

Theo đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo, giàu giá trị lịch sử, văn hóa như: Khu du lịch hồ Hòa Bình, bản Lác - Mai Châu, suối Khoáng - Kim Bôi, chùa Tiên - Lạc Thủy, quần thể Hang động núi đầu Rồng - Cao Phong, đền thờ Chúa Thác Bờ, các sân golf… hút khách. Năm 2018, tỉnh đón 2,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 300 ngàn lượt khách quốc tế; năm 2019, tỉnh đón gần 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 400 ngàn lượt khách quốc tế, tổng thu từ hoạt động du lịch dự kiến đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, đóng góp không nhỏ cho ngân sách địa phương.

Đó là những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng cho tỉnh. Nguyên nhân là do việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch còn hạn chế; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu; công tác lãnh đạo chỉ đạo phát triển du lịch chưa bài bản, sáng tạo; công tác truyền thông, quảng bá chưa tốt, chưa kết nối được với các khu, điểm du lịch trong khu vực và trong cả nước.

P.V: Vậy sự kỳ vọng của tỉnh qua sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2019 là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Văn Khánh: Hòa Bình có địa bàn giáp danh với Thủ đô Hà Nội, là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tiềm năng, lợi thế để phát triển KT-XH, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Hiện tại, tiềm năng đó còn hết sức dồi dào cần được đánh thức để du lịch phát triển nhanh, bền vững, đưa Hòa Bình trở thành trung tâm văn hóa, nghỉ dưỡng, trải nghiệm chất lượng cao của khu vực và thế giới. Để làm được điều đó cần tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch tại tỉnh. Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019 kéo dài trong 5 ngày với nhiều sự kiện độc đáo, hấp dẫn. Sẽ có đông đảo du khách từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và cả đại sứ quán một số nước bạn đến với Hòa Bình, hoặc theo dõi sự kiện trên các phương tiện truyền thông. Đây là dịp để quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Doanh nghiệp, người dân có dịp giới thiệu những sản phẩm mới, xúc tiến đầu tư, phát triển về thương mại, du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch "Hòa Bình - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện". Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, vùng đất, văn hóa, con người Hòa Bình trong nước và quốc tế.


          P.V: Xin cảm ơn đồng chí!                                                         


Thúy Hằng (TH)

Các tin khác


Âm nhạc Hòa Bình - những nốt thăng đáng mừng

Với những nhạc sĩ, thi sĩ và những người yêu âm nhạc ở Hòa Bình, năm 2023 được xem là một mùa bội thu: nhiều tác phẩm được sáng tác mới, nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các kỳ liên hoan, cuộc thi khu vực do các tỉnh và Trung ương tổ chức.

Huyện uỷ Lạc Sơn gặp mặt những người làm công tác bảo tồn văn hoá truyền thống 

Ngày 15/3, Huyện uỷ Lạc Sơn tổ chức gặp mặt các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, thực hành và báo chí, truyền thông về công tác bảo tồn văn hoá truyền thống dịp Xuân Giáp Thìn 2024. 

Festival phở năm 2024: Sức hấp dẫn của phở Việt

Phở là món ăn truyền thống lâu đời của người Việt. Phở được nhiều đầu bếp, chuyên gia, tạp chí quốc tế công nhận là một trong số các món ăn hấp dẫn trên toàn cầu.

Phường Dân Chủ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) có trên 35% dân số là người dân tộc Mường. Thời gian qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, phường luôn quan tâm công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Qua đó góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kiểm tra công tác triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” tại huyện Lạc Sơn

Ngày 13/3, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023-2030 tại huyện Lạc Sơn.

Huyện Lương Sơn đón bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đình Sấu Thượng, xã Thanh Cao

UBND huyện Lương Sơn vừa tổ chức Lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đình Sấu Thượng, xã Thanh Cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục