(HBĐT) - Xứ Mường Hòa Bình không chỉ nổi tiếng là vùng đất tươi đẹp với cảnh quan thiên nhiên hài hòa, mà từ rất lâu đã nức tiếng là nơi sinh ra, nuôi dưỡng những người con gái đẹp thướt tha, duyên dáng, đem lại quyến luyến, nhớ thương cho biết bao văn, nghệ sỹ tài hoa và du khách muôn nơi. Xúc cảm trước vẻ đẹp người con gái Mường, nhà thơ Xuân Lý và nhạc sĩ Quách Vin đã có sự kết hợp đầy đồng điệu để sáng tác nên ca khúc "Em là hoa văn đất Mường” với những câu hát đầy chất thơ khắc họa vẻ đẹp người con gái Mường: Là gái Mường em chẳng rực rỡ đâu/ E ấp hoa văn ẩn mình trong cánh áo/ Nếp váy em buông hoa văn em lúng liếng/ Khuôn ngực em e ấp hoa văn đất Mường…

Những bông hoa xứ Mường đua sắc trong vòng chung khảo cuộc thi "Người đẹp xứ Mường 2019". 

Ngược dòng thời gian, tìm về những ghi chép lịch sử cho thấy, từ thời kỳ trước cách mạng, để tôn vinh vẻ đẹp của những bông hoa núi rừng, năm 1932, người Pháp khi đang cai trị nơi đây đã tổ chức cuộc thi người đẹp xứ Mường. Thiếu nữ Quách Thị Tẻo ở Mường Vang - 1 trong 4 vùng Mường nổi tiếng của tỉnh, khi ấy mới ở độ tuổi 16 - 17 đã đoạt giải Hoa hậu xứ Mường. Trong tác phẩm "Hoa hậu xứ Mường", nhà văn Phượng Vũ kể rằng: "Không chỉ có chức sắc cao nhất tỉnh, không chỉ quan công sứ ngây ngất nhìn ngắm Hoa hậu xứ Mường mà ngay cả các bà đầm vợ quan công sứ, quan chánh đoan... cũng ngỡ ngàng trước nhan sắc lạ lùng của Quách Thị Tẻo". Sau đó, người Pháp cũng tổ chức nhiều cuộc thi để tìm kiếm vẻ đẹp của người con gái xứ Mường... 

Trên mảnh đất Hòa Bình xinh đẹp, khắp bốn Mường: Bi - Vang - Thàng - Động, những thiếu nữ Mường xinh đẹp như những bông hoa vẫn luôn nối tiếp nhau, tỏa hương sắc. Vẻ đẹp người con gái xứ Mường xưa đang dần lan tỏa và ngày càng được khẳng định, nhất là trong các cuộc thi người đẹp gắn với các sự kiện văn hóa quan trọng. Các cuộc thi như: "Thi người đẹp các dân tộc”, "Thi trình diễn trang phục dân tộc”... đang tạo sức hút, tôn vinh, lan tỏa vẻ đẹp của người con gái xứ Mường. Năm 2000, người đẹp Đặng Thị Quỳnh Nga, người con gái huyện Mai Châu đoạt giải hoa khôi trong Cuộc thi trình diễn người đẹp trong chuỗi sự kiện Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc Tây Bắc. Năm 2007, người đẹp Hồ Quỳnh Anh (Mường Thàng) đăng quang ngôi vị hoa khôi trong Ngày hội Văn hóa Mường toàn quốc được tổ chức tại tỉnh ta. Năm 2011, cô gái Nguyễn Thị Minh Trang (TP Hòa Bình) được Ban tổ chức trao giải A phần thi trang phục người đẹp các dân tộc trong chuỗi Chương trình Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Văn hóa cồng chiêng tỉnh lần thứ nhất. Vào dịp kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Chiêng Mường lần thứ 2, năm 2016, với vẻ đẹp tinh tế, giản dị nhưng cũng không kém phần sang trọng, đằm thắm của bộ trang phục phụ nữ dân tộc Mường truyền thống, 2 thí sinh là Nguyễn Hàm Hương (TP Hòa Bình) và Nguyễn Thị Kiều Trang (Lương Sơn) đã giành ngôi vị cao nhất… 

  Vẻ đẹp của người con gái xứ Mường còn tiếp tục lan tỏa và được khẳng định khi tham dự các cuộc thi người đẹp khu vực và toàn quốc. Năm 2016 ghi dấu ấn đặc biệt đáng nhớ của những người đẹp Hòa Bình trong các cuộc thi hoa hậu Việt Nam. Em Phạm Thùy Trang (TP Hòa Bình) tự tin vượt qua nhiều thí sinh trong đêm chung kết được tổ chức tại Tuần Châu - Quảng Ninh, trở thành chủ nhân vương miện Hoa hậu biển Việt Nam. Em Bùi Thị Thu Trang (Lạc Sơn) lọt vào top 10 trong đêm chung kết và đoạt danh hiệu người đẹp du lịch trong cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu... Những người đẹp xứ Mường không chỉ tươi tắn, duyên dáng, đẹp về hình thể mà ngày càng có học vấn cao, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa, tinh thần, vẻ đẹp người con gái Mường. 

Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình diễn ra từ ngày 6 - 10/12/2019, cuộc thi "Người đẹp xứ Mường" là một điểm nhấn đặc biệt. Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: "Cuộc thi Người đẹp xứ Mường năm 2019 nhằm tìm kiếm những gương mặt xuất sắc đại diện cho nét đẹp truyền thống của người con gái xứ Mường, với vẻ đẹp từ trí tuệ, lòng nhân ái và sự thông hiểu văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, vẻ đẹp từ vóc dáng, gương mặt, sự khéo léo của đôi bàn tay, đặc biệt là tình yêu quê hương, đất nước, mong muốn bảo tồn, gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, tìm kiếm nguồn nhân lực để đào tạo làm đại sứ thương hiệu của tỉnh Hòa Bình, phục vụ cho phát triển du lịch, văn hóa của tỉnh”. 

Qua các vòng sơ tuyển, sơ khảo, chung khảo, Ban giám khảo đã chọn ra 25 gương mặt xuất sắc nhất vào vòng chung kết. Trong hành trình tìm kiếm Người đẹp xứ Mường, các thí sinh có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như: Trải nghiệm không gian văn hóa dân tộc Mường tại xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc), quảng bá văn hóa du lịch tại nhiều danh thắng và địa điểm văn hóa du lịch của tỉnh, tham gia các hoạt động xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh… 

Đêm chung kết cuộc thi Người đẹp xứ Mường 2019 diễn ra vào ngày 9/12 tại Cung Văn hóa tỉnh với quy mô hoành tráng, mang đậm nét văn hóa xứ Mường, với sự tổ chức, dàn dựng của các chuyên gia uy tín về nhan sắc sẽ chọn ra thí sinh tài sắc vẹn toàn nhất để trao danh hiệu "Người đẹp xứ Mường 2019" cùng nhiều phần thưởng giá trị. Ban Tổ chức cũng sẽ trao một số giải phụ như: Người đẹp thân thiện; người đẹp tài năng; người đẹp mặc trang phục truyền thống đẹp nhất; người đẹp được khán giả yêu thích nhất; người đẹp ảnh… Hòa cùng hàng loạt các sự kiện chính trị, văn hóa quy mô lớn diễn ra trong Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019, cuộc thi Người đẹp xứ Mường là một hoạt động chủ đạo nổi bật với sứ mệnh "Tôn vinh vẻ đẹp văn hóa xứ Mường”. 

Dương Liễu

Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục