(HBĐT)-Ngày giáp tết Nguyên đán, anh bạn thời ấu thơ hẹn hò: "Về thăm quê đúng ngày "đụng lợn” nhé”. Ngày xuân, núi đồi dường như cũng như xanh thắm hơn. Nhiều nhà cây nêu đã dựng. Lối vào nhà anh, thỉnh thoảng gặp nhóm các thôn nữ đi lấy lá dong. Đám trẻ bên chái vườn đang chí chóe đùa vui. Phía bờ suối, hoa lau nở trắng trời và đàn ong đang dập dờn bên những cây cải vào mùa hoa vàng rực rỡ…

Từ phía nhà anh vang lên những giai điệu rộn ràng:  Em ơi mùa Xuân đến rồi đó/Thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời/ Nghe không gian mênh mông trong lời ca yêu thương đến với muôn người, đến với muôn đời…Một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Chung mà một thời, thế hệ 6 X, 7X từng nghe, từng hát…Hôm nay, đội văn nghệ xóm tập lại các tiết mục để chuẩn bị cho đêm diễn "Mừng Đảng-mừng xuân”…Âm thanh của bài hát, âm thanh của mùa xuân khiến bao ký ức về mùa xuân, về những bài hát mùa xuân vọng về…

  Nhìn chồng băng đĩa bài hát mà bạn anh-đội trưởng đội văn nghệ thôn sưu tầm, rõ thấy là người ham mê văn nghệ. Đã thế anh còn một thời trong quân ngũ, từng đóng quân ở mặt trận Hà Giang nóng bỏng. Được gợi lại ký ức đẹp một thời, anh trải lòng. "Xa nhà, xa quê dịp Tết, nhiều cảm xúc lạ lắm…Nhưng càng thêm rung động vào ngày mồng 1 Tết năm đó, nghe trên đài Tiếng nói Việt Nam bài hát " Gửi em ở cuối sông Hồng”(nhạc sĩ Thuận Yến) qua tiếng hát của Tiến Thành-Thanh Hoa. Lời bài hát không có từ nào về mùa xuân, nhưng cả tinh thần bài hát toát lên một mùa xuân tin yêu, ấm áp, hy vọng nơi hậu phương khi có hình bóng người yêu, người vợ thủy chung son sắt đợi chờ. Cũng vì thế, danh mục các bài hát "Mừng Đảng, mừng xuân” không thể thiếu bài này. Vợ anh, cô thôn nữ một thời có mái tóc dài chấm gót, có giọng hát khá hay, thành viên đội văn nghệ cũng sẽ tham gia tiết mục này. Chị chia sẻ: Đội văn nghệ chúng em tập nhiều bài hát với các chủ đề khác nhau, nhưng đúng dịp này, cảm xúc hình như đầy hơn. Đấy, hát cùng các bạn trẻ bài "Mùa xuân nho nho”(Nhạc Trần Hoàn, lời thơ Thanh Hải) cứ thấy mơ về một xứ Huế mà em từng qua. Đất nước mình, ở đâu cũng là khởi nguồn cho các bài hát về mùa xuân. Cũng vì quá mê bài "Mùa xuân làng lúa làng hoa” mà dịp về thăm lăng Bác, cả đội đã tìm về "làng lúa-làng hoa” nơi khởi nguồn cảm hứng cho tác giả. Chúng em còn lựa chọn các bài hát về mùa xuân gắn với những mùa xuân lịch sử của đất nước và giao cho các bạn trẻ sưu tầm và tập các bài được giới trẻ yêu thích bây giờ như "Thì thầm mùa xuân", "Hạt mưa mùa xuân"...Đúng là mỗi người trong đời đều có những kỷ niệm đẹp về bài hát hay mùa xuân từng qua. Những năm biên giới không bình yên, đất nước còn khó khăn, nhưng bài hát "Đi qua vùng cỏ non” của Trần Long Ẩn như một giọt mưa mùa xuân mát lành đem lại niềm vui, niềm hứng khởi với cuộc đời, giúp cho mỗi người đi qua những khó khăn, thách thức của thời cuộc: "Đi qua vùng cỏ non/ngỡ mùa xuân đang đến/Bâng khuâng chiều ba mươi, tóc em xanh màu trời… Như người đứng gác đêm/thầm lặng mà đẹp lắm đất nước ơi/ Những người dân nước tôi/mang con tim thời đại…”. Những xúc cảm của riêng cá nhân mình luôn gắn bó với những rung cảm của mùa xuân đất nước. Đêm văn nghệ của thôn, xã năm nay, bên cạnh các bài hát về đất nước, về Đảng, không thể thiếu những bài hát về tuổi trẻ, về mùa xuân như "Tình ca mùa xuân”, "Hát về mùa xuân” hay "Mùa xuân Hòa Bình”, một sáng tác của nhạc sĩ quê hương. Mùa xuân luôn đem lại những hứng khởi, khát vọng mới cho cuộc đời, cho mọi người. Trong đó, không thể không ghi nhận sự góp phần bởi những giai điệu mùa xuân êm đềm./.

                                             Bùi Huy

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục