Đền thờ các vua Trần tại Thái Bình đã bắt đầu tổ chức lễ khai ấn từ năm nay, song song với đền Trần ở Nam Định

Đền Trần nằm trên địa phận huyện Mỹ Lộc - Nam Định là một trong những điểm đến nổi tiếng từ nhiều năm nay. Thế nhưng gần đây, đền Trần Nam Định đang gặp phải sự “cạnh tranh” của đền Trần ở huyện Hưng Hà - Thái Bình khi chính quyền tỉnh này bắt đầu quan tâm phát triển du lịch địa phương, trong đó có các hoạt động du lịch hành hương, tìm về văn hóa tâm linh tại quần thể di tích đền - lăng mộ các vua Trần.


Đâu là “đất thánh” nhà Trần?


Sở Văn hóa - Thể thao  và Du lịch Thái Bình đã phối hợp với Viện Khoa học Lịch sử VN tổ chức hội thảo nhằm xác định lại vị thế đền Trần Thái Bình. Các nhà sử học đã xác định Hưng Hà ngày nay là đất phát tích khởi nghiệp của nhà Trần cách đây hơn 700 năm.

Còn Nam Định là nơi thủy tổ Trần Kinh của dòng họ Trần đặt chân đến đây tìm kế sinh nhai. Đến đời Thái tổ Trần Hấp (con của Trần Kinh), dòng họ Trần chuyển sang sinh sống ở Thái Bình cho đến ngày trở thành bá chủ nước Nam.


Ở Hưng Hà, người dân vẫn lưu truyền câu chuyện mang màu sắc huyền bí về Thái tổ Trần Hấp - ông cố của Trần Cảnh, vị vua Trần đầu tiên: Một hôm, đang đánh cá trên sông, Trần Hấp bỗng nghe tiếng kêu cứu của một người đàn ông sắp chết đuối.

Sau khi cứu được người này, Trần Hấp mới biết ông ta chính là một thầy địa lý giỏi. Thầy địa lý trả ơn bằng cách chỉ một huyệt mộ đắc địa nhất trong vùng và dặn cải táng cha Trần Hấp ở đó. Ông còn cho biết sau này dòng họ Trần sẽ phát, nhiều đời  làm vua nhờ sắc đẹp của một người con gái trong dòng họ.

Trần Hấp đã làm đúng như lời thầy địa lý dặn. Lịch sử ghi lại: Nguyên tổ Trần Lý, con của Thái tổ Trần Hấp, bắt đầu phát nghiệp ở đất Hưng Hà này. Con gái Trần Lý là Trần Thị Dung trở thành vợ thái tử Sảm, tức vua Lý Huệ Tông, người mở đường cho dòng họ Trần bước chân vào làm quan trong triều đại nhà Lý để có ngày dựng nên nghiệp đế.


Vì vậy, các vua Trần đã cho xây dựng tại nơi phát tích dựng nghiệp ở Thái Bình của ông cha mình một hành cung Long Hưng để tổ chức những đại lễ mừng chiến thắng và Tam Đường là nơi lưu giữ hài cốt của các tổ tiên triều Trần.



Lễ khai ấn đền Trần Nam Định. Ảnh: TTXVN


Khi các vị vua băng hà, hơn một nửa được an táng tại quê nhà và đều được xây lăng miếu phụng thờ, trong đó Thái Đường Lăng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của nhiều vị vua đầu triều Trần. Nhiều hoàng hậu sau khi qua đời cũng được đưa về những lăng mộ ở đây. Còn ở Phủ Thiên Trường, nơi tọa lạc đền thờ các vua Trần ở Nam Định ngày nay, các vua Trần cho xây cung nghỉ dưỡng của các Thái thượng hoàng.


Như vậy, chính quyền tỉnh Thái Bình và các nhà sử học đã khẳng định “đất thánh” của triều Trần là Hưng Hà - Thái Bình chứ không phải nơi nào khác. Dấu tích 3 ngôi mộ có kích thước như 3 quả đồi  của 3 vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đang tồn tại trên cánh đồng rộng lớn đối diện ngôi đình đã khẳng định thêm điều đó.


Còn nhiều tranh cãi


Hội đền Trần là một trong những lễ hội lớn vào dịp đầu năm mới tại các tỉnh miền Bắc. Hằng năm, vào 23 giờ ngày 14 tháng giêng, hàng chục ngàn người đến các đền Trần để chiêm bái, đặc biệt ở đền Trần Nam Định.


Lễ khai ấn được xem là “linh hồn” của lễ hội đền Trần. Theo dân gian truyền tụng, sau khi chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất, vào ngày 14 tháng giêng, vua Trần đã mở tiệc chiêu đãi tại phủ Thiên Trường (nơi tọa lạc đền Trần Nam Định) và phong chức cho các quan, quân có công.

Kể từ đó, cứ vào ngày này, đúng giờ Tý (23 giờ), các vua Trần lại “khai ấn” đánh dấu sự trở lại việc quốc sự của vua quan sau khi nghỉ Tết. Việc khai ấn cũng chính là công bố ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Quốc ấn của vua Trần được truyền tụng thuộc loại “tối linh”. Vài năm gần đây, lễ hội khai ấn đền Trần Nam Định có sự tham dự của các vị lãnh đạo Trung ương.


Để không thua kém Nam Định, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng tổ chức lễ khai ấn đền Trần của tỉnh nhà từ năm 2010, mời lãnh đạo Trung ương về dự và khai ấn. Đền Trần Thái Bình nhờ đó bắt đầu được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng sau hàng chục năm gần như bị lãng quên. 


Việc tổ chức được lễ khai ấn tại đền Trần Thái Bình cũng là một câu chuyện dài. Theo một quan chức địa phương, để có ấn vua Trần, địa phương này tìm đến một người được dân môi giới giới thiệu là đang cất giữ ấn vua Trần. Người này đã phát tâm cúng dường cho đền Trần Thái Bình vì cho rằng nơi đây mới là “đất thánh” của triều Trần, chỉ nhận tượng trưng vài triệu đồng bù đắp công lao cất giữ bao đời nay.


Ấn tại đền Trần Nam Định và đền Trần Thái Bình có phải là ấn thật của vua Trần hay không, điều này hiện vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, ở Thái Bình người ta vẫn truyền tụng rằng ấn đền Trần Nam Định chỉ tốt cho những ai cầu thăng quan, tiến chức (?!); còn ấn đền Trần Thái Bình tốt cho ai cầu sức khỏe, bình an.

 

                                                                               Theo Báo NLĐ

Các tin khác


Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục