Nhiều ca sĩ vẫn yêu mến ca khúc của Đoàn Chuẩn.

Nhiều ca sĩ vẫn yêu mến ca khúc của Đoàn Chuẩn.

Một cậu bé con chừng độ tuổi rưỡi đang chơi bỗng đòi ông bà mua hộp sữa hút. Ông bà mắng yêu: Ben vừa được bú sữa mẹ rồi mà sao còn đòi ông bà mua sữa nữa. Cu Ben ngây thơ bảo rằng: sữa mẹ hết rồi, phải đổ vào cơ! Trong ý nghĩ của cậu bé, không đổ sữa vào mẹ thì lấy đâu ra sữa cho nó bú. Câu nói ngây thơ của đứa trẻ đã gợi cho chúng ta một vấn đề: muốn khai thác thì phải đầu tư. Lẽ thường thì như vậy, nhưng văn học nghệ thuật có những đặc thù riêng của nó, có những nghịch lý mà chỉ có thể giải thích bằng thực tế thời cuộc.

Nhìn lại những tác phẩm vang bóng một thời

Nếu điểm lại các tác phẩm văn học có giá trị kinh điển trong kho tàng văn học Việt Nam hiện nay không thể không kể đến các tác phẩm của các thi hào, văn sĩ nổi tiếng như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nam Cao, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố... Các tác phẩm của họ đã trở thành mẫu mực cho nền văn học nước nhà mà sau này hiếm có tác phẩm nào sánh nổi. Cũng như thế, các ca khúc mẫu mực thời tiền chiến của các nhạc sĩ Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Dương Thiệu Tước... hay những vở kịch đỉnh cao của kịch nói cách mạng Việt Nam của các tác giả Đoàn Phú Tứ, Lưu Quang Thuận... mãi mãi còn lại với các thế hệ làm nghệ thuật và công chúng. Thời họ sống, hoàn cảnh đất nước còn nghèo túng lắm, một người mẹ còn phải rứt ruột đi bán ổ chó và đứa con gái bé bỏng (Tắt đèn), một ông lão còn phải ngậm ngùi bán đi con Vàng gắn bó thân thuộc với mình (Lão Hạc)... để tồn tại qua ngày thì văn học nghệ thuật là thứ quá xa xỉ trong đời sống xã hội. Họ viết như một nhu cầu nội tại để giải tỏa những bức bách nhìn thấy trong xã hội hoặc để ve vuốt những nỗi buồn cô liêu, hoàn toàn không mưu cầu gì về danh tiếng, về tiền bạc. Và chính sự vô tư đó đã tạo nên những tác phẩm danh tiếng, có giá trị nghệ thuật và nhân văn sâu sắc.

Chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt đã tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ có điều kiện hơn trong việc nuôi dưỡng và phát huy khả năng sáng tạo của mình. Những đợt đi thực tế, đi dự trại sáng tác, những khoản kinh phí đầu tư đều đặn hàng năm cũng góp phần khuyến khích, tạo động lực cho văn nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật giá trị. Nhưng mặt khác, chính nguồn đầu tư này cũng đang tạo ra nhiều sự bất cập khiến dư luận bắt đầu lên tiếng. Tiền nhà nước thì cứ đổ ra, nhưng tốn kém và vô ích vì có những người đều đặn 10 năm lĩnh đủ 30 triệu (3 triệu/năm/đầu tư) nhưng chẳng thấy tác phẩm nào được phổ biến. Thậm chí để đáp ứng yêu cầu của các Hội mỗi năm phải có tác phẩm mới đăng ký dự trại sáng tác, họ bắt đầu biến tấu đủ kiểu: lôi những bản thảo vàng ố cất trong ngăn kéo ra sửa chữa, cóp nhặt ý tứ người này người khác..., nghĩa là trang điểm lại cho đứa con vốn quặt quẹo của mình thành một hình hài mới để đi nhận đầu tư. Có người quanh năm chỉ mải xoáy theo vòng tròn đầu tư, một đứa con của họ có thể mang đi chạm ngõ vài nơi bởi họ đang được mang một cái danh rất oách: tác giả!            
 
Khánh Vy

TS. Trần Đình Ngôn: Xóa đầu tư bình quân là chuyện... khó làm

Hơn chục năm trở lại đây, tác giả - TS. Trần Đình Ngôn là một trong những tác giả  viết sung sức nhất của giới sân khấu (SK), nhiều kịch bản của ông được đưa lên sàn dàn dựng. Đã từng tham gia nhiều trại sáng tác kịch bản SK của Hội nghệ sĩ SKVN nhưng ông cũng không ngần ngại đối diện với những vấn đề còn bất cập trong chuyện đầu tư.

Ông cho rằng, đầu tư cho sáng tạo VHNT là phải đầu tư để đạt  mục đích của nhà nước, của Đảng, của nhân dân, xây dựng một nền VHNT theo định hướng xã hội chủ nghĩa chứ không phải đơn giản chỉ đầu tư cho ra một tác phẩm. Nghĩa là đầu tư của nhà nước là để sáng tạo ra những tác phẩm định hướng về nội dung, về phương pháp nghệ thuật, về phong cách để phục vụ việc xây dựng nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc..

- Vậy là theo ông, trước tiên là phải xác định mục đích đầu tư?

- Đúng, nếu chúng ta vẫn nhắm vào mục đích ấy trong tương lai thì việc đầu tư của nhà nước là không thể không có, thậm chí phải đầu tư nhiều hơn. Trên thực tế, hơn nửa thế kỷ qua, kể cả trong thời kỳ bao cấp, nhà nước cũng đã thực hiện đầu tư cho việc sáng tạo ra các tác phẩm VHNT và việc đầu tư ấy đã khích lệ văn nghệ sĩ, góp phần quan trọng vào việc tạo ra những tác phẩm có chất lượng.

- Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng, những năm gần đây, việc đầu tư được quan tâm hơn nhưng hiệu quả thì lại chưa cao?

- Không phải hoàn toàn tất cả là như thế. Nhưng có những cái đầu tư không đúng mục đích. Chẳng hạn, đây đó đã có trường hợp, mục đích của đầu tư là để bảo tồn và phát triển SK truyền thống thì đoàn nghệ thuật được đầu tư lại dùng chính kinh phí đó  để làm hình thức SK khác. Nói một cách hình ảnh là: chi tiền cho người ta xây lăng tẩm ông cha thì họ lại xây trên đống mối, nhưng rồi vẫn cắt băng khánh thành, vẫn ngợi ca.

Lại cũng phải nói thêm về chuyện đầu tư bình quân hiện nay, nhất là sự đầu tư thông qua các hội nghề nghiệp là không hiệu quả. Đánh đồng như nhau, như kiểu phát chẩn, trại nào cũng tổng kết, cũng có thu hoạch, nhưng sản phẩm sau đó ra sao thì không mấy ai biết.

- Đây dường như vẫn là chuyện thường năm ở Hội?

- Điều này thì lãnh đạo Hội và bản thân tôi cũng thấy phải làm thế thôi. Các hội viên bình đẳng về quyền lợi, cho nên dứt khoát phải có sự dàn trải, không phải ai viết hay hơn thì được đầu tư nhiều hơn. Lại nữa, có thể với đề tài này anh viết được kịch bản hay, nhưng đề tài khác thì chưa chắc. Vì thế Hội dù mang tính khách quan hơn để đánh giá thì cũng khó xếp tác giả nọ hơn tác giả kia.. Những năm gần đây, tôi được coi là một trong những tác giả sung sức, có nhiều vở được dàn dựng, nhưng nếu bảo bớt phần của người khác để tăng đầu tư cho mình thì tôi cũng không vui và không tán thành.

- Vậy mà vẫn có ý kiến cho rằng: thay vì việc đầu tư bình quân như ở Hội hiện nay thì hãy dùng một phần số kinh phí đó để quảng bá các tác phẩm được giải. Liệu việc làm đó có hơn việc đầu tư chia xuất, chia phần như hiện nay không?

 Một vở kịch hay không hoàn toàn phụ thuộc vào kịch bản.

- Theo tôi được biết, lãnh đạo Hội những khóa trước cũng mong muốn và trăn trở việc đầu tư sáng tác có trọng điểm để có những kịch bản chất lượng, nhưng bàn mãi vẫn chưa thực hiện được, vẫn phải thực hiện cái quyền lợi của hội viên là nhà biên kịch. Ban chấp hành mới nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã thành lập lại Ban sáng tác do nhà văn Chu Lai làm Trưởng ban, cũng bàn nhiều giải pháp cho sáng tác.. Thế nhưng lãnh đạo Hội cho đến giờ phút này vẫn phải thực hiện như mọi năm, chưa dám thực hiện đầu tư chiều sâu và trọng điểm. Nghe nói, luận điểm đó mới tung ra, nhiều hội viên đã gọi điện về với thái độ phản ứng quyết liệt. Theo tôi, hoạt động của Hội có những đặc thù riêng nên khó chấm dứt tình trạng bình quân chủ nghĩa, dù rằng biết trước hiệu quả không cao.

- Thế theo ông, nên đầu tư cách nào để có những kịch bản chất lượng khắc phục tình trạng các đoàn vẫn thường kêu ca: kịch bản thì nhiều nhưng luôn thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay?

- Chuyện kịch bản có chất lượng hay kém chất lượng để các đoàn lựa chọn dàn dựng là một vấn đề còn nhiều bàn cãi vì nó không hẳn chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng kịch bản, mà còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố ngoài nghệ thuật. Theo tôi, để có tác phẩm phù hợp với các đơn vị nghệ thuật, nhà nước nên cho họ có khoản chi đầu tư ban đầu cho sáng tác. Thực tế thì tuy chưa có qui định cụ thể, nhiều nơi cũng đã linh hoạt áp dụng. 17 năm qua (từ 1993) tôi đã ký nhiều hợp đồng sáng tác với các đoàn. Trước kia là 3 triệu, rồi 5 triệu và có nơi là 9 triệu. Người ta quan niệm đấy là tiền để tác giả tạo tác phẩm, khi kịch bản đạt chất lượng đoàn mới nhận và tạm ứng nhuận bút để sửa chữa nâng cao. Nếu tác giả viết không đạt yêu cầu, đoàn chấp nhận mất số tiền đầu tư ban đầu ấy. Thực ra số tiền ấy cũng chỉ bằng kinh phí đầu tư cho tác giả đi sáng tác mà thôi. Nhưng các đoàn thì "trông giỏ bỏ thóc", tin cậy ai mới đầu tư. Tác giả viết cho đoàn thì có đề tài cụ thể theo đơn đặt hàng, thậm chí là thuộc cả phong cách của đoàn, khả năng diễn viên nên có nhiều khả năng thành công hơn.

Việc đầu tư sáng tác của Hội để nuôi dưỡng cái nền chung thì vẫn cần thiết, nhưng cái ngưỡng để tạo tác phẩm có giá trị thì không thể chỉ nhằm vào Hội.

- Xin cảm ơn ông.

Lan Hương (thực hiện)

Nhạc sĩ Phú Quang: Tác phẩm nghệ thuật không đến với công chúng thì không có trị gì

Mục đích đầu tư của chúng ta là sáng tác ra những tác phẩm hay, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật để phục vụ cho đất nước này. Nếu không vì mục đích cao quí như thế thì chắc chắn nhà nước cũng chẳng bỏ tiền đầu tư cho nghệ thuật mà sẽ để làm những việc khác có ích hơn.

Tôi không phản đối việc đầu tư bởi đó là việc hỗ trợ, khuyến khích văn nghệ sĩ có động lực sáng tạo. Đầu tư về kinh phí, đầu tư về thời gian là cần thiết để họ có thể dứt bỏ những công việc thường ngày, kể cả những bận bịu không tên để dồn tâm huyết cho tác phẩm.

Thế nhưng đầu tư cho những tác phẩm mà không ai biết tác phẩm đó vang lên như thế nào thì đầu tư để làm gì? Ai chẳng cho rằng tác phẩm của mình hay. Nhưng chất lượng của tác phẩm nghệ thuật và đời sống của nó là phải được tồn tại trong công chúng. Còn cứ tổng kết chung chung là có hiệu quả, nhưng tác phẩm không hiện diện được với công chúng và đồng nghiệp thì chỉ là sự võ đoán mà thôi. Âm nhạc mà không sống trong công chúng, không được vang lên thì tác phẩm viết ra được cho là hay cũng thành tác phẩm kém nhất. Người khen cũng "láo" mà người chê cũng "láo" bởi có ai biết gì về nó đâu mà nhận định. Vấn đề là cần sòng phẳng, hãy đầu tư cho hiệu quả. Năm nào Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng mở trại sáng tác, đầu tư cho tác giả, rồi cũng trao giải cho các tác phẩm. Nhưng rồi năm nào cũng đưa ra một lý do rất giống nhau: không có tiền để tổ chức công bố những tác phẩm được giải, để rồi các tác phẩm theo định hướng chăm sóc của Hội cứ lặng lẽ rơi vào thinh không. Trong vài tỉ nhà nước đầu tư cho Hội hàng năm chả nhẽ Hội không bỏ ra được một khoản để làm công việc này? Tôi nghĩ, nếu cứ mãi cách nghĩ và cách làm không đổi mới này thì việc đầu tư của nhà nước trở thành vô bổ.

                                                                             Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục