Năm 2010 khép lại với những sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn nhất từ trước tới nay diễn ra trên đất Thủ đô không chỉ để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người, mà còn là điểm tựa, là tiền đề cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngày càng tỏa sáng.


Ngành văn hóa Thủ đô đã đặt mục tiêu cho năm 2011 là thực hiện có hiệu quả chương trình "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh", coi đó là giải pháp cơ bản để văn hóa Thăng Long - Hà Nội phát triển bền vững.
 


Người dân thăm Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - một trong ba di sản văn hóa được UNESCO công nhận trong năm 2010. Ảnh: Viết Thành


1. Có lẽ, những ai được sống trong không khí của 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được tham gia vào những sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc trong dịp này sẽ coi đó là kỷ niệm ý nghĩa trong đời. Đó là "Đêm Hồ Gươm lung linh" diễn ra tối 1-10 với màn trình diễn nghệ thuật ánh sáng, áo dài, nghệ thuật sắp đặt hết sức ấn tượng, làm nức lòng hàng triệu người dân. Còn nhớ đêm ấy, ông Nguyễn Văn Tuấn, trú ở phố Cầu Gỗ (Hoàn Kiếm) đã bày tỏ: "Dường như những người làm nghệ thuật đã dùng nghệ thuật để nói rằng hồ Gươm mãi mãi là trái tim của Thủ đô, Hà Nội mãi mãi là trái tim của cả nước. Trái tim ấy sẽ không bao giờ ngừng đập, sẽ ngời sáng vì nền hòa bình, độc lập và phát triển của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam anh hùng".

Đó là đêm hội "Thăng Long - Hà Nội thành phố Rồng bay" diễn ra tối 10-10. Hàng nghìn người đã biến sân vận động Mỹ Đình thành sân khấu sắc màu, nơi kể chuyện lịch sử từ thời vua Lý Công Uẩn chọn đất Thăng Long để định đô đến thời đại Hồ Chí Minh. Như lời đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, đây là lần đầu tiên Việt Nam sử dụng thành công công nghệ trình chiếu Pigi trong một chương trình nghệ thuật mang tính sự kiện. Ngành văn hóa Hà Nội đã góp sức tạo nên sự hoành tráng của lễ diễu binh, diễu hành lớn nhất trong lịch sử vào sáng 10-10 tại Quảng trường Ba Đình với việc rước biểu trưng Hà Nội, rồng thời Lý, biểu trưng Hoàng thành Thăng Long, diễu hành nghệ thuật thể thao cùng dàn trống hội Thăng Long.

Đặc biệt, ngành văn hóa Hà Nội đã góp sức hoàn thành công trình tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh Đá Chồng (Sóc Sơn), công trình tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn trong Công viên Thống Nhất, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Kim Đồng, Nhà hát Công nhân, Rạp Đại Nam… đúng dịp Đại lễ, đáp ứng nhu cầu tham quan tìm hiểu, vui chơi, giải trí của nhân dân. Đại lễ cũng là dịp người dân trong nước, bạn bè quốc tế thể hiện tình yêu với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội thông qua hơn 200 tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác về Hà Nội, 330 buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân…

2. Ba di sản văn hóa của Hà Nội, gồm 82 Bia đá Tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc được UNESCO vinh danh cũng là sự kiện nổi bật của Hà Nội trong năm 2010. Sự kiện này đã tạo nên một dấu mốc lịch sử trong hơn 60 năm hoạt động của tổ chức UNESCO, đã khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến; mở rộng cánh cửa phát triển du lịch Thủ đô. Lượng khách đến tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám tăng vượt bậc so với những năm trước, mỗi ngày có hàng vạn lượt người đến Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong những ngày mở cửa khu di tích quan trọng này, lượng khách đến khu tâm linh đền Sóc cũng tăng gấp 4 lần so với năm 2009. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội khẳng định: Nếu mở cửa thường xuyên, Hoàng thành Thăng Long có thể đón vài nghìn lượt khách/ngày. Hiện tại, các cơ quan quản lý đang nghiên cứu hoàn chỉnh phương án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản để vừa đáp ứng yêu cầu của UNESCO, vừa đem lại lợi ích kinh tế, văn hóa cho cộng đồng. Đây chính là một trong những trách nhiệm nặng nề của ngành văn hóa Hà Nội năm 2011.

3. Năm 2010, các ngành chức năng vào cuộc đầy nhiệt huyết, quyết liệt thực hiện Kế hoạch 167 của UBND thành phố Hà Nội về việc bóc xóa quảng cáo rao vặt trái phép, chỉnh trang các tuyến phố nhằm mang lại bộ mặt tươi mới cho Thủ đô. Hội Phụ nữ có phong trào "Vì môi trường trong sạch, phụ nữ Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng"; Đoàn Thanh niên phát động phong trào "Xung kích tình nguyện giữ vệ sinh môi trường", UBND thành phố phát động cuộc thi "Giữ ngõ phố xanh - sạch - trang hoàng đường phố đẹp", 100% xã, phường, thị trấn duy trì vệ sinh môi trường vào thứ bảy hoặc chủ nhật hằng tuần… Phong trào đã góp phần bóc xóa hàng triệu tờ, hàng vạn mét vuông quảng cáo rao vặt trái phép, tháo dỡ hàng nghìn mái che, mái vẩy lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Hầu hết các quận nội thành đã có quy hoạch lắp dựng điểm quảng cáo rao vặt miễn phí, cơ bản đáp ứng được nhu cầu quảng cáo, rao vặt của các tổ chức, cá nhân. Những tuyến phố nham nhở quảng cáo rao vặt trước đây như Dịch Vọng, Xuân Thủy, Láng Thượng (Cầu Giấy), Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Trần Phú (Hà Đông)… nay đã khá sạch sẽ, khang trang. Việc giữ cho các tuyến phố xanh - sạch - đẹp đang dần trở thành thói quen của người dân Thủ đô.

4. Sở VH,TT&DL Hà Nội đánh giá: Năm 2010, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã đạt nhiều thành tích, nhưng tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, tệ nạn xã hội ở các tổ dân phố, khu dân cư, làng văn hóa vẫn còn; số làng giữ vững được danh hiệu văn hóa nhiều năm liên tục không nhiều; việc cưới còn có biểu hiện phô trương, lãng phí; nạn chèo kéo khách, cờ bạc trong các lễ hội, xâm hại di tích vẫn phổ biến… Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, vai trò của văn hóa đối với đời sống xã hội. Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội, trong năm 2011, Sở sẽ tham mưu để UBND thành phố ban hành các tiêu chí cụ thể về "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh".

Năm mới đã đến, mỗi người Hà Nội hãy tự điều chỉnh hành vi phù hợp, để văn hóa Hà Nội phát triển về mọi mặt, theo hướng bền vững.
 
                                                          Theo HaNoiMoi

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục