“Với 130 triệu đồng tiền mặt có trong tay tôi quyết định sẽ khởi công việc xây nhà lưu niệm cho nhà thơ Phạm Tiến Duật trong tháng 4 này. Tôi sẽ vừa làm vừa kêu gọi tài trợ và nhất định phải làm cho được ước nguyện của mình với hương hồn anh Duật”, nhà văn Lê Lựu tâm sự.

 

Nhà thơ Phạm Tiến Duật, gương mặt thơ sáng nhất của nền thơ kháng chiến chống Mỹ đã từ giã chúng ta để đi về cõi vĩnh hằng đến nay đã gần 4 năm. Còn người bạn thân của ông, nhà văn Lê Lựu năm nay đã ở tuổi 70, mang nhiều thứ bệnh trong mình và mỗi ngày ông phải uống hàng vốc thuốc đủ các loại để duy trì sức khỏe. Tuy nhiên, ước nguyện lớn lao của tác giả "Thời xa vắng" là làm được một ngôi nhà lưu niệm cho người bạn cùng chung mưa nắng bom đạn Trường Sơn thủa nào. Sau nhiều ngày tháng đôn đáo, nhà văn Lê Lựu với vai trò là Giám đốc Trung tâm Văn hóa danh nhân đã thuyết phục được Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ dành một khoảnh đất trong khuôn viên của Hội để xây dựng nhà tưởng niệm cho nhà thơ Phạm Tiến Duật. Tuy nhiên, vấn đề nhà văn lo lắng nhất là làm sao có đủ tiền để làm được công trình có ý nghĩa này cho người bạn của mình.

- Thưa nhà văn Lê Lựu, từ khi nào ông ấp ủ dự định làm nhà lưu niệm cho nhà thơ Phạm Tiến Duật?

+ Như các bạn đã biết, nhà thơ Phạm Tiến Duật là nhà thơ lớn nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Nói đến văn học chiến tranh không thể không nhắc anh và nói đến tới con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - đường 559 huyền thoại trong những năm chiến tranh chưa xa hay nói về Bộ đội Trường Sơn Anh hùng hôm nay càng không thể quên tên tuổi anh. Giọng thơ của anh là một giọng thơ riêng biệt, rất lính tráng, hào phóng. Bao thế hệ người đọc đã bị cuốn hút bởi giọng điệu thơ ấy. Người ta gọi anh là một "danh nhân Trường Sơn", một "con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại". Riêng điều đó thôi anh đã xứng đáng được chúng ta tôn vinh.

Tôi và anh Phạm Tiến Duật là bạn bè từ những năm tháng cùng chiến đấu ở Trường Sơn. Chúng tôi cùng đằm mình trong không khí chiến tranh để sống và viết. Khi anh Phạm Tiến Duật sắp mất tôi có hứa với anh là tôi sẽ làm một điều gì đó cho anh. Và khi Trung tâm Văn hóa danh nhân trao giải thưởng cho sự nghiệp thơ của Phạm Tiến Duật, chúng tôi đã dùng một phần số tiền ấy làm một bức tượng của anh. Làm tượng xong rồi thì tôi nghĩ đến việc đặt tượng anh ở đâu và tôi quyết định phải làm nhà lưu niệm cho anh. Nơi này sẽ vừa là nơi thờ anh, vừa là nơi trưng bày những hiện vật, kỷ vật về đời thơ của anh để những người yêu mến anh có thể có một địa chỉ mà tìm đến, chia sẻ những tình cảm của mình với nhà thơ mà họ yêu mến. Tôi tìm đến Hội Văn nghệ Phú Thọ để trình bày ý tưởng của mình thì được lãnh đạo Hội ủng hộ. Theo đó, nhà tưởng niệm thi sĩ Phạm Tiến Duật sẽ nằm trong khuôn viên của Hội. Trung tâm Văn hóa doanh nhân sẽ làm chủ đầu tư còn Hội sẽ là đơn vị thi công.

- Xây dựng nhà tưởng niệm nhà thơ Phạm Tiến Duật chắc chắn cần đến một số tiền không nhỏ. Vậy, ông tìm kiếm nguồn tài trợ ấy ở đâu?

+ Cá nhân tôi thì không có nhiều tiền. Tôi phải cần đến sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, những Mạnh Thường Quân, những bạn đọc yêu mến nhà thơ Phạm Tiến Duật. Thú thật rằng, việc làm thế nào để có tiền xây nhà lưu niệm cho anh Duật mới là câu chuyện làm tôi lo lắng nhất. Theo như tính toán của tôi, phải cần đến số tiền là 1,2 tỷ đồng thì mới có thể "hòm hòm" đủ cho công trình này. Trước mắt, tôi đã có được số tiền ủng hộ của một số cá nhân. Ví dụ anh Thân Đức Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cienco5 ủng hộ số tiền 100 triệu đồng, anh Phạm Cao Phú - một doanh nhân ở Sài Gòn ủng hộ 30 triệu. Ngoài ra, một số cá nhân như chị Thiện - Việt Kiều ở Hungary hứa với tôi tháng 6 sẽ về nước và ủng hộ công việc xây nhà tưởng niệm của anh Duật. Chị Thoa, một danh nhân ở Mũi Né (Phan Thiết) cũng hứa là sẽ đóng góp ủng hộ công việc tôi đang làm.

Với 130 triệu đồng tiền mặt có trong tay tôi quyết định sẽ khởi công việc xây nhà lưu niệm cho nhà thơ Phạm Tiến Duật trong tháng 4 này. Tôi sẽ vừa làm vừa kêu gọi tài trợ và nhất định phải làm cho được ước nguyện của mình với hương hồn anh Duật. Tôi nghĩ rằng, không chỉ tôi, rất nhiều độc giả yêu thơ Phạm Tiến Duật cũng mong muốn có được một ngôi nhà lưu niệm đàng hoàng cho anh. Nếu được các phương tiện thông tin đại chúng thông báo rộng rãi đến bạn đọc những thông tin này thì chắc chắn sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân cùng chung tay góp sức với chúng tôi để có thể hoàn thành được việc này sớm nhất. Tôi hy vọng là trong năm nay công việc này sẽ được hoàn tất bằng một buổi lễ hô thần nhập tượng và một cuộc hội thảo về thơ Phạm Tiến Duật do Hội Nhà văn tổ chức.

- Sắp đến ngày lễ kỷ niệm 36 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2011), ông và nhà thơ Phạm Tiến Duật đều là những nhà văn mặc áo lính, có chung những năm tháng sống và viết ở Trường Sơn "mưa bom bão đạn". Xin hỏi, nhớ về những năm tháng ấy và nhớ về người bạn thân thiết đã vĩnh viễn ra đi của mình, ông nhớ nhất những kỷ niệm nào?

+ Kỷ niệm với anh Phạm Tiến Duật thì tôi có nhiều lắm, không thể nào kể hết được. (Nói đến đây nhà văn Lê Lựu khóc vì xúc động. Trong suốt buổi trò chuyện về nhà thơ Phạm Tiến Duật, thỉnh thoảng ông lại cầm khăn lau nước mắt - PV). Anh Duật là người sống rất thật, rất thẳng thắn. Anh đúng là một người nghệ sĩ đích thực. Bởi vậy mà anh cũng đãng trí lắm, anh hay hứa và hay quên nên nhiều người không hiểu cứ nghĩ không tốt về anh thôi.

Hồi chúng tôi ở Trường Sơn, chúng tôi được bác Đồng Sỹ Nguyên quý mến lắm. Bác Đồng Sỹ Nguyên vốn là người yêu văn nghệ nên mỗi lần tiếp khách thì bác lại hay cho gọi hai thằng lính "nhãi nhép" chúng tôi nên tiếp khách cùng. Nhiều buổi về đơn vị khuya, anh Duật say, đi cứ lấy chân đá cái nọ, đá cái kia, nên hay bị cấp trên phê bình. Anh Duật hay bị phê bình về những chi tiết ấy. Nhưng anh Duật sống thật lắm. Tôi và anh Duật là hai thằng lính viết văn, chúng tôi có chung nhiều tâm trạng, nhiều nỗi niềm. Mỗi lần ngồi nhớ lại cái đêm Rằm tháng bảy năm 1972 tôi lại khóc vì thương nhớ anh Duật. Đó là cái đêm chúng tôi cùng nhau ra giữa rừng mà đứng khóc. Hai người lính đứng khóc với cây rừng, với ánh trăng. Tôi khóc vì nhớ mẹ còn Phạm Tiến Duật thì khóc vì nhớ con.

- Nhà thơ Phạm Tiến Duật không còn nữa. Ông đã đi xa nhưng thơ ông thì ở lại, khắc tên ông vào lịch sử, vào cuộc đời, vào trái tim của hàng triệu độc giả. Nhìn vào đời thơ Phạm Tiến Duật, ông có điều gì cần chia sẻ thêm với bạn đọc chăng?

+ Thơ anh Phạm Tiến Duật thì đã là một giá trị mà không ai trong chúng ta cần phải bàn cãi nữa rồi. Anh là nhà thơ của lính trận và của tuổi trẻ. Trong hiện thực chiến tranh chống Mỹ, anh Duật đã nhận lấy vai trò của một người lĩnh xướng trong dàn nhạc, dàn thơ ca suốt cả thời chống Mỹ. Thời ấy, không một người lính nào ra trận mà trong ba-lô không có thơ của Phạm Tiến Duật. Anh đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, là người có đóng góp quan trọng cho lịch sử văn học thời kỳ chống Mỹ. Nếu có điều gì để tiếc cho anh, thì tôi tiếc rằng, những năm tháng sau này, nếu cuộc đời riêng của anh hạnh phúc hơn thì anh sẽ đỡ khổ về tinh thần hơn. Và lẽ ra anh phải được hạnh phúc hơn vì anh là một nghệ sĩ theo đúng nghĩa nhất của từ nay. Anh sống thật và yêu thật, hết lòng không giấu giếm hay giả tạo. Sinh thời, không phải ai cũng hiểu đúng về anh.

- Xin cảm ơn nhà văn Lê Lựu về cuộc trò chuyện và chúc ông có thêm nhiều sức khỏe để hoàn thành công việc hữu ích cho người bạn mà ông yêu mến.

                                                                             Theo CAND

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục