Một vở diễn của đoàn Ánh Bình Minh. (Nguồn: baoanhdatmui.vn)

Một vở diễn của đoàn Ánh Bình Minh. (Nguồn: baoanhdatmui.vn)

Nghệ thuật sân khấu Dù Kê là một loại hình kịch hát của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, được hình thành và phát triển vào những năm đầu thế kỷ 20.

 

Theo sách “Văn hóa Khmer Nam Bộ” của Nhà xuất bản Hậu Giang, thủy tổ của nghệ thuật sân khấu Dù Kê là ông Kru Cô, một người Khmer ở Trà Vinh. Năm 1920, ông Kru Cô thành lập gánh hát Dù Kê lấy tên là “Nhật Nguyệt Quan,” vừa biểu diễn phục vụ, vừa truyền bá và đào tạo diễn viên cho bộ môn nghệ thuật mới mẻ này.

Riêng các bô lão Khmer ở Trà Vinh lại cho rằng, vào thập niên 20 của thế kỷ trước, tại chùa Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) có một chú tiểu tên là Kê rất mê xem hát quảng. Sau khi xem xong, chú thường rủ bạn bè đến sân sau của chùa để phân vai biểu diễn, xem vừa ngộ vừa vui. Tiếng tăm của chú tiểu Kê thu hút người dân Khmer và cả người Kinh đến xem ngày càng nhiều. Mỗi lần đến đây, người dân bảo nhau là đi xem Kê vũ, lâu ngày biến âm thành Dù Kê.

Nhiều tài liệu viết về văn hóa Khmer Nam Bộ cho biết, trong giai đoạn 1920-1930, phong trào Dù Kê phát triển rất mạnh ở Trà Vinh, sau đó lan rộng ra khắp vùng Nam Bộ.

Sau những năm 30 của thế kỷ trước, chiến tranh ác liệt, người dân ở nhiều vùng Khmer Đồng bằng Sông Cửu Long phải sơ tán lánh nạn. Trong đó, có một số nghệ sỹ Dù Kê đã chạy sang Campuchia thành lập đoàn biểu diễn, được người dân đất nước chùa Tháp đón nhận một cách trân trọng và đặt tên mới cho nghệ thuật sân khấu Dù Kê là “Lkhôn Ba Sắc” (kịch hát hình thành từ sông Hậu).

Vào năm 1960, vùng căn cứ cách mạng ở Trà Vinh mở rộng, tỉnh ủy quyết định thành lập Đoàn Văn công Khmer Ánh Bình Minh. Đây cũng là đoàn nghệ thuật Khmer cách mạng đầu tiên ở Nam Bộ.

Trải qua hơn 50 năm thành lập, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh luôn ngời sáng, đã dàn dựng hơn 40 vở ca kịch Dù Kê mang tính chất xã hội đương đại. Trong đó, đáng kể nhất là vở “Nghĩa tình trong giống tố,” “Giữ Đền cô Hia,” “Bông Hồng Trà Vinh,” “Mối tình Bôpha - RạngXây”

Qua 7 lần tham gia Hội diễn Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, với 3 loại hình nghệ thuật sân khấu: Kịch hát Dù Kê, kịch múa và ca, múa nhạc tổng hợp, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh đã đạt được nhiều giải thưởng cao.

Điều khiến nhiều anh chị em trong Đoàn nhớ mãi là kỷ niệm khi tham gia Hội diễn Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại thành phố Qui Nhơn, tỉnh Nghĩa Bình (nay Bình Định) diễn ra từ ngày 1/7-15/7/1985 do Bộ Văn hóa và Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam tổ chức.

Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh mang đến Hội diễn bằng loại hình nghệ thuật sân khấu ca kịch Dù Kê, với vở “Mối tình Bôpha - RạngXây” ca ngợi mối tình hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam và Campuchia của tác giả Thạch Chân. Chương trình thi diễn của Đoàn gây bất ngờ người xem cả hình thức, nội dung và phong cách biểu diễn rất đặc thù ở địa phương và được Ban giám khảo đánh giá cao; riêng vở “Mối tình Bôpha- RạngXây” đạt Huy chương Vàng.

Đặc biệt, nghệ thuật sân khấu Dù Kê được Bộ Văn hóa công nhận là loại hình kịch hát dân tộc Khmer Nam Bộ nằm trong hệ thống sân khấu truyền thống Việt Nam cũng ở trong Hội diễn này.

Trà Vinh hiện có khoảng 300.000 người dân tộc Khmer, chiếm khoảng 30% dân số của tỉnh. Điểm nổi bật trẻ em Khmer ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng, đa phần biết múa trước khi biết chữ. Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có 141 ngôi chùa Khmer. Các chùa Khmer đều thành lập đội văn nghệ, lấy loại hình nghệ thuật sân khấu ca kịch Dù Kê làm nền tảng trong hoạt động.

Ông Thạch Chân - nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Trà Vinh, tác giả nhiều vở ca kịch Dù Kê, băn khoăn các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, như Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu và Kiên Giang đều thành lập Đoàn nghệ thuật sân khấu ca kịch Dù Kê, một số diễn viên có giọng hát và khả năng diễn xuất rất tốt.

Cái khó để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật sân khấu ca kịch Dù Kê hiện nay là các diễn viên này chỉ mới biết đọc, biết viết; trong khi đó, tiêu chuẩn diễn viên hiện nay là phải học hết lớp 12 hoặc đại học. Đối các trường trung học phổ thông, có em học hết lớp 12 nhưng lại phát âm tiếng dân tộc không chuẩn hoặc bị “mù” chữ dân tộc./.

 

                                                                                Theo TTXVN

 

 

Các tin khác


Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục