Mấy năm lại đây, ai có dịp đi ngược về xuôi qua xã Trung Minh (TPHB), đoạn từ cầu Chu đến cầu Dân sẽ bắt gặp những điểm bán ẩm thực mới - cá nướng. Thực ra món cá nướng có từ xưa nhưng cá nướng bên đường mới xuất hiện ở đây mà xuất hiện theo “vết dầu loang” và xu hướng “buôn có bạn, bán có phường”. Ban ngày thì thấp thoáng quán này, quán kia, trời xâm xẩm tối chăng đèn như hội hoa đăng bên đường phía trong đồi. Dù không có biển hiệu quảng cáo, nhìn qua cũng biết là cá nướng nhưng người ta có biển hiệu mà mình không có sao? Cũng chẳng tốn kém là bao! Người thì “Cá nướng sông Đà”, người thì “Cá sông Đà nướng”. Các điểm bán cá nướng ở phía nhà dân trong đồi, một phần là do khách mua cá nướng hầu hết là từ trên mạn ngược xuôi về.

 

 

Khởi đầu là điểm bán cá nướng của anh Nguyễn Văn Thành, người huyện Chương Mỹ (TP. Hà Nội) nhưng lại bén duyên với một cô gái ở xóm Chu, họ đã an cư, lạc nghiệp nơi này từ lâu và mở ra nghề bán cá nướng từ năm 2011. Đến nay, khu vực này đã có trên 10 điểm bán cá nướng, chủ yếu là xóm Chu và xóm Trung. Điểm cá nướng phải cạnh sông Đà hoặc thấp thoáng đâu đó sông Đà.

 

Cá nướng ngon chủ yếu là cá vền, măng, thiểu và số ít cá mương. Đây là những giống cá sống ở vùng nước sạch, thức ăn cho chúng chủ yếu là sinh vật, thực vật như các con côn trùng, rau, tảo, lá cây... Sông Đà ngày nay phía hạ du có nhà máy nước mặt cung cấp nước cho Thủ đô Hà Nội, do vậy, cá sông Đà là cá nước sạch rồi!

 

Bếp nướng cá ban đầu chỉ là mấy hòn gạch vây lại, giữa là hai, ba đoạn củi khô dễ bén lửa, cháy đượm than đỏ rực, mới đầu quạt tay, mùa đông thì “nhất cử hướng tiện”, mùa hè khá vất vả! Một số điểm đã đầu tư chiều sâu như mái che, khung lò bằng sắt, lát gạch bên trong, có ống khói và dùng quạt điện. Đây là một trong những khâu để “cạnh tranh lành mạnh” với vùng xuôi và người dân thành phố. Cá nướng phải tươi sống, chỉ bỏ ruột, không đánh vảy và sát muối quanh con cá khi nướng. Đặc biệt là cá phải có kẹp bằng tre, nứa tươi. Cá nướng chín, suất cho khách ăn ngay tại chỗ hoặc mang đi đều phải có kẹp. Cá nướng đưa đi xa còn phải có giấy bao gói và túi nilon đựng. Nếu khách yêu cầu còn phải cung cấp các gia vị kèm theo như: muối tiêu, muối ớt, rau mơ, lá sung, đinh lăng..., đặc biệt là khoản nước chấm cá. Khâu pha nước chấm phải có bí quyết riêng, tỷ lệ gừng, ớt, nước mắm, mì chính... sao cho vừa phải.

 

Khách mua cá nướng cũng phong phú hơn trước. Buổi đầu chỉ mua mang về nhà ăn hoặc làm quà, bây giờ lại có khách ăn tại chỗ (dạng khách: không thể trì hoãn sự sung sướng), thế là phải có phản, chõng tre, có chiếu, có rượu và có các dịch vụ khác nữa. Không gian, cảnh quan xung quanh phải sạch sẽ, xa các công trình vệ sinh gia đình; trâu, bò, gà, vịt ít qua lại, cả vấn đề an toàn thực phẩm cho khách nữa... Có một số khách hàng “quen hơi, bén tiếng” mua cá nướng qua di động và gửi cá qua xe khách xuôi ngược. Giá cả lên xuống xoay quanh quan hệ cung, cầu, là người bán cá nướng phải có kênh thông tin riêng! Thế là “thị trường là chiến trường” diễn ra ngay trước cửa mỗi gia đình nhà dân ở nơi này.

 

Trên những nẻo đường của đất nước ta, những điểm mua bán hàng hóa dọc hai bên đường khá phong phú, song chủ yếu là hàng tươi sống, chỉ một vài nơi có bán ngô, khoai chín... Đó chính là “sơn hào hải vị”, là đặc sản của một vùng đất. Ở Đài Loan (Trung Quốc), dọc đại lộ từ Đài Nam đến Đài Bắc có các điểm bán trầu không, người bán là các cô gái mặc trang phục diêm dúa đẹp như chính miếng trầu têm trong các khay, tráp mở ra mời khách mua, các cô gái đứng bên quầy hàng luôn nở nụ cười. Người Đài Loan  lái xe không được hút thuốc nên ban đầu họ ăn trầu cho tỉnh táo khi lái, từ đó thành ra nghiện và kéo theo cả khách trên xe cũng ăn trầu không. Vì thế, những điểm bán cá nướng bên đường của bà con ta phải vươn lên làm sao cho nhiều người trong và ngoài nước qua lại đường 6 này “nghiện” cá nướng để cá nướng bên đường không chỉ là môt hiện tượng nhất thời của thị trường ẩm thực mà như miếng trầu cô gái Đài Loan (Trung Quốc) ấy, bốn mùa níu chân du khách.

 

 

 

                                                 Tản văn của Đinh Đăng Lượng

 

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục