Mặc dù có thùng rác nhưng khuôn viên tượng Bác Hồ vẫn đầy rác.

Mặc dù có thùng rác nhưng khuôn viên tượng Bác Hồ vẫn đầy rác.

(HBĐT) - Mùa xuân là mùa của các lễ hội. Đầu năm đến các đền, chùa, lễ hội để vui xuân và cầu cho một năm mới an khang, thịnh vượng là nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, chính tại những nơi này, không ít người đi du xuân lại có những hành vi thiếu văn hóa. Điển hình như hiện tượng xả rác bừa bãi, ăn mặc hở hang khi đi chùa, đắp tiền lẻ lên tượng, thắp hương không đúng nơi quy định… Tình trạng này đã diễn ra từ lâu nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

 

Đến dâng hương hoa tượng đài Bác Hồ trên công trình thủy điện Hòa Bình ngày đầu năm để bày tỏ tấm lòng với Bác đã trở thành lựa chọn không chỉ của riêng người dân TP Hòa Bình mà của nhân dân khắp trong và ngoài tỉnh. Ước tính, mỗi ngày có hàng nghìn người đến dâng hương, hoa lên Bác để tỏ lòng thành kính. Ở đây cũng có cửa hàng phục vụ nhu cầu của du khách từ hương, hoa, nước giải khát đến bánh kẹo, kem, xúc xích… Mặc dù có thùng đựng rác nhưng tình trạng xả rác bừa bãi quanh khu vực vẫn diễn ra. Vỏ kem, que xúc xích, vỏ kẹo, hạt hướng dương… la liệt từ dưới bậc lên sân khuôn viên. Người dọn vệ sinh đã phải toát mồ hôi khi vừa quét rác đi, một lúc sau lại như cũ. Bên cạnh những bông hoa đặt dưới chân tượng là những đồng tiền lẻ, mệnh giá từ 500 đồng – 10.000 đồng để lộn xộn. Một số người đến sau cố để lên bên trên của người đến trước. Xung quanh khu vực là đồi lau lách nên có biển “cấm lửa” và bố trí nơi châm hương quy định nhưng một số người vẫn mang lên tận chân tượng để châm. Tại khu vực Nhà lưu niệm công trình thủy điện và nơi đặt bức thư thế kỷ, trưng bày hiện vật thi công công trình, nhiều thanh niên đã trèo lên để chụp ảnh.

 

Ở hầu hết các hội xuân văn hóa – thể thao và lễ hội, tình trạng xả rác bừa bãi cũng diễn ra. Ăn bánh, kẹo, bim bim, ngô luộc, kem, uống sữa, nước ngọt… xong nhiều người vứt ngay xuống chân dù thùng rác chỉ cách đó vài bước. Kết thúc hội, sân hội lại ngập rác. Tại lễ hội khai mùa Mường Thàng diễn ra tại sân vận động xã Dũng Phong (Cao Phong) đã có khoảng trên 1 vạn người tham dự. Ban tổ chức đã bố trí 11 thùng đựng rác nhưng rác ở trong thùng thì ít, ở ngoài thì nhiều. Một số lễ hội diễn ra ngay bên con suối làng trong vắt nhưng khi hội chưa kết thúc rác đã nổi lềnh bềnh trên mặt nước, tràn lan trên bờ. Đơn cử như tại lễ hội Chùa Chanh, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) diễn ra 2 năm 1 lần bên dòng suối xóm Chanh. Ở một số lễ hội khác như lễ hội đình Cổi, xã Bình Chân, lễ hội đu Mường Vôi, xã Liên Vũ (Lạc Sơn), Khai hạ Mường Bi, xã Phong Phú (Tân Lạc)… rác vương vãi lối đi. Một số ban tổ chức lễ hội chưa bố trí thùng đựng rác, chưa có khu vệ sinh. Còn tại chùa Hòa Bình Phật Quang (TP Hòa Bình), đền Bờ nhiều người ái ngại khi nhìn các cô gái mặc “thiếu vải”, mặc váy xì xụp khấn vái, chạm vào chuông tạo dáng chụp ảnh.

 

Bên cạnh những hành vi chưa đẹp vẫn có những hành động đẹp của một số người cần lan tỏa trong cộng đồng. Đó là hình ảnh một bé học lớp 1 tại hội xuân phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) sau khi ăn kẹo đã tự giác bỏ vỏ vào thùng rác. Một nhóm học sinh trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tự nguyện thu gom túi ni lông trên cầu Hòa Bình và liên tục nói với người đi thả cá trong ngày ông Công, ông Táo “thả cá đừng thả túi”…

 

Đồng chí Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh cho biết: “Trước Tết Nguyên đán, Sở đã có văn bản gửi các huyện về công tác quản lý  lễ hội. Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn không ít tồn tại, nhất là tình trạng mất vệ sinh môi trường, rải tiền lẻ lung tung, ăn mặc hở hang khi đến chốn tâm linh, bãi trông xe lộn xộn… Sau khi kết thúc các lễ hội, Sở VH-TT&DL sẽ tổ chức cuộc họp mời lãnh đạo các huyện và các địa phương, đơn vị có lễ hội, di tích họp rút kinh nghiệm để chấn chỉnh trong các năm sau. Lễ hội là nét đẹp văn hóa của dân tộc, thông qua việc tổ chức sẽ góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần có các giải pháp hiệu quả hơn trong việc tổ chức, quản lý. Người đi du xuân, đi lễ cần ứng xử có văn hóa.” Thiết nghĩ, chính quyền các địa phương tổ chức lễ hội cần có các quy định và dán ở nơi dễ nhìn, thông báo trên loa để người dân thực hiện. Quy hoạch khu vực bán hàng; bố trí người kịp thời nhắc nhở các hành vi thiếu văn hóa. Người dân cần tự giác hợp tác cùng ban tổ chức lễ hội, bỏ các thói quen xấu.

           

                                                                      

                                                                                Cẩm Lệ

 

 

Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục