(HBĐT) - Sau gần 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 và hơn 2 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách (TDCS) xã hội đã tác động tích cực đến hoạt động TDCS trên địa bàn tỉnh. Hơn 20 năm triển khai TDCS, vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã trở thành một trong những trụ cột trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Với sự tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội đã giúp trụ cột này thêm vững chắc hơn.




Được vay vốn chính sách, hộ dân ở xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) đã phát triển nuôi cá lồng, đem lại thu nhập khá.

"Bà đỡ” cho người nghèo

Tháng 10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về thực hiện TDCS đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Qua hơn 20 năm hiện diện ở đất "khó” Hoà Bình, nguồn vốn TDCS đã trở thành động lực quan trọng cho công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở các địa phương. Đặc biệt, việc triển khai đa dạng chương trình cho vay đã giúp hầu hết các hộ dân ở vùng khó khăn được tiếp cận vốn chính sách. Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, sau hơn 20 năm triển khai TDCS đã giúp khoảng 640 nghìn hộ được vay vốn, trên 11 vạn hộ thoát nghèo, hàng vạn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường quy mô hộ gia đình được xây dựng. Bên cạnh đó, vốn chính sách đã tiếp bước cho hàng nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên hành trình đi tìm tri thức. Nguồn vốn vay ưu đãi cũng giúp trên 3 vạn lao động được tạo việc làm.

Có thể nói, với một tỉnh còn nhiều khó khăn, khi đặt chân đến bất cứ vùng quê nào đều thấy được sự hiện diện của TDCS. "Đường giao thông mới được đầu tư xây dựng thuận lợi trong 2 - 3 năm trở lại đây thôi. Còn vốn chính sách thì đã có từ chục năm về trước. Có nguồn vốn này bà con mới đầu tư trồng rừng, chăn nuôi rồi làm nhà cửa khang trang được. Bà con luôn biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm cho vay vốn để xoá đói, giảm nghèo”, đó là chia sẻ của ông Bùi Văn Mến, xóm Um, xã Thạch Yên (Cao Phong), cũng là tâm tư của hàng vạn hộ dân trên địa bàn tỉnh. Xóm Um là bản làng của bà con người Mường, nơi có vị trí cao nhất ở xã vùng cao Thạch Yên. Khi chưa có đường thuận lợi, Um thực sự là nơi "sơn cùng, thuỷ tận”. Ấy thế mà gần 20 năm qua, đồng vốn TDCS của Nhà nước đã vượt bao chênh vênh về địa lý để đến với bà con nơi này. Từ vốn chính sách, nhiều hộ dân ở xóm Um đã thoát nghèo bền vững.

Theo chia sẻ của đồng chí Bùi Đức Chung, Chủ tịch UBND xã Thạch Yên, là xã đặc biệt khó khăn nên sự quan tâm, đầu tư về hạ tầng thiết yếu, đặc biệt vốn vay ưu đãi của Đảng, Nhà nước là động lực để xã vượt khó vươn lên. Trong hơn 20 năm qua đã có trên 900 hộ trong xã được vay vốn chính sách, mức dư nợ bình quân từ 3,2 triệu đồng/hộ (năm 2003) nay tăng lên trên 50 triệu đồng/hộ. Thông qua nguồn vốn đã giúp gần 800 hộ thoát nghèo bền vững, gần 1.000 công trình nước sạch và vệ sinh cho hộ gia đình được xây dựng. Những kết quả đó là tiền đề để xã xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống và thu nhập cho người dân. Xã đang phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2023.

Hành trình vượt khó của người dân xã Thạch Yên là hình ảnh điển hình cho các vùng quê trong tỉnh từ khi có sự đồng hành của vốn chính sách. Tuy nhiên, hơn 10 năm đầu triển khai TDCS vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một số cấp uỷ, chính quyền chưa sâu sát với TDCS, chưa nhận thức rõ vai trò của TDCS đối với công cuộc xoá đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Do đó hiệu quả đồng vốn đem lại chưa cao. Trước thực tế đó, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội. Chỉ thị ra đời đã khắc phục những hạn chế trong triển khai TDCS, đồng thời thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với công cuộc giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Bước đột phá về tư duy

Trên địa bàn tỉnh, từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào cuộc sống đã tạo bước đột phát trong thực hiện TDCS. Trước khi Chỉ thị số 40 được ban hành, nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương (NSĐP) chuyển sang mới đạt 6 tỷ đồng. Khi chỉ thị đi vào cuộc sống, cấp uỷ, chính quyền ngày càng quan tâm chuyển vốn. Hai năm trở lại đây nguồn vốn chuyển đạt cao nhất. Năm 2022, nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 102 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2021. Năm 2023, trên 39,5 tỷ đồng đã được UBND tỉnh và các huyện, thành phố chuyển sang NHCSXH, nhiều đơn vị vượt chỉ tiêu kế hoạch. Đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác NSĐP đạt hơn 142 tỷ đồng, tăng 136 tỷ đồng so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Trong bối cảnh là tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã bố trí NSĐP sang NHCSXH cho thấy sự quan tâm rất lớn của các cấp ủy, chính quyền tỉnh đối với TDCS.

Đồng chí Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Hai năm trở lại đây, nguồn vốn ủy thác từ NSĐP đã góp phần lớn trong việc bổ sung vốn cho giải quyết việc làm (GQVL). Như năm 2022, doanh số cho vay GQVL từ nguồn NSĐP đạt hơn 62 tỷ đồng, với 1.596 hộ được vay vốn; năm 2023, toàn chi nhánh đã giải ngân 53,6 tỷ đồng/1.206 hộ vay vốn GQVL. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 3.547 hộ được vay vốn GQVL từ nguồn vốn uỷ thác NSĐP chuyển sang. "UBND tỉnh và các huyện, thành phố quan tâm chuyển vốn NSĐP sang NHCSXH không chỉ ghi nhận vai trò của NHCSXH trong thực hiện các chương trình tín dụng, mà còn tạo ra nguồn vốn để GQVL cho người dân. Đây là nguồn vốn được người dân rất quan tâm, nhất là sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đối với vấn đề việc làm” - đồng chí Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh nhấn mạnh.

Không chỉ quan tâm đến vấn đề GQVL cho lao động tại địa phương, những năm qua, tỉnh chú trọng công tác xuất khẩu lao động. Ngày 9/12/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 216/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ vay vốn đối với người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2023 - 2026. Mức vay tối đa 100 triệu đồng, kinh phí từ ngân sách cấp tỉnh và huyện ủy thác qua NHCSXH. Từ nghị quyết này đã có những lao động xuất ngoại, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Có thể nói, sự thẩm thấu của nguồn vốn uỷ thác từ NSĐP đã, đang đem lại những cơ hội lớn để GQVL cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh. Mỗi đồng vốn trao tay là thêm một cơ hội để hộ vay vươn lên phát triển kinh tế.

(Còn nữa)

Viết Đào

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục