Nghe tiếng kêu cứu đuối nước dưới sông Son, Trần Văn Nam (thôn Cù Lạc 1, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã lao xuống lặn tìm cậu bé đã chìm sát đáy sông.


Trần Văn Nam, cậu học trò lớp 10 vừa có hành động cứu người dũng cảm - Ảnh: HOÀI THU

Người được cứu là bé Nguyễn Thái Hòa (sắp vào lớp 1, trú cùng thôn Cù Lạc 1). Chị Trần Thị Loan, mẹ cháu Hòa, cho biết vào chiều muộn 19-6, Hòa được anh trai lớn hơn 3 tuổi đưa ra bờ sông chơi và theo anh xuống nước để quen nước trước khi đi học bơi. Hai anh em cùng một số bạn khác tắm sát bờ sông, nhưng được một lúc thì Hòa bị nước kéo ra chỗ sâu. Chị Loan cũng ở gần đó không thấy con thì kêu cứu. 

"Ở đó có nhiều người nhưng không ai biết bơi nên không dám xuống tìm. May mắn đúng lúc nớ cháu Nam đi phụ hồ mới về. Nghe tui kêu cứu, cháu vứt đồ nghề bên bờ sông, nhảy xuống sông ngay. Nếu không có cháu Nam, có lẽ tui mất con rồi", chị Loan kể.

Chị cho biết đến trưa 20-6, bé Hòa đã có dấu hiệu tốt hơn, nhận biết được mọi người xung quanh. 

 Nguyễn Văn Nam vừa học xong lớp 10 Trường THPT Nguyễn Trãi, sắp lên lớp 11. Nam kể nhà ở sát bờ sông Son nên em biết bơi từ nhỏ. Nhà nghèo, ba em vừa bị tai nạn nặng, không lao động được nên vừa nghỉ hè, Nam đi phụ hồ kiếm tiền phụ giúp gia đình. 

"Lúc đó em cũng vừa đi phụ hồ, cũng có chút phân vân và lo lắng, nhưng việc cứu người quá gấp nên em nhảy liều xuống luôn. Lặn ra khoảng 3 mét sau vài hơi, em phát hiện em Hòa nằm sát đáy sông. Em lặn xuống và kéo nhanh vào bờ", Nam kể.

Cô Hoài Thu, giáo viên Trường tiểu học số 1 Sơn Trạch, kể nhà cô ngay chỗ em Hòa bị nạn, theo dõi sự việc từ đầu. Vừa kéo được Hòa lên bờ, Nam đã vác em lên vai và chạy. Nam nói đã học cách sơ cứu này trên truyền hình. Sau đó Nam đặt Hòa nằm xuống bãi cát, ép ngực cho tim đập trở lại. Nhiều người khác xúm lại cấp cứu cho Hòa, trong đó có hai khách du lịch người nước ngoài. 

Bác sĩ Trần Văn Huề nhà ở gần đó chạy xuống tiếp ứng. Bác sĩ kể gần như Hòa đã ở lằn ranh sinh tử vì ở dưới nước quá lâu. Bác sĩ phải dùng nhiều cách cấp cứu liên tục ngay bên bờ sông trong hơn một giờ đồng hồ em mới có dấu hiệu có hơi thở trở lại. Sau đó, gia đình đưa em Hòa vào bệnh viện tiếp tục điều trị. 

Cô Hoài Thu nói đến khi cứu lại được hơi thở cho em Hòa, quay qua tìm em Nam thì không thấy em đâu. Mọi người đến nhà Nam, thấy em ngồi ở góc sân nhà.

Bà Nguyễn Thị Khuyên, mẹ của Nam, nói khi trở về Nam mệt lả người và khá thất thần. Bà hỏi thì Nam mới kể việc vừa nhảy xuống sông lặn cứu người. Nam lên bờ rồi mới nghĩ tới những chuyện rủi ro. Bà Khuyên thương con nhưng cũng ủng hộ con về hành động dũng cảm.

Ông Trần Nam Trung, chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, nói sự việc xảy ra vào chiều tối nên đến sáng 20-6, chính quyền địa phương mới biết. "Đây là một hành động dũng cảm, nhất là khi em Nam mới học xong lớp 10. Chính quyền xã sẽ cử các ban ngành mặt trận đến tuyên dương ngay trong buổi chiều", ông Trung nói.

Sau khi câu chuyện về hành động dũng cảm của Nam được đưa lên mạng xã hội, rất nhiều người đã chia sẻ và bày tỏ sự cảm phục đối với em. Một số người còn gửi tiền hỗ trợ, giúp em mua xe đạp đi học khi biết quãng đường từ nhà tới trường của em gần chục cây số. 

Một cán bộ Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Bình còn hứa sẽ lo cho em toàn bộ sách vở đồ dùng học tập trong hai năm học tiếp theo.

 

         TheoTuoitre

Các tin khác


Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục